• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 02: Ngôi trường hi vọng

Chương 07

0 Bình luận - Độ dài: 3,544 từ - Cập nhật:

Đúng như kế hoạch, chúng tôi tìm đến nhà thầy Khánh. Căn biệt thự cổ điển mang phong cách phương Tây hiện ra trước mắt, cánh cổng sắt đồ sộ khiến cả hai phải ngước nhìn trong ngỡ ngàng. Tiếng chuông vừa dứt, một phụ nữ lớn tuổi dáng dặn đã ra mở cửa ngay.

Bà tưởng chúng tôi là học sinh của thầy nên niềm nở mời vào. Thuận theo tình thế, chúng tôi bước vào không gian sang trọng đến ngột thở. Chiếc sofa êm ái như nuốt chửng lấy người ngồi. Minh thì thào trong hơi thở gấp: “Nhà giàu đúng là khác thật!” Tôi chỉ đáp lại bằng nụ cười gượng.

Một lát sau, bóng dáng thầy Khánh xuất hiện. Vóc người cao ráo, vạm vỡ, làn da rám nắng toát lên sức sống mãnh liệt - hoàn toàn khác xa hình ảnh thầy giáo thể dục thường ngày. Tôi chợt hiểu vì sao bao thế hệ nữ sinh lại mê mẩn. Đứng cạnh thầy, tôi cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng và thua kém rất nhiều.

Thầy nhẹ nhàng hỏi, giọng trầm ấm: “Hai em đến có việc gì thế?”

Chúng tôi ấp úng, kịch bản soạn sẵn tan biến. May mắn thay, tôi kịp ứng biến: “Dạ... tụi em đi ngang nên ghé thăm thầy ạ.”

Thầy im lặng giây lát rồi bật cười, nụ cười không chạm đến mắt: “Thôi các em đừng diễn nữa. Các em không phải học sinh vùng này, phải không?”

Tim tôi đập loạn nhịp. Trong khi Minh toát mồ hôi lạnh, tôi cố giữ giọng bình thản: “Vâng ạ! Bọn em có chút việc muốn hỏi thầy. Thầy có thể dành chút thời gian không ạ?”

“Được chứ.” Thầy gật đầu, ánh mắt sắc lẹm như dao.

Chúng tôi nhìn nhau, rồi Minh bất ngờ xông lên, giọng run rẩy: “Thưa thầy, thầy có phải bạn trai của chị Huyền – nữ sinh mất tích mười hai năm trước không ạ?”

Không khí đóng băng. Ngay cả tôi cũng chết lặng. Thầy Khánh thoáng giật mình, một vệt bối rối lướt qua khuôn mặt trước khi phong thái bình tĩnh trở lại: “Ai... nói với em chuyện này?”

Tôi đẩy Minh ra sau, hỏi thẳng: “Như bạn em nói đấy ạ. Có phải không thầy?”

“Không.” Thầy lắc đầu dứt khoát, nhưng đôi mắt vẫn dịu dàng một cách kỳ lạ. “Thầy chưa từng có người yêu.”

Tôi không buông tha: “Vậy thầy có biết gì về vụ mất tích năm ấy không? Tại sao thầy luôn về muộn? Và tại sao thầy biến mất ngay sau đó?”

Thầy thở dài, âm thanh như tiếng gió thoảng qua khe cửa: “Thì ra là chuyện cũ! Sao không nói sớm? Thầy tưởng học trò trêu thầy đấy!” Rồi nét mặt thầy trở nên nghiêm nghị: “Các em đang chơi với lửa. Hãy bỏ chuyện này đi.”

Thấy ánh mắt kiên quyết của chúng tôi, thầy buông lỏng người: “Thôi được. Lý do rất đơn giản: Thầy thích ngắm bình minh trên núi và dọn dẹp phòng học sau giờ tan trường. Việc thầy đi xa là để nhận đồ bố đặt ở miền Nam. Còn chuyện năm ấy...” Thầy nhún vai, một cử chỉ quá trơn tru. “Thầy mới về trường, chẳng biết gì.”

