Do đã tối muộn, chúng tôi không thể cùng mọi người xuống trạm xá. Khi về đến nhà, đồng hồ điểm hơn 11 giờ đêm. Ông bà đã ngủ say từ lúc nào, nên chúng tôi phải bước thật nhẹ nhàng, cố gắng không gây tiếng động để khỏi bị bà la cả đêm.
Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy trong mệt mỏi. Sự xuất hiện của “người thứ chín” tại ngôi trường đã thôi thúc quyết tâm tìm ra sự thật. Sau những gì đã xảy ra, thứ tôi có thể chắc chắn chỉ là màn cầu cơ chỉ là do cô Linh sắp đặt, chẳng liên quan gì đến chuyện tâm linh hay ma quỷ hay đến vụ mất tích năm xưa.
Tôi khá chắc rằng bóng người đứng sau cô Linh khi buổi cầu cơ bắt đầu chính là “người thứ chín” ấy. Minh thì không biết đã đi đâu mà biệt tăm từ sáng sớm, ngay khi tôi mở mắt đã không thấy nó đâu. Bữa sáng đơn giản với bánh mì trứng, có lẽ bà đã mua bánh mì từ chợ về, trứng thì cả rổ do mấy con gà ngoài sân vườn.
Đang vừa ăn vừa nghĩ ngợi về vụ mất tích bí ẩn, Minh bỗng vỗ vai tôi. Mặt nó nhễ nhại mồ hôi, trông như vừa thoát khỏi lò lửa.
“Sao thế? Sáng sớm đã đi luyện đan à?” Tôi hỏi.
Nó gắt lên: “Luyện đan cái gì? Tao thức cả đêm chế mấy món đồ để điều tra đấy! Mệt muốn chết!”
Nhìn xuống tay nó, quả nhiên có vài thứ kỳ dị đến mức khó đoán công dụng.
“Trông chúng có thật sự hiệu quả không?” Tôi ngước mắt lên.
“Hiệu quả... hiệu quả... Sao, không hiệu quả thì tao bỏ công ra làm gì?” Minh gằn giọng “Thôi, không nói nhiều với mày. Đến lúc cần, mày sẽ biết!”
“Mày nên đi ngủ bù đi...” Tôi nhìn nó từ đầu đến chân “Tốt nhất là tắm rửa đi đã. Công việc hôm nay không nhiều, một mình tao lo được.”
Minh nghe lời, lảo đảo bước vào phòng, bỏ luôn việc tắm rửa. Chắc lúc nó dậy, tôi sẽ phải nhắc nhở, nếu không cái giường lại nồng nặc mùi khói thì hỏng.
Buổi sáng trôi qua êm đềm. Hôm nay có chú Chiến sang giúp thu hoạch sấu. Chú trèo lên cây hái những chùm quả nặng trĩu, còn tôi đứng dưới hứng vào rổ. Nhìn chú leo trèo thoăn thoắt, tôi thầm thán phục: “Nhanh như khỉ vậy”.
Năm nào chú cũng sang giúp thu hoạch mấy cây sấu cao lớn trong vườn. Chú chỉ nhận lại vài hộp sấu ngâm, bảo sấu bà tôi ngâm là ngon nhất vùng. Chú là hình ảnh điển hình của người nông dân chất phác: nụ cười luôn nở trên môi sau mỗi câu nói, dễ mến lạ thường.
“Chú ơi?” Tôi lên tiếng hỏi, nhận thấy chú cũng tầm tuổi cô Linh - “Chú có biết gì về ngôi trường cũ trên núi gần đây không ạ?”
“À! Cái trường hoang đấy à?” Chú mỉm cười “Năm xưa chú cũng từng học ở đó.”
Như bắt được vàng, tôi tiếp lời: “Thế chú có biết gì về vụ ba nữ sinh mất tích không ạ?”
Chú giật mình, giọng hơi lạc: “Cháu định làm thám tử đấy à?” Rồi chú bình tĩnh lại, gật đầu: “Thôi được, để chú kể cho cháu nghe vài chuyện chú biết.”
Chú đặt rổ sấu xuống, hắng giọng, bắt đầu kể với vẻ trầm ngâm:
“Lúc đó là giai đoạn cuối ôn thi đại học. Trường có thông báo năm sau sẽ chuyển xuống chân núi cho tiện đi lại. Có một cô trong nhóm mất tích vài hôm trước đó đã cãi nhau rất to với bố, đe dọa bỏ nhà đi. Hai bố con tranh cãi kịch liệt đến nỗi hàng xóm phải sang can ngăn. Còn mấy cô kia, nghe nói cũng hơi nghịch ngợm, hay trốn học và gây gổ khắp nơi.”
