Cuối cùng thì chuỗi ngày thi cử căng thẳng như kéo dài cả thế kỷ cũng đã kết thúc! Tôi thở phào nhẹ nhõm, cả người rũ ra như tàu lá chuối sau mưa. Giờ là lúc được nghỉ xả hơi thật sự rồi!
Vụ án kinh hoàng ở bệnh viện tuy đã trôi qua được hơn một tháng, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại, nặng trĩu như mây đen trên bầu trời quê. Bệnh viện giờ đã có giám đốc mới - vị phó giám đốc trước kia được thăng chức. Họ đã gấp rút triển khai đủ thứ biện pháp để gây dựng lại niềm tin. Đa phần mọi người dần nguôi ngoai, nhưng đâu đó ngoài kia vẫn le lắt những ánh mắt nghi ngại, những lời thì thầm đầy định kiến.
Những gia đình có người thân bị bọn tội ác quỷ kia xâm phạm đã nhận được khoản bồi thường từ số tiền phi pháp thu hồi được. Công việc tìm kiếm, đưa những phần di cốt thiêng liêng về với đất mẹ, với vòng tay gia đình, vẫn đang được cảnh sát âm thầm nỗ lực từng ngày.
Còn tôi? Vẫn nhịp sống thường ngày: sáng cắp sách đến trường, chiều lại bị thằng Minh lôi đi “khám phá” mấy địa điểm đầy tin đồn ma quái mấy khu vực xung quanh. Lần trước tuy đã lập được công đầu trong việc đưa tội ác của lũ ác quỷ kia ra ngoài ánh sáng, nhưng để tránh rước phiền phức vào thân, bọn tôi chọn cách ẩn mình dưới lớp vỏ bọc nặc danh. Ban đầu, Minh còn càu nhàu: “Sao phải giấu giếm? Mình làm việc tốt mà!”. Nhưng sau khi tôi phân tích rõ ràng đống rắc rối khổng lồ có thể ập xuống đầu - từ sự chú ý không mong muốn đến những kẻ xấu liên quan đến vụ đó có thể nhắm vào chúng tôi, nó cũng chịu gật đầu, ngoan ngoãn nghe theo. “Ừ, thì cũng có lý,” nó lầm bầm, miễn cưỡng chấp nhận.
Kỳ nghỉ hè này thật đặc biệt – là mùa hè cuối cùng của thời áo trắng! Trong lòng tôi trào lên bao hy vọng, mong được thả mình vào những chuyến phiêu lưu, khám phá thỏa thuê. Nhớ lại hè năm ngoái, cả nhà tôi cũng có một chuyến du lịch. Kỳ thực, đó là chuyến “săn tin” cùng bố mẹ khắp mọi miền đất nước. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác hồi hộp khi cả gia đình mò mẫm vào tận rừng sâu, chỉ vì tin đồn về một sinh vật tưởng đã tuyệt chủng bỗng xuất hiện! Cũng có năm, tôi chọn đi làm thêm, chắt chiu từng đồng chỉ để rước về những bộ truyện tranh đã làm tôi thèm thuồng cả năm trời.
Năm nay, tôi lại ấp ủ bao dự định. Trong tưởng tượng, tôi đã thấy mình tung tăng trên bãi biển nắng vàng hay đắm mình giữa núi rừng xanh mát. Nhưng... ôi, hiện thực sao mà phũ phàng! Vừa mới đây thôi, bố mẹ tôi thông báo với khuôn mặt đầy tiếc nuối: “Con yêu, hè này bố mẹ phải ra nước ngoài công tác cho một sự kiện quan trọng. Chỉ được phép mang theo một người thôi...”. Và thế là, tôi - kẻ cản trở tình yêu của hai người, chính thức bị “đá” một cú thẳng tay, ở lại nhà! “Chúng ta sẽ nhớ con nhiều lắm!” Lời nói ngọt ngào đó nghe sao mà... đắng nghét thế này. Thôi thì, mùa hè ‘tự kỷ’ của tôi chính thức bắt đầu!
“À mà nhân tiện đấy thì con về quê chơi với ông bà nội đi,” giọng bố vang lên từ phía trong phòng ngủ, lúc ông đang gấp vội mấy chiếc áo phông. “Tiện thể thu hoạch hộ vụ năm nay cho ông bà luôn, năm nay bà bảo ông dạo này đau lưng quá, chẳng gồng gánh nổi vụ này.”