Lời giải thích trôi chảy, ánh mắt chân thành đến mức tôi suýt tin. Nhưng Minh bất ngờ cắt ngang khi chúng tôi định cáo lui, giọng lạnh băng:

“Thưa thầy... vậy người em cùng cha khác mẹ của thầy có lên núi hôm đó không ạ?”

Mặt thầy Khánh thoáng co giật. Thầy cầm ly nước lên uống, ngón tay run nhẹ. “Em... nói Hải à?” Giọng thầy khô khốc, như đang nén một cơn giận dữ. “Hai anh em chúng thầy... không thân lắm.”

Tôi dán mắt quan sát: Nếp nhăn giữa đôi lông mày rậm của thầy hằn sâu khi nhắc đến cái tên Hải. Đây không phải sự khó chịu thông thường. Khi nhìn mấy bức chân dung trên tường, một ý nghĩ chợt lóe lên: Họ khá giống nhau về dáng người và đường nét khuôn mặt. Liệu có thể đóng giả nhau? Tôi lén nhìn lên bức ảnh gia đình trên tủ: Thầy Khánh và Hải có cằm vuông giống hệt người cha quá cố, nhưng đôi mắt Hải híp hơn giống cha hơn, khóe miệng khắc một nét lạnh lùng kỳ dị.

Thầy Khánh thở dài, vẻ mệt mỏi đè nặng: “Hải ăn chơi lêu lổng, suốt ngày gây rắc rối. Sau vụ mất tích... thầy từng nghi ngờ nó.” Giọng thầy nhỏ dần, đầy vẻ tự trách. “Nhưng nó có chứng cứ vững chắc – khi đấy nó đang ở quán bar cách đó mấy cây số, có rất nhiều người nhìn rõ. Thầy gặng hỏi nhiều lần, nó chỉ quát: 'Anh đừng đổ oan!' rồi bỏ đi...” Nét mặt thầy thoáng một nỗi đau tê tái. “Mấy tháng sau nó sang Mỹ định cư. Chúng thầy chẳng nói chuyện gì thêm.”

Rồi thầy chuyển giọng, như muốn chôn vùi chủ đề nhạy cảm: “Còn bố thầy... qua đời một tuần sau vụ mất tích. Đột quỵ đêm khuya.” Thầy nhìn xa xăm, vào một điểm mù nào đó. “Lúc ấy thầy đang ở miền Nam nhận đồ. Về không kịp...”

“Thầy có hay thấy ông ấy uống thuốc gì không ạ?” Tôi hỏi dò.

Thầy lắc đầu, mắt chớp nhanh: “Bố thầy rất khỏe mạnh, chẳng uống thuốc gì cả.” Tôi chợt nhớ ông tôi từng nhắc về ông hiệu trưởng bị cao huyết áp kinh niên. Một chi tiết nhỏ, nhưng ghim sâu vào tâm trí tôi như mũi kim.

Chúng tôi ra về với nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Trong đầu tôi xoay quanh hai hình ảnh: Người cha chết đột ngột khi con trai vắng mặt. Liệu cái chết của ông hiệu trưởng có uẩn khúc? Và nếu đó là âm mưu, thì ai là người có khả năng thực hiện nhất: Hai người con trai, người trong nhà, hay một bóng đen nào đó...

Đang mải mê suy nghĩ, tôi chợt giật mình nhận ra một bóng đen lẽo đẽo bám theo từ lúc chúng tôi rời nhà thầy Khánh. Kẻ đó di chuyển cực kỳ chuyên nghiệp, luôn giữ khoảng cách an toàn và hòa lẫn vào dòng người như một con cá trong nước. Ngay cả khi tôi cố tình dừng lại giả vờ buộc dây giày, bóng đen ấy cũng không để lộ sơ hở nào.

Hết cách, tôi túm chặt tay áo Minh – thằng bạn vẫn đang cắm cúi ghi chép mải mê. Nó giật mình, suýt hét lên: “Cái quái gì thế mày?!”

“Im lặng! Có người theo dõi,” tôi thì thầm gấp gáp, giọng khô đặc.