Nghe vậy, tôi hơi thất vọng. Phải chăng vì thế mà mọi người cho rằng họ đã bỏ trốn? Tôi hỏi tiếp, hy vọng manh mối khác:
“Thế chú có biết con đường xuống núi nào khác ngoài lối mòn không ạ?”
Chú Chiến lắc đầu dứt khoát:
“Không, chú không biết. Sườn phải ngọn núi ấy hồi xưa nguy hiểm lắm, nhiều thú dữ và bẫy rập. Người ta đồn còn có cả xương người và bom đạn sót lại từ chiến tranh. Bọn trẻ con chúng chú ngày trước không dám bén mảng đến đó, ngay cả người lớn trong vùng cũng chẳng ai dám đi sâu hay khám phá hết ngọn núi.”
Chú ngừng lại, như chợt nhớ điều gì, rồi tiếp tục với giọng trầm hơn, pha chút ngậm ngùi:
“Không biết có liên quan không, nhưng dân làng ở đây đều có ký ức không mấy tốt đẹp về ngọn núi ấy. Chú nghe bà chú kể, ngày xưa có một vị địa chủ nổi tiếng giàu có nhưng cũng vô cùng tham lam tàn bạo. Ông ta bắt dân làng đóng đủ thứ sưu thuế nặng nề chỉ để thỏa mãn những thú vui quái gở của mình. Bà bảo, những hình phạt dã man nhất là dành cho đàn ông trẻ... Thời chú còn bé, cứ hư là bị dọa sẽ bị bắt nộp cho ông ta. Sợ lắm, nên chú cũng phải ngoan.”
Chú ngước nhìn lên núi, giọng kể chậm rãi, đầy vẻ phức tạp:
“Ông ta xây một dinh thự nguy nga trên sườn núi. Tội ác của lão không chỉ dừng lại ở chuyện bóc lột. Nghe đâu lão còn cấu kết với giặc, bán thông tin của bộ đội ta và vận chuyển đồ phi pháp cho quân thù. Lão có một người vợ đẹp, sinh được hai con trai. Người con cả bề ngoài có vẻ trí thức nhưng ẩn sau là một gã biến thái, chuyên bắt phụ nữ trẻ về hành hạ. Đứa con thứ thì chỉ biết ăn chơi trác táng, gây rối khắp nơi. Chính lão địa chủ cũng cực kỳ ghét hai đứa con mình, nhiều lần muốn cắt đứt quan hệ, không rõ vì lý do gì.”
“Rồi sức khỏe lão ngày một suy kiệt. Biết mình khó qua khỏi, lão đem giấu số tài sản khổng lồ đâu đó trên núi. Sau khi lão chết, dân làng chỉ tìm được một phần nhỏ. Người ta đồn số của cải còn lại đủ nuôi sống cả vùng này hàng trăm năm.”
“Dân làng tức giận, lục soát khắp dinh thự trên núi nhưng vô ích. Trong cơn phẫn nộ, họ đã phóng hỏa đốt rụi ngôi nhà, bất chấp sự phản kháng của hai tên con trai, và cho xây dựng ngôi trường đầu tiên của vùng ngay trên nền đất ấy. Đến tận bây giờ, thi thoảng vẫn có những tay thợ săn kho báu tìm đến thử vận may, nhưng chưa ai tìm thấy dấu vết gì.”
Tôi gật đầu tạm biệt chú Chiến, đầu óc vẫn quay cuồng với đống thông tin hỗn độn. Chuyện ông địa chủ ám ảnh cả vùng nghe như cổ tích đen tối, nhưng để nói liên hệ của nó với vụ mất tích cách đây 12 năm thì xác suất gần như bằng không. “Không nên đào sâu hố xưa khi đang đuổi theo dấu vết mới,” tôi tự nhủ.
Đúng lúc ấy, tiếng chú Chiến vọng lại từ xa, như lời nhắn gửi bí ẩn: “À mà này cháu! Chú cũng chẳng hiểu sao, mỗi lần hỏi cụ chuyện ông địa chủ ấy, cụ lại nói mấy câu khó hiểu kiểu: ‘Như ý rồi đấy,’ hay ‘Tốt thật…’ với vẻ mặt thoáng vui rồi lại chùng xuống buồn bã. Có gặng hỏi, cụ cũng chỉ bảo: ‘Rồi sẽ có ngày cháu hiểu ra thôi.’ Đến giờ ta vẫn mù tịt… Nếu cháu khám phá ra gì, nhớ báo chú nhé!”