“Vâng!” Tôi thở dài, cố nén tiếng ngao ngán trong lòng. Mùa hè “tự kỷ” trong tưởng tượng đã tan thành mây khói, thay vào đó là hình ảnh… những trái bưởi, ruộng lạc và cái nắng chói chang của đồng quê.
“À ta nhớ rồi,” bố quay ra, ném thêm một tin sốc, “Hình như thằng Minh cũng đi cùng con đấy.”
“Hả???” Tôi giật bắn người, chân suýt nữa đạp hụt bậc cầu thang. Tim đập thình thịch như trống trận. Minh? Về quê cùng? Trong cái nắng như đổ lửa này?
“Min... Minh nó cũng về cùng con ạ?” Tôi hỏi dò lại, hy vọng tai mình đã nghe nhầm điều gì đó kinh khủng.
“Ừ,” bố gật đầu, thoáng vẻ hài lòng. “Bố mẹ nhà đấy cũng đi cùng bọn ta mà. Thấy hai đứa không việc gì làm, lại sợ rảnh rỗi sinh nông nổi, thế nên họ nhờ ta đưa nó với con về quê cho... yên lành đầu óc.”
Chuẩn không cần chỉnh! Lần trước, chỉ vì cái tội “nghịch ngu” nhảy vào hang cọp, bọn tôi đã bị cấm túc suốt cả tuần. Giả sử mà họ biết Minh suýt nữa thành... “vật mẫu” trong vụ án bệnh viện, có lẽ họ đã nhốt nó trong phòng cả đời mất. Tôi nhìn theo bóng lưng bố mẹ khuất dần ở cửa, lòng chua xót nhận ra: Có lẽ bọn tôi chỉ là... tai nạn ngoài ý muốn trong tình yêu viên mãn của họ mà thôi.
Hai “kẻ bị bỏ rơi” lếch thếch ra bến xe. Chuyến xe khách tới quê nội đông nghẹt, chen chúc như nêm. Hơi người nồng nặc quyện mùi điều hòa xe xộc thẳng vào mũi. Ghế đã kín từ lâu, hành khách đứng chen vai sát cánh nhau đến nổi có thể cảm nhận được cả hơi thở của người bên cạnh. Tôi liếc sang Minh, mặt nó tái nhợt, mồ hôi lấm tấm trán. “Đứng trước đi, tao chắn sau cho,” tôi đẩy nhẹ nó về phía khoảng trống hiếm hoi gần cửa sổ, cố gồng mình chống đỡ những cú xô đẩy từ phía sau. Xa lạ quá... Lâu rồi mới trải nghiệm cảnh này.
Suốt hành trình, chiếc xe ì ạch lại nuốt thêm mấy người dọc đường. Ông phụ xe vẫn nhiệt tình rêu rao: “Còn chỗ, yên tâm đi các em!” khiến tôi ngỡ mình lạc vào chuồng gia súc di động. Minh dính chặt vào vai tôi, thở dốc: “Lộc ơi... tao sắp... tèo...” Phải đến khi xe gần về huyện, hành khách thưa dần, bọn tôi mới vật vờ ngồi bệt xuống sàn, dựa lưng vào nhau như vừa thoát khỏi địa ngục. Quê mình... sắp đến rồi. Một cảm giác bồi hồi lạ lùng chợt trào dâng, vừa háo hức, vừa ngại ngùng của đứa con xa lâu ngày trở về.
Điểm dừng hiện ra - ngã tư vắng giữa cánh đồng lúa thì con gái xanh mơn mởn. Ông tài xế chỉ tay: “Hai đứa xuống đây nhé!” rồi phóng xe đi mất hút. Bọn tôi đứng chôn chân giữa trưa nắng gắt. Lâu quá rồi... Ký ức về ngôi làng nhỏ nhoi phủ một lớp sương mờ. Hình ảnh duy nhất đọng lại: cây đa cổ thụ khổng lồ.
“Lộc... kia... phải không?” Minh run run chỉ tay, mặt xanh như tàu lá. “Cái cây... to đùng...”
Tôi hướng mắt nhìn. Giữa đồng không mông quạnh, cây đa sừng sững như người khổng lồ canh giữ quê hương. Tán lá xòe rộng tỏa bóng mát rười rượi. Gốc cây xù xì, rễ nổi cuồn cuộn như trăn đá. Vẫn nguyên vẹn như ngày nào... Một làn gió đồng thoảng qua mang theo mùi đất quen thuộc khiến lòng tôi se thắt.
“Hình như... đúng rồi.” Tôi nắm chặt tay Minh đang run lẩy bẩy. “Đi thôi! Coi chừng rớt xuống ruộng!” Tôi đỡ Minh bước từng bước trên bờ ruộng nhỏ. Ký ức ùa về: những trưa hè trốn bà ra đây bắt ve, ông cõng đi dọc bờ mương... Thời gian trôi nhanh quá.
Sau hồi lần theo lối mòn, ngôi nhà cấp bốn quét vôi trắng hiện ra sau rặng tre già. Sân vườn rộng rãi ngập nắng, đầy ắp cây trái: bưởi sai trĩu quả, na chín thơm, luống rau xanh mướt... Bà vẫn giữ nếp vườn một cách cẩn thận thế.
Tôi dừng chân trước cổng, tim đập rộn ràng. Một ông lão gầy gò, lưng còng, đang chăm chú sửa chiếc xe đạp cũ trước hiên. Áo nâu bạc phếch, nón lá lệch vai. Ông... già đi nhiều quá. Tôi ngập ngừng: “Ông?”
Ông ngẩng lên, nheo nheo mắt dưới nắng. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi nụ cười hiền từ nở rộ trên khuôn mặt nhăn nheo: “Ôi giời! Lộc đấy à? Sao đứng ngoài thế? Vào mau lên nào!”
Giọng ông trầm ấm, điềm đạm như dòng kênh mát ngày xưa. Ký ức ùa về: những lần ông bênh vực trước trận mắng oai phong của bà, những chiều chong đèn kể chuyện cổ tích... Sao hai con người trái ngược ấy lại bên nhau cả đời được nhỉ?
“Cháu đang ngó xem có đúng nhà không ấy mà!” Tôi cười bẽn lẽn, kéo Minh bước vào. Sân nhà vẫn rộn mùi rơm rạ và hương bưởi thoang thoảng.
“Haizz, mấy năm không về quên nhà ông bà rồi hả?” Ông vỗ nhẹ vai tôi, mắt sáng vui. “Bố cháu bảo có bạn về cùng. Giỏi lắm! Vào đây nào, ngoài đấy nóng lắm!” Minh cúi đầu: “Cháu chào ông ạ.”
Đang rảo bước tìm phòng trống, tôi chợt nhận ra sự vắng bóng quen thuộc: “Ơ ông ơi,” tôi quay lại, giọng đầy tò mò, “Bà đi đâu rồi mà không thấy thế ông?”
Thằng Minh vừa chạm giường đã dính chặt như keo. Tôi giật mấy lần cũng không nhúc nhích được cái thân hình bất động ấy. Thấy nó thở đều đều, mắt lim dim, tôi đành buông tay. Thôi cho nó ngủ, chắc nó mệt lả sau chuyến xe thập tử nhất sinh ấy rồi.
Tôi bước ra sân, ngồi xuống bên ông. Hai ông cháu lại hì hục với chiếc xe đạp cũ kỹ, hình ảnh quen thuộc tựa như hồi tôi còn bé tí. Ngày ấy, cứ tuột xích là tôi lại chạy ùa ra vườn: “Ông ơi! Cứu cháu!”. Hai bàn tay ông thoăn thoắt mắc xích, còn tôi thì hí hoáy phụ. Xong việc, cả hai đen nhẻm như lọ mực, chỉ còn thấy lấp lánh nụ cười trong đôi mắt ông. Ký ức ấy giờ đây sao ấm áp lạ thường...
Đang giúp ông bơm cái xăm bánh sau, giọng ông chợt vang lên: “Dạo này học hành sao rồi cháu?”
Tôi cười khẽ: “Dạ vẫn bình thường ạ, vẫn trong top 10 lớp ông ạ.”
Câu hỏi tiếp theo của ông khiến tôi suýt nghẹn: “Thế... cháu có người yêu chưa?”
“Chưa ông ơi!” Tôi đỏ mặt, vội vàng chuyển hướng: “Còn lưng ông? Nghe bố bảo mùa này đau lắm phải không?”
Ông xoa lưng nhẹ, giọng trầm xuống: “Tuổi già xương cốt nó vậy... không nghe lời mình nữa…”. Một thoáng im lặng. Ánh mắt ông chợt xa xăm như chìm vào quá khứ: “Vụ mùa này... nhờ cả hai cháu đó...”. Cái nhìn ấy - nỗi tiếc nuối mơ hồ về một thời trai trẻ vẫy gọi. Lòng tôi chợt se lại. Giá ngày xưa đừng ham chơi, để lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện đời ông...
Đúng lúc ấy, tiếng xe đạp lọc cọc vang trước cổng. Bước chân dứt khoát rồi giọng nói sang sảng như chuông đồng cắt ngang không khí:
“Ôi giời! Thằng Lộc về rồi à? Sao chỉ thấy mỗi mày? Đứa bạn đâu?”
Bà đấy! Người phụ nữ khiến tuổi thơ tôi vừa kính sợ vừa nể phục. Vẫn dáng người nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực, tay xách nách mang đầy ắp thức ăn tươi roi rói. Giọng bà vang vọng tựa phát thanh viên - nghề bà từng làm thời trẻ. Nhìn bà rạng rỡ thế, ký ức ùa về:
Những chiều hè nắng cháy, bà cầm roi mây rượt tôi khắp cánh đồng vì tội trốn đi chơi. Tiếng quát tháo của bà khiến lũ vịt giật mình bơi tán loạn. Nhưng cũng chính bà - người xắn quần lội mương khi tôi ngã, ôm tôi vào lòng dù tay còn lấm bùn. Tối hôm ấy, bà hằn học tuyên bố: “Tối nay nhịn cơm! Đói cho chừa thói ham chơi!”. Ấy thế mà khi ngoái lại, trên kệ bếp vẫn còn nguyên đĩa thịt kho trứng, món tôi thích nhất, hâm nóng hổi...
Tôi chỉ tay về phòng: “Bạn cháu mệt, đang ngủ bà ạ!”
Bà phẩy tay cười rổn rảng: “Để nó đi! Khách mới đến đã bắt cuốc đất ngay thì ác! Hôm nay cứ nghỉ xả hơi!”
Mắt bà liếc sang ông đang cặm cụi bên xe: “Ông kia! Suốt ngày lọ mọ cái xe cũ rích! Tôi bảo mang sang nhà thằng Chiến nó sửa cho một cái là xong!”
Ông ngẩng lên hiền hậu: “Tôi thích tự tay mình sửa... đến khi không thể nữa thôi...”
“Thôi im đi! Khuyên cả đời chẳng nghe!” Bà lắc đầu bất lực, nhưng ánh mắt thoáng chút dịu dàng. Rồi bà túm tay tôi kéo vào nhà, giọng bỗng trở nên rôm rả: “Lớn nhanh như thổi! Mẹ mày khoẻ không? Dạo này bố mày có hay nổi hứng với mấy cái tin tức gì đấy không?” Cơn mưa câu hỏi dội xuống khiến tôi bật cười, cái chất “hung dữ đầy yêu thương” chẳng hề thay đổi.
Chiều muộn, thằng Minh mới lò dò ra khỏi phòng. Tóc nó rối bù như tổ quạ, ngáp dài đến nỗi hàm gần trật khớp:
“Ê Lộc... nhà vệ sinh ở đâu thế mày?”
“Đi thẳng, rẽ trái ra sân sau, nhà tắm ở bên phải!”
Một lát sau nó quay lại, miệng nhồm nhoàm nhai gì đó. Ngồi xuống cạnh tôi xem tivi, trên tay dính đầy mỡ gà.
“Ăn vụng gì đấy?” Tôi hất hàm.
“Bà với ông đang chặt gà ngoài bếp” nó nuốt ực “Tao định giúp thì bà quát một câu: ‘Cút ra! Khách khứa đụng vào bếp là bà đập tay đấy!’ Xong ông dúi vào tay tao cái đùi gà nóng hổi...”
Tôi bật cười: “Biết ngay mà! Bếp là ‘chiến trường’ bất khả xâm phạm của bà! Khách mà động vào dao thớt là bà coi như xúc phạm!”
Trong bếp vọng ra tiếng bà nói vọng sang như sấm: “Hai thằng ranh đừng có ngồi lê đôi mách! Vô đây lấy nước chanh đá mà uống!”
Thằng Minh tròn mắt thì thào: “Bà... bà nghe thấy hết à?”
Tôi chỉ cười, kéo nó đứng dậy. Về quê... là phải thế!
Sau một ngày nghỉ ngơi thoải mái, chúng tôi bước đầu bắt tay vào việc thu hoạch.
Sau một đêm ngủ say, tôi thức dậy khi bình minh vừa hé. Làn sương sớm còn vương trên ngọn cỏ, không khí mát rượi phả vào mặt. Ngoài đường đã rộn rã tiếng chân người đi chợ sáng, tiếng leng keng nồi niêu từ các gian bếp. Làn khói nổi lên xen kẻ, phất phơ trên bàu trời tờ mờ sáng. Nhịp sống đồng quê bắt đầu tựa dòng sông chảy chậm mà cũng đầy sự hối hả.
Tôi thì như có khả năng thích nghi một cách như được lập trình, từ tối qua tôi đã lên giường đi ngủ từ sớm. Thế nên hôm nay thức dậy, tôi cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, đủ để càn quét tất cả thử thách ngày hôm nay.
Riêng thằng Minh thì... Hôm qua ngủ trưa nhiều quá, tối nó trằn trọc như cá nằm trên thớt. Suốt đêm cứ lăn qua lật lại: “Lộc ơi còn thức không? Kể chuyện ma cho tao nghe đi!” Đến sáng, khi tôi đã xì xụp bát cháo nóng, nó mới lê thân ra khỏi giường - mắt díu, tóc bù xù.
Có lẽ nhịp sống ở quê khá xa lạ với nó, có thể là lúc còn ở nhà nó có thói quen hay thức đêm để chế tạo mấy cái thiết bị, hoặc là thỏa mãn đam mê mấy đồ chơi mô hình. Chúng tôi ngồi ăn sắng được một lúc rồi nó mới lọ mọ dậy.
“Oaaaa... mày thành gà gáy sáng à?” nó ngáp dài đến nỗi hàm kêu răng rắc.
Tôi chỉ tay: “Bàn chải màu xanh trên kệ! Nhanh lên, nắng lên rồi!”
Nó cảm ơn với một giọng như thể thiếu ngủ rồi quay phắt đi luôn.
Lịch trình của ngày hôm nay sẽ là thu hoạch được bốn luống lạc trong tổng số hơn mười luống. Mỗi luống có không ít, nhưng cực nhất chắc vẫn là công đoạn vác đống đó về. Quãng đường từ nhà ông bà đến ruộng cũng tầm khoảng hơn mười phút đi bộ, cũng may nhà ông bà có một cái xe cải tiến cho nên sẽ nhàn hơn phần nào.
Hai đứa theo bà ra ruộng lạc. Bầu trời trong vắt, nắng vàng rải nhẹ lên những luống cây xanh mướt điểm hoa vàng li ti. Bà cầm một khóm lạc mẫu giảng giải:
“Cầm sát gốc, giật mạnh lên! Rồi giũ nhẹ cho đất rơi... Coi này!” Tay bà thoăn thoắt nhổ bật gốc lạc như một dân chuyên thực thụ. Cả chùm củ lơ lửng dưới rễ như chuỗi hạt nâu bám đầy đất. “Phải nhẹ tay kẻo lạc rụng!”
Minh tròn mắt: “Củ lạc... mọc ngược dưới đất á?!”
Khi bà về, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi chọn khóm cây lá xanh bóng, thân mập - dấu hiệu củ chắc. Tay nắm chặt gốc, chân đạp đất, tôi giật mạnh! Rắc! Một tiếng vui tai. Cả bụi lạc bật lên khỏi mặt ruộng, để lộ chùm củ trắng hồng lấm đất. Tôi giũ nhẹ phành phạch, đất tơi rơi lả tả.
Nhìn về phía cánh ruộng trồng lạc, tôi và nó không khỏi cảm thấy thán phục ông khi mấy năm qua vẫn một mình bao quát hết cả cánh ruộng ấy. Bà có chỉ dẫn chúng tôi một chút rồi cũng đi về do còn nhiều việc khác còn chờ.
Như thể tạo động lực cho bản thân, mồm nó cứ lẩm bẩm “Mình làm được, mình sẽ vượt qua tất cả.”
Còn với tôi, bỏ qua mấy lời tốn nước bọt ấy, lao nhanh vào công việc không nắng lên một cái là khổ hai cái thân này.
Thằng Minh ban đầu hào hứng: “Dễ ợt!” Nó nhổ ầm ầm, đất bắn tung tóe. “Ê coi này! Củ to bằng quả trứng cút nè!” - nó giơ lên chùm lạc lắc lư, nụ cười tươi rói.
Nhưng chỉ sau nửa giờ...
Mặt nó đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại. Than thở “Ôi... cái lưng...” tay nó run run chống hông. Mỗi lần cúi xuống lại rên rỉ: “Phù... phù...” Rồi đột ngột gục xuống luống lạc: “Trời ơi... lưng tao... như bị trâu đá!!!”
Tôi bò sang hàng bên cạnh: “Ngồi xổm mà làm! Đừng khom lưng thế!” Mắt nó lờ đờ: “Tao... tưởng... như nhổ cỏ...”
“Làm gì phải khổ thế, đằng nào mà chả bẩn! Có ngồi bệt xuống đất luôn cũng được.”
“Ờ!”
Khi bóng nắng đã ngắn dần, chúng tôi ngừng tay. Hai luống lạc đã được “giải phóng” những đống lạc chất cao như gò mối. Minh nằm dài trên bờ ruộng vừa nhổ, thở phì phò: “Tao... không... cử động... nổi...”
Ánh nắng trưa thiêu đốt. Mồ hôi muối xót cả vùng da gáy. Từ xa, bóng bà lặng lẽ xuất hiện, tay cầm hai chiếc nón lá. Thấy Minh cam chịu ngồi bất động, bà cười khà khà:
“Mấy đứa thành... lạc khô rồi à? Về thôi! Cơm canh đang chờ ở nhà rồi!”
Tôi vỗ vào đùi bạn: “Dậy đi “lạc khô”! Chiều nay còn 2 luống nữa!”
Nó rên rỉ kéo tay tôi đứng dậy: “Tha... tao... đi mà...” Trên đường về, chiếc xe cải tiến chất đầy lạc lăn bánh, để lại sau lưng cánh đồng ngập tiếng ve và mùi đất nồng nàn... nó với giọng lạc quẻ đi “Cuối cùng cũng đến giờ cơm rồi!”
“Ôi giời ơi...” thằng Minh thì thào “Nhìn mà muốn xỉu. Đống lạc cao hơn bà cụ hai cái đầu!”
Tôi huých nó: “Im! Bà nghe thấy đấy!” Rồi hạ giọng: “Giúp không? Về sớm cũng chưa kịp giờ cơm.”
Nó gật lia lịa: “Chuẩn! Đằng nào cũng... rảnh!”
Vừa lúc bà cụ với lấy bó lạc trên đỉnh đống. Chân trượt đất, bà chúi về phía trước. “Khoan bà ơi!” thằng Minh lao tới đỡ lấy vai bà như diễn viên đóng thế. Tôi hớt ha hớt hải chạy theo, giật mình vì độ nhanh nhẹn bất ngờ của nó.
“Trời ơi... cảm ơn ai đó nhớ!” Bà cụ thở hổn hển, đôi mắt đục ngầu hướng về phía tôi. “Ối giời, có người giúp rồi à?”
“Bà có sao không ạ?” Hai đứa đồng thanh.
“À... ra là hai chàng trai trẻ!” Bà móm mém cười, giọng vui lạ “Giọng lạ quá, hè về thăm quê hả cháu?”
Lúc này tôi mới giật mình nhận ra: đôi mắt bà trắng đục, vô hồn. Bà bị mù!
“Bà ơi...” thằng Minh hồn nhiên hỏi “Mắt bà... bị lâu chưa ạ?”
Bà cụ không giận, lại cười khành khạch: “Từ hồi bà thiếu nữ! Nghịch dại, có vài chuyện không may xảy đến, không kịp thời chữa... thế là tối từ đấy!” Bà vỗ đùi cái đét như kể chuyện vui. Thái độ lạc quan đến kinh ngạc.
Tôi vội ngăn thằng bạn: “Minh!” Rồi dịu giọng “Thế... người nhà đâu ạ? Để lạc nhiều thế này...”
Nụ cười trên mặt bà tắt dần. “Còn ai đâu cháu... một thân một mình cả rồi.”
“Cháu... cháu xin lỗi!” Tôi lắp bắp.
“Không sao!” Bà vẫy tay, giọng lại vui ngay “Quen rồi! Giờ tính sao? Chở giúp bà chứ?”
“Tất nhiên ạ!” Tôi đáp ngay. Thằng Minh giục: “Nhà bà ở đâu ạ?”
“Bà... nhớ đường về sao được ạ?” Câu hỏi khiến cả hai tò mò.
Bà cụ rung rung cây gậy tre: “Ban đầu cũng kinh hoàng lắm! Toàn té xuống mương, ngã xuống ruộng. May có bà con tốt bụng.” Bà chậm rãi kể: “Có cậu trai trẻ nào đó, vẽ cái bản đồ kỳ lạ lên giấy cứng, sờ vào thấy nổi lên những đường gờ... gọi là chữ nổi gì đó. Bà mất cả năm trời sờ đi sờ lại mới thuộc!” Bà chỉ tay chính xác về phía xa “Nhà bà... cuối con đường đất ấy, cạnh cây mít cổ thụ!”
“Trùng hợp ghê!” Tôi reo lên “Cháu cũng về hướng đó! Bà ngồi lên xe cháu chở!”
Chất lạc lên xe xong, hành trình “hộ tống” bắt đầu. Tôi chở bà cụ. Thằng Minh đẩy xe lạc của bà, miệng lẩm bẩm: “Xe như con trâu sắt... nặng ơi là nặng!”
Tôi cứ nghĩ phải đi thật chậm. Ai ngờ bà cụ giục: “Nhanh lên cháu! Trời sắp tối rồi!” Bà liên tục chỉ đường chính xác: “Rẽ trái đây... tránh ổ gà bên phải... lên dốc nhẹ rồi đó!” Thằng Minh thở hồng hộc đằng sau, kêu trời: “Bà... bà nhớ ‘chuẩn’ quá!” Tôi chỉ biết cười: “Bà là GPS sống đấy, Minh ạ!”
Về đến nhà bà cụ, chúng tôi còn kịp xếp lạc gọn vào hiên. Bà dúi vào tay mỗi đứa một nắm kẹo lạc tự làm còn thơm mùi đậu: “Cầm lấy mà nhớ bà!” Ra về, thằng Minh thở dài: “Hết hơi... nhưng vui ghê!” Tôi gật đầu. Cái mệt tan biến sau nụ cười móm mém của bà...
Men theo con đường đất về nhà, chúng tôi đẩy xe cải tiến đầy ắp lạc. Vừa bước vào sân, tiếng bà nội đã vang lên như sấm rền:
“Hai thằng nhóc này! La cà đâu mà giờ này mới lê chân về? Ruồi nó đậu hết nồi cơm rồi này!”
Hai đứa vội chất lạc xuống góc sân, cười trừ: “Bọn cháu trò chuyện tí với bà cụ phía xóm dưới ạ!”
“Thôi nhanh chân lên! Rửa mặt rồi ăn cơm!” Bà quay vào bếp, chiếc quạt nan phe phẩy như đuổi theo cơn giận.
Mâm cơm trưa bốc khói nghi ngút. Tôi tròn mắt trước đĩa châu chấu xào mắm tỏi vàng ruộm, thơm nức mùi lá chanh. Bên cạnh, đĩa rau muống luộc xanh mướt chấm mắm tép. Nhưng tuyệt nhất là bát canh rau muống dầm sấu - vị chua thanh từ sấu, xong thả vài viên đá lạnh tí tách. Sau buổi lao động, ngụm canh mát rượi này như dòng suối mát tràn qua cổ họng.
“Bà ơi...” tôi hỏi giữa bữa ăn “Bà có biết bà cụ mù ở cuối xóm không ạ?”
Bà đang gắp châu chấu bỗng dừng đũa. Mắt bà chợt tối lại: “Cháu nói... bà Sen?”
“Vâng! Trưa nay bọn cháu gặp bà ấy!” Minh hào hứng gật đầu, miệng nhai tóp tép.
Bà đặt bát cơm xuống, giọng trầm xuống: “Số bà ấy... khổ như tằm rút ruột ấy cháu ạ.” Ông lặng lẽ gật đầu, đôi mắt đăm chiêu.
“Hồi bà bằng tuổi mấy đứa...” giọng bà chậm rãi “Bà Sen được coi là đẹp nhất vùng. Da trắng như bóc, má hồng tựa đào. Người ta gọi bọn bà là 'tứ đại mỹ nhân' đất này!”
Thằng Minh suýt sặc nước: “T-Tứ đại...?!” nó liếc nhìn bà nội rồi lại nhìn tôi, mắt mở to.
“Rồi một ngày...” bà thở dài “Bà ấy bỏ làng theo gã đàn ông lạ. Mấy năm sau trở về... hai mắt trắng dã, hình như còn bụng mang dạ chửa.” Bà quay sang ông: “Ông nhớ không? Hồi ấy...”
Ông vội ho khan: “T-Tôi lúc ấy đi bộ đội biên giới... biết gì đâu!” nước mắt ông giả vờ chảy vì... miếng ớt cay.
“Thật à?” Bà nheo mắt nghi ngờ “Thế mà lúc gặp tôi đầu làng, ông còn tặng hoa sim...”
“À... tôi ra vườn xem mấy cây ổi!” Ông đứng dậy nhanh như chạy trốn cướp. Tôi vội nắm lấy cơ hội: “Để bọn cháu rửa bát! Ông bà nghỉ đi ạ!”
Bà nhìn theo bóng ông, miệng lẩm bẩm: “Già đầu rồi còn trốn như trẻ lên ba... ngại gì không biết?”
Buổi chiều thu hoạch trôi qua êm ả hơn. Kinh nghiệm buổi sáng đã giúp chúng tôi tìm ra kinh nghiệm: Tay nắm sát gốc lạc, xoay nhẹ cổ tay trước khi giật, ngồi xổm di chuyển dọc luống thay vì khom lưng, giũ đất theo nhịp “một - hai” đều đặn
Khi hoàng hôn nhuộm đỏ dải núi phía Tây, chúng tôi ngừng tay. Thành quả khiến cả hai bất ngờ: hơn 5 luống! Minh ngã vật xuống bờ ruộng, chân tay rũ ra như bún: “Tao... thành... máy giổ lạc... chạy bằng cơm rồi...”
“Ê...” nó bỗng chỉ tay về dãy núi tím sẫm “Trên đỉnh núi đó có gì vậy?”
Tôi nhìn lên đỉnh núi mờ sương: “Ông gọi là Núi Vua. Hồi nhỏ ông dắt tao lên đó ngắm bình minh... Mặt trời mọc giữa biển mây, đẹp như tranh thủy mặc!”
Ánh mắt Minh sáng rực: “Chuẩn bị đồ đi! Mai ta chinh phục!”
“Mày điên à?” Tôi lắc đầu “Leo 2 tiếng đồng hồ đấy! Chân có khi không còn cử động nữa đấy!”
Nó làm bộ buồn thiu, nhưng tôi biết cái đầu điện tử ấy đang lên kế hoạch...
Giữa bữa tối, Minh bất ngờ phóng “quả pháo”: “Bà ơi! Cháu leo Núi Vua được không ạ?”
“Được chứ!” bà gắp cho nó một miếng thịt gà “Mai thu hoạch nốt lạc rồi thằng Lộc dẫn cháu lên!”
“HỞ???” Tôi kêu lên - con cá rô giật mình rơi khỏi đũa. Tôi biết mà! Cái thằng bạn này sinh ra là để kéo tôi vào rắc rối!
Minh nháy mắt gian xảo: “Thỏa thuận thành công!”


0 Bình luận