Minh tròn mắt, vẻ hoảng hốt hiện rõ, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Chúng tôi tăng tốc, rẽ ngoặt vào một con hẻm nhỏ, rồi nhanh như cắt nhảy qua bức tường thấp vào sân sau một nhà dân. Tiếng bước chân rón rén của kẻ theo đuôi vọng lại ngay đầu ngõ, dừng lại một lúc rồi dần xa dần cho đến khi tan biến vào không trung.

“Mất hút rồi,” tôi thở phào nhẹ nhõm. Tiếc là cách này giúp chúng tôi thoát đuôi nhưng không cho chúng tôi nhìn rõ mặt kẻ theo dõi.

“Mày điên à?! Suýt nữa thì tao đứt tim!” Minh thở hổn hển, vẻ mặt vừa tức giận vừa sợ hãi.

Tôi định giải thích thì phát hiện ánh mắt Minh không dán vào tôi, mà đang đờ đẫn nhìn chằm chằm sang góc sân. Tôi quay lại.

Một con chó Becgie to như con bê, lông đen mượt như nhung, đứng phục kích phía sau lùm cây. Nó không sủa, chỉ phát ra tiếng gầm gừ trầm thấp đầy đe dọa, hàm răng trắng nhọn nhe ra lấp lánh trong bóng tối. Ánh mắt nó dán chặt vào chúng tôi, thân hình căng cứng sẵn sàng lao tới chỉ cần chúng tôi nhúc nhích.

“Ôi trời...” Tôi kịp thốt lên thì con chó đã sủa vang một tiếng đanh gọn như súng nổ và xông tới như một mũi tên.

Phản xạ như điện giật, tôi bật người lùi lại, đặt chân lên bức tường đẩy mạnh, thoắt cái đã ở bên ngoài hẻm. Cú tiếp đất hơi chùng gối nhưng an toàn.

“Minh!” Tôi gào lên, mắt cuống quýt quét khắp con ngõ nhỏ bên kia bức tường. Không thấy bóng dáng nó đâu.

“Cứu tao với!!! Lộcccc!”

Tiếng hét thất thanh vang lên từ phía trong. Tôi vội trèo lên tường nhìn xuống.

Minh đang co ro trên một cây khế già, hai tay ôm chặt thân cây, chân run lẩy bẩy như cầy sấy. Con Becgie hung dữ đứng ngay dưới gốc, gầm gừ không ngừng, thi thoảng lại nhảy chồm lên khiến cành cây rung lắc dữ dội. Dáng vẻ của Minh tội nghiệp đến mức... buồn cười. Tôi bật cười, không kìm được.

“Cười cái đếch gì! Giúp tao mau lên!” Minh gào lên, giọng nghẹn ngào đầy nước mắt.

Sau một hồi vật lộn và nhờ sự xuất hiện kịp thời của chủ nhà, chúng tôi mới thoát nạn. Suốt quãng đường về, Minh lầm lì, mặt mày ủ rũ như mây đen, nhất quyết không thèm nói chuyện với tôi vì tội “bỏ rơi đồng đội” giữa hiểm nguy. Bầu không khí giữa hai đứa nặng trịch như chì.

Đang đi, chúng tôi bắt gặp anh Béo lúi húi xách một túi đồ to tướng.

“Hai đứa đi đâu mà mặt mày thất thần thế?” Anh Béo nhìn chúng tôi, đôi mắt đầy tò mò.

“Dạ, đi loanh quanh ạ,” tôi đáp vội. “Còn anh? Đi chợ ạ?”

“Ừ, trạm xá xa chợ quá, đồ ăn cho anh Quang cũng hết sạch rồi. Phải chạy tận ra đây mua cho đủ.”

Nghe nhắc đến anh Quang, tôi và Minh liếc nhau. Một tia hy vọng lóe lên. Đây chính là cơ hội.

“Chúng em đi cùng anh được không ạ?” Tôi đề nghị, cố giữ giọng bình thường. “Em cũng muốn thăm anh Quang.”

Anh Béo gật đầu vui vẻ: “Ồ, được chứ! Đi nào!”