Lời bà như câu đố không lời giải, càng khiến tôi bứt rứt. Thôi được, tôi gạt nó sang một bên. Phải tập trung vào manh mối gần nhất – ba cô gái và những người quanh họ ngày ấy. Kế hoạch chiều nay đã rõ: Lôi Minh xuống trường mới dưới chân núi, gặp những người từng biết họ – giáo viên cũ, bảo vệ già. Đó mới là chìa khóa thực sự.
Chiều buông xuống, cái nắng gay gắt buổi sáng nhường chỗ cho làn gió mát dịu. Chúng tôi đạp xe đến ngôi trường cấp ba mới xây, kiến trúc khang trang khác hẳn cái trường hoang tàn trên núi. Theo suy luận của tôi, chỉ có hai khả năng chính: Một là các cô đã vô tình chứng kiến thứ không nên thấy trên núi. Hai là một âm mưu được dàn dựng kỹ lưỡng, bắt nguồn từ mâu thuẫn nào đó. Và để tìm ra điều này, không ai tốt hơn những người từng hàng ngày tiếp xúc với họ.
Trước cổng trường, một bác bảo vệ tóc bạc phơ đang chăm chú dán mắt vào chiếc tivi cũ kỹ đặt trong lô cốt nhỏ. Tôi lên tiếng:
“Bác ơi, cháu muốn hỏi thăm một chút…”
Bác ngước lên, nheo mắt nhìn chúng tôi đầy cảnh giác, nhưng giọng nói khá ôn hòa: “Hai cháu cần gì? Vào trường à? Đã hết giờ học rồi.”
“Dạ không, cháu muốn hỏi thăm về mấy cô giáo cũ, những người dạy ở trường trên núi ngày trước ấy ạ. Cụ thể là khoảng… 12 năm về trước.”
Ánh mắt bác bảo vệ chợt trở nên xa xăm, pha chút ngậm ngùi: “Ồ… cái thời trường cũ trên kia… Lâu lắm rồi. Còn mấy thầy cô ngày ấy, phần lớn đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi nơi khác hết cả rồi.” Bác nghĩ ngợi một lát. “Có lẽ… còn cô Hạnh dạy Văn. Cô ấy về hưu nhưng vẫn ở trong khu tập thể phía sau trường này. Phòng 102 nhà C đấy. Cô ấy dạy lâu năm, nhớ nhiều chuyện lắm.”
Chúng tôi cảm ơn bác, rồi rảo bước về phía khu tập thể cũ kỹ nằm khuất sau dãy lớp học mới. Không khí ở đây yên tĩnh, thấp thoáng bóng dáng những người già ngồi trước hiên. Gõ cửa phòng 102, một bà lão gầy gò, tóc bạc trắng, kính trễ xuống sống mũi mở cửa. Khi nghe chúng tôi trình bày mục đích – muốn tìm hiểu về ba nữ sinh mất tích năm xưa, đặc biệt là Huyền, Mai, Cúc – đôi mắt cô Hạnh đằng sau tròng kính dày chợt ánh lên nỗi buồn sâu thẳm, pha lẫn sự cảnh giác.
“Vào đi, hai cháu,” cô khẽ nói, giọng khàn đặc. Căn phòng nhỏ ngập mùi sách cũ và thuốc bắc.
Sau vài phút trò chuyện xã giao, chúng tôi dần dẫn dắt vào câu chuyện. Cô Hạnh thở dài:
“Ba đứa ấy… Huyền, Mai, Cúc. Chuyện ấy là nỗi ám ảnh của cả trường. Huyền học giỏi nhất trong số ba đứa, nhưng tính tình có phần… bướng bỉnh. Cháu biết không?” Cô hạ giọng, như thể sợ ai nghe thấy. “Hồi đó… có tin đồn Huyền đang yêu một anh chàng nào đó. Bí mật lắm. Không ai biết rõ là ai. Chỉ biết bố Huyền – một người rất nghiêm khắc phát hiện ra và phản đối kịch liệt. Hai cha con cãi nhau như chém chả, cả xóm đều nghe thấy. Ông ấy quát rằng sẽ ‘bẻ gãy chân thằng khốn nào dám dụ dỗ con gái tao’.” Cô lắc đầu. “Tội nghiệp Huyền… Nó khóc rất nhiều những ngày sau đó.”
Tôi và Minh trao nhau ánh mắt. Một người yêu bí ẩn! Đây chính là mâu thuẫn cá nhân rõ ràng nhất từ trước đến giờ.
“Còn… có ai khác liên quan đến các em ấy không, thưa cô?” Tôi cố hỏi thật tự nhiên. “Như giáo viên mới, hay ai đó nổi bật trong trường lúc đó chẳng hạn?”
Cô Hạnh chậm rãi lau kính, suy nghĩ. “Giáo viên mới… À, đúng rồi! Lúc đó, gần cuối năