Tập 05 : Cánh buồm đen
Chương 19.5 : Ba tháng trong cuộc hành trình
0 Bình luận - Độ dài: 1,281 từ - Cập nhật:
Ba tháng trên Hải Sư trôi qua nhanh như một cơn bão. Mỗi ngày đều bắt đầu từ khi trời còn chưa kịp rạng sáng. Trương Hằng không có chuông báo thức, cũng không cần ai gọi. Cậu tự dậy đúng giờ, một phần vì thói quen cũ, phần khác vì nếu không dậy sớm, Roscoe sẽ đạp cửa và xối cả xô nước biển vào người.
Buổi sáng bắt đầu bằng nửa giờ tập luyện kiếm thuật cậu không dùng gỗ mà luyện với kiếm thật, vì theo Owen, “đã đánh là phải quen mùi máu”. Sau đó, Trương Hằng xuống bếp giúp Marvin một tay đổi lấy chút thức ăn. Cậu học được rằng gã nông dân này có thể nướng bánh mì bằng mọi thứ thậm chí là rượu rum pha nước biển miễn là có nguyên liệu, dù thành phẩm đôi khi khiến người ta nghi ngờ về nguồn gốc cái gọi là ‘thực phẩm’.
Buổi trưa, khi đám cướp biển vẫn còn say xỉn hoặc lười nhác nằm dài trên boong, Trương Hằng bắt đầu buổi học với Roscoe. Lão già nghiêm khắc hơn bất kỳ ai cậu từng biết. Không có sách vở, không có bài giảng. Chỉ có gió, buồm và lệnh: “Leo lên. Gỡ dây. Buộc lại. Gió hướng nào? Áp suất? Xoáy không? Nếu gió xoay 15 độ thì làm gì?”
Sai một lần thì bị quát. Sai hai lần thì bị đập. Lần ba sẽ bị đá xuống biển, và nếu may mắn bơi được lên thì lại tiếp tục học như chưa có gì xảy ra.
Ban đầu, đám cướp biển cười nhạo cậu. Một thằng nhóc non tay, không thân thế, không danh phận, lại tưởng mình sẽ học được nghề điều buồm từ Roscoe người được gọi là “cái đầu của cơn bão”. Nhưng chỉ sau một tháng, thái độ của họ bắt đầu thay đổi.
Không phải vì cậu giỏi, mà vì cậu lì.
Trương Hằng không than vãn, không bỏ cuộc. Tay phồng rộp, vai bầm dập, mặt thì lúc nào cũng sặc gió và muối biển. Nhưng ngày hôm sau vẫn có mặt đúng giờ, leo lên cột buồm như một con khỉ thành tinh.
Lúc rảnh, cậu học thêm từ Marvin cách phân biệt thực phẩm có thể tích trữ lâu ngày, cách làm khô thịt, ngâm rượu, sửa máy ép nước, thậm chí cách gỡ lưỡi câu khỏi lưỡi cá mập. Cậu học bắn đại bác với mấy tay pháo thủ nát rượu vừa học vừa nín thở vì mùi rượu và thuốc súng. Học vẽ hải đồ từ một tay thủy thủ già gần như mù chữ nhưng lại nhớ mọi tuyến đường ven Caribbean bằng tim. Cậu ghi chép lại tất cả trong một cuốn sổ nhỏ, giấu kỹ dưới tấm phản trong khoang ngủ.
Mỗi đem, sau khi dọn dẹp xong boong tàu và kiểm tra dây chão lần cuối, cậu lại đấu kiếm với Owen. Ban đầu, Owen luôn thắng. Ông ta đánh như thể đọc được suy nghĩ của Trương Hằng, mỗi cú đánh vừa nhanh vừa chính xác. Nhưng dần dần, cậu bắt đầu phản ứng được, rồi đỡ được, rồi phản công được. Đến tháng thứ ba, hai người đã có thể đánh suốt nửa giờ mà không ai hạ được ai.
Một buổi trưa nọ, sau trận đấu hòa không phân thắng bại, Owen lầm bầm: “Nếu cậu không chết vì ngu, thì cậu sẽ làm nên chuyện.”
“Cảm ơn. Tôi sẽ ghi lại vào bia mộ.”
“Đừng quên đề tên tôi bên cạnh. Là người đã từng đánh gục cậu.”
Roscoe thấy thế, đôi khi chỉ cười khẩy, nhưng trong mắt có chút ánh nhìn hài lòng.
Một lần, Roscoe hỏi: “Cậu học thế này để làm gì? Muốn thành thuyền trưởng à?”
Trương Hằng lau mồ hôi, đáp: “Tôi không thích chết đuối.”
Roscoe gật đầu: “Tốt. Ai đi biển mà không sợ chết đuối là kẻ ngu.”
Có hôm trời mưa bão. Mấy cột buồm rung lên bần bật, tàu nghiêng tới mức tưởng sắp lật úp. Trương Hằng bị quăng cả người vào thùng nước mưa. Roscoe vẫn đứng giữa boong, gào lớn qua tiếng gió: “Giờ thì nhớ, phải cảm được gió, hiểu được buồm như hiểu người tình. Gió muốn gì, buồm nghe thế nào, tàu phản ứng ra sao… đó mới là nghề!”
Trương Hằng gào lại: “Tôi chưa từng có người tình!”
“Thì cứ tưởng tượng cái buồm là cô gái tóc đỏ của cậu đi!”
“Cô ta sẽ đạp tôi xuống biển trước!”
Cả hai cười ầm trong mưa. Đám cướp biển đứng xa nhìn, có kẻ thầm lẩm bẩm: “Chắc hai thằng này điên thật rồi.”
--------------------------------------------------------------------------
Ba tháng lênh đênh trên chiếc Chim Én Vàng, với Annie, chẳng khác gì một cơn ác mộng mặc áo lụa vàng.
Lúc mới bước chân lên tàu, cô đã tưởng tượng ra một viễn cảnh oanh liệt: đạn pháo nổ vang, cờ đen phần phật, cô và đồng đội cười ngạo giữa khói thuốc súng, đạp xác quân thù mà bước lên ngôi nữ hải tặc huyền thoại.
Nhưng đời thực thì...
“Chim Én Vàng”, cái tên nghe như thơ, lại là một chiếc thuyền đánh cá hoán cải lại, thân ván ọp ẹp, boong tàu thì chắp vá bằng những mảnh gỗ cũ mèm, còn hầm tàu thì dùng để ướp cá thay vì giấu chiến lợi phẩm.
Mỗi lần ra khơi gặp sóng lớn là cả lũ hốt hoảng buộc dây, đổ nước, cầu nguyện thần biển, và nếu cần… thì ném cả hàng xuống để giảm tải. Còn về đám "thủy thủ" đi cùng cô? Một lũ tạp nham thu gom từ các quán rượu, bến cảng, nhà tù, và có lẽ cả từ... chợ cá.
Chúng đánh nhau như gà mắc thóc, chỉ giỏi nổ mồm khi đang ngồi trên thuyền uống rượu. Nhưng hễ đụng độ thật thì rối loạn như lũ gà bị rượt. Trong lần đụng độ với một nhóm hải tặc khác mà Annie dám chắc chỉ là đám tay mơ kế hoạch là “tấn công chớp nhoáng, phối hợp đội hình”. Kết quả?
Mười đấu bảy Annie xông lên boong tàu bên kia, hạ được hai tên, quay đầu lại thì thấy ba đứa trong nhóm mình đang bị đấm như bao cát, còn sáu thằng kia thì đã nhảy tót về tàu rồi.
Đó chưa phải lần duy nhất. Lần nào cũng vậy. Cô liều mạng lao lên trước, còn đồng đội thì nhanh chóng choảng vài cú rồi… biến mất, để lại một mình Annie giữa vòng vây.
Chưa kể đến lão thuyền trưởng, người đàn ông yếu tim nhất mà cô từng gặp, luôn mặc áo gấm, đi giày đánh bóng, nhưng hễ thấy bóng cột buồm lạ là mặt tái mét, miệng lắp bắp: “Rút, rút, rút thôi!” y như thể đang chơi trò trốn tìm chứ không phải đi cướp bóc.
Ra khơi thì toàn lượn loanh quanh gần bờ, nhắm vào mấy chiếc thuyền buôn nhỏ, và nếu gặp đối phương cứng đầu thì thôi… quay đầu là bờ. Có lần Annie nghe thấy một gã thương nhân cười ha hả sau khi họ bỏ chạy: “Bọn này làm hải tặc kiểu gì mà còn sợ cả tàu buôn?”
Tệ hơn nữa, bữa ăn trên tàu chủ yếu là bánh quy cứng như đá và nước muối hâm nóng. Cô từng phải chia phần ăn với chuột, và trong một cơn đói khủng khiếp, suýt nữa đã ăn nhầm một con cá sống còn thoi thóp mà cứ tưởng là... thịt khô.


0 Bình luận