Trạm xá nhỏ, yên tĩnh đến lạ. Chỉ có chú Hùng ngồi đan rổ thuần thục ở ghế dài hành lang, và anh Quang nằm trên giường trong phòng bên.

Tôi bước vào, thấy anh Quang đã tỉnh táo hơn hẳn. Vết thương trên đầu được băng bó cẩn thận, sắc mặt đã hồng hào, không còn vẻ tái nhợt như tối qua nữa. Anh đang ngồi dựa lưng vào thành giường, đọc một cuốn tạp chí cũ. Thấy chúng tôi, anh mỉm cười yếu ớt.

“Hai đứa đến thăm tôi à? Cảm ơn nhé.”

“Dạ, anh thấy trong người thế nào ạ?” Tôi hỏi thăm.

“Cũng đỡ nhiều rồi. Còn đau đầu, nhưng không nặng nữa.” Anh Quang vỗ nhẹ lên lớp băng. “May mà không nặng lắm.”

Tôi lựa lời, giọng nhẹ nhàng nhưng dò xét: “Anh... anh còn nhớ chuyện tối qua không ạ? Lúc anh bị đánh đấy ạ?”

Nụ cười trên môi anh Quang tắt dần như ngọn nến gặp gió. Ánh mắt anh chợt trở nâu sẫm, nhìn ra xa xăm, như xuyên qua bức tường trạm xá. “Nhớ... nhớ như in chứ. Nhưng...” Anh ngừng lại, ngón tay siết chặt mép tạp chí đến trắng bệch. “...hắn chỉ là một cái bóng. Nó lao ra từ phía sau, nhanh như cắt. Tôi chẳng kịp quay lại...” Giọng anh trầm xuống, đầy u uẩn và một nỗi sợ mơ hồ. “Chỉ cảm nhận được một cơn gió lạnh... rồi... tối sầm lại.”

Tôi chăm chú quan sát từng biểu cảm trên khuôn mặt anh. Khi nói đến “cái bóng”, đôi mắt anh Quang thoáng chút gì đó khác lạ - không phải sợ hãi đơn thuần, mà là một sự nhận biết mơ hồ, như thể... anh đã từng bắt gặp cái bóng ấy ở đâu đó trước đây. Ánh mắt ấy thoáng qua nhanh như cánh bướm, nhưng đủ để tôi nhận ra sự quen thuộc lạ kỳ trong đó. Anh ta biết? Hay chỉ là cảm giác ma quái?

“Không thấy mặt, không nghe giọng... gì cả sao anh?” Minh sốt ruột hỏi dồn, giọng khàn đặc.

Anh Quang lắc đầu, vẻ mệt mỏi đè nặng: “Không... không có gì cả. Chỉ là một cái bóng.”

Chú Hùng từ ngoài bước vào, giọng cộc lốc: “Thôi, để anh ấy nghỉ ngơi đi hai đứa. Anh Quang cần yên tĩnh.”

Chúng tôi đành cáo lui. Ra khỏi trạm xá, hình ảnh ánh mắt thoáng quen thuộc của anh Quang khi nhắc đến “cái bóng” vẫn ám ảnh tôi. Nếu anh ta thực sự có cảm giác quen biết với kẻ tấn công, tại sao lại giấu? Sợ hãi? Hay vì lý do nào khác? Và tại sao khi nhắc đến người đó, anh ta vô tình nói là “hắn” mà không phải là một từ chung chung như “cái bóng” hay “nó”, tại sao anh ta lại nói với chúng tôi rằng chỉ thấy cái bóng? Càng đi sâu, mạng nhện bí ẩn dường như càng rối rắm và tối tăm hơn.

Buổi tối hôm đấy, tôi ngồi tâm sự với Minh về thông tin mà chúng tôi đã vất vả thu hoạch hôm nay. Minh nhận xét rằng chúng là một mớ những thông tin nửa thật nửa vờ và khả năng liên quan đến vụ mất tích là rất nhỏ. Nhưng trong tôi, chúng là những mảnh ghép rời rạc của một bức tranh khổng lồ, chỉ cần thu thập đủ mắt xích để nối chúng lại thì câu trả lời đen tối sẽ hiện ra.

Nhưng đi đâu để tìm mắt xích ấy? Những thông tin liên quan đến vụ mất tích ngày càng cạn kiệt, mà tôi vẫn chưa thể hiểu được liệu hôm đó đã xảy ra chuyện gì kinh hoàng, khiến chỉ mấy canh giờ sau, mọi người lại không ai tìm thấy được chút manh mối nào về sự biến mất của ba nữ sinh.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm hoàn thành nốt việc thu hoạch vườn. Không khí trong lành, tiếng chim ríu rít. Đến trưa, một lái buôn quen đến mua lại phần lớn trái cây và lạc – như thường lệ, ông bà chỉ giữ lại chưa đến nửa để chia cho hàng xóm và dùng dần.

Trong bữa cơm trưa, Minh không kìm được sự tò mò:

“Ông ơi, ông có biết gì về ông hiệu trưởng cũ trường trên núi không ạ? Người mới mất cách đây mười mấy năm ấy.”

Ông tôi đang gắp thức ăn, bỗng dừng tay. Bát cơm đặt xuống nhẹ, đôi mắt nhìn xa xăm như thể gặp lại cố nhân:

“Ồ người đó à, vậy thì ta không biết rồi! Nhưng ta có biết về người hiệu trưởng trước đó cơ.” Giọng ông trầm xuống, đầy hoài niệm. “Tính ông ta nóng như lửa, chẳng bao giờ chịu thua ai cả.” Một nụ cười bất chợt nở trên môi ông, ánh mắt bừng sáng như trẻ thơ: “Hồi cùng đi bộ đội, bọn ông với ông ấy và thằng Huy – ba thằng lính mới chân ướt chân ráo, được xếp vào tiểu đoàn thiện chiến nhất! Bình thường nghịch như quỷ sứ, nhưng ra trận thì...” Ông cười khà, giọng vang lên đầy hào sảng: “...bọn giặc nghe tiếng là khiếp! Ba đứa bọn ông lúc nào cũng thi nhau xem ai bắn hạ được nhiều tên hơn đấy!”

Khoảnh khắc rạng rỡ vụt tắt. Nét mặt ông chùng xuống, giọng nghẹn lại như có vật gì vướng ở cổ họng: “Nhưng rồi... có một trận đánh. Ông mắc phải một sai lầm nhỏ – chỉ một giây phất tay ra hiệu sai vị trí. Thằng Huy lao vào thay ông... và trúng đạn.” Ông cúi đầu, ngón tay siết chặt bát cơm đến mức trắng bệch: “Ông ấy bị thương rất nặng... ông ân hận đến tận bây giờ, dù không trực tiếp gây ra.”

Không gian im lặng nặng nề. Rồi ông ngước lên, giọng dịu lại, đầy xót xa: “May thay... mạng ông ấy giữ được. Chỉ có điều...” Ông thở dài, một tiếng thở dài nặng trĩu. “...ông ấy bị mất trí nhớ sau chấn thương. Giờ không biết ông ấy đã bình phục hay chưa, đang làm thầy giáo dạy Toán rồi, còn kiêm luôn hiệu trưởng cái trường cấp ba mới dưới xuôi kia đấy.” Nụ cười nhẹ nở trên môi ông – một niềm vui nhuốm màu buồn thương.

Buổi chiều do không còn việc gì để làm, chúng tôi bị bà bắt ra ngoài hít khí trời và tận hưởng không khí lễ hội sắp tới. Nhớ không lầm thì buổi chính của lễ hội lớn nhất vùng này sẽ diễn ra vào ba ngày nữa, hiện tại cũng đã rục rịch vài hoạt động nhỏ. Trong kí ức lờ mờ, tôi nhớ mình cũng được một lần cùng ông bà đi chơi lễ hội hồi nhỏ. Nhưng hồi đó mải chơi đến nỗi lạc mà phải đến tận cuối lễ hội mới tìm được ông bà, lúc đó tôi đã khóc rất nhiều, nỗi cô đơn và sợ hãi len lỏi làm tôi không biết phải làm gì hết, chỉ biết đứng như trời trồng một chỗ, lạc lõng giữa biển người.

Nghĩ lại kỉ niệm đó, bây giờ tôi vẫn thấy ngượng ngùng. Bỗng nhiên, hình ảnh quá khứ ấy như được khắc họa lại ngay trước mắt, không phải tôi mà là một cậu bé cỡ tôi hồi ấy, đứng khóc nức nở bên vệ đường. Tôi bước tới, nhỏ nhẹ hỏi: “Em đi lạc hả?”

Cậu bé dừng cơn khóc lại, ngẩng đầu nhìn tôi với đôi mắt còn đẫm lệ: “D... dạ... vâng!”

Tôi mỉm cười nhẹ nhàng, rồi an ủi: “Được rồi, nín đi nào. Anh dẫn em đi tìm mẹ nhé!”

Cậu bé lau nước mắt, nước mũi đang tràn ra gương mặt mếu máo. Minh thì im lặng nhìn tôi với một ánh mắt kì lạ, khó hiểu. Khi cậu bé lau xong, tôi hỏi về nhà đứa trẻ. Nó kể với tôi một chút về đặc điểm nhận dạng nơi nhà nó. Vốn dĩ nó được mẹ đưa về chơi với ông bà, do ham chơi với mấy người bạn mới quen nên một lúc vô tình không chú ý lại lạc mất lũ trẻ kia, thành ra lạc luôn.

Tôi an ủi nó, rồi dắt tay nó đi vòng quanh chỗ gần đấy mà nó lạc đám nhóc, rồi mở rộng ra một chút. Dựa vào lời kể của nó, tôi suy luận được nhà của nó cũng chả cách xa chỗ này quá nên tự tin dắt nó đi một vòng khu này luôn.

Như đáp lại suy luận của tôi, chúng tôi sau gần nửa tiếng tìm kiếm cũng thấy được bóng dáng đám trẻ đang hớt hải kể lại với người mẹ. Thấy hình bóng người mẹ, cậu bé mừng rỡ bỏ tay tôi ra chạy đến người mẹ như chim sổ lồng.

Chúng tôi cũng định rời đi, nhưng người mẹ nhanh chóng gọi lại. Trước hết cô ấy cảm ơn rối rít vì đứa con cô ấy bị vài bệnh nên không chịu được cảm xúc quá căng thẳng, sau đó cô có mời bọn tôi vào nhà ăn chút đồ, nhưng chúng tôi từ chối ngay. Bước đi với một tinh thần rất thoải mái, chợt hình bóng một căn phòng như thể phòng trọ nhỏ đập vào mắt tôi.

Nó mang một vẻ u ám kỳ lạ. Trên cửa là dòng băng rôn chặn cánh cửa đã phai màu, vẻ ngoài cũ kĩ, hoang phế như thể bị bỏ hoang rất nhiều năm rồi, toát lên một không khí lạnh lẽo. Chúng tôi quay lại hỏi người mẹ.

“Cô ơi? Cô biết căn phòng kia là sao không ạ?”

“Căn phòng đó à?” Cô ấy ngập ngừng, nét mặt thoáng chút bất an. “Năm đó, trước khi cô chuyển lên thành phố... chỗ ấy đã xảy ra một vụ tự sát rất kinh dị. Cảnh sát phát hiện trong căn phòng với nhiều máu nhuộm đỏ sàn nhà và trên bức tường là những vòng tròn được vẽ nghuệch ngoạc màu trắng rất kinh dị... từ ấy nó bị bỏ hoang luôn, chẳng ai dám động đến.” Cô kể, giọng thì thầm như sợ đánh thức điều gì.

Chúng tôi nhìn về phía căn phòng ấy, một luồng khí lạnh bỗng thổi qua gáy. Một manh mối bất ngờ đã tự tìm đến trước mặt chúng tôi. Rất lâu rồi tôi với Minh mới có cùng suy nghĩ đến thế. Chúng tôi chào tạm biệt mẹ con họ, rồi hướng thẳng đến căn phòng bí ẩn đầy ám ảnh kia, bước đi nhanh hơn, như bị một sức hút kỳ lạ lôi kéo.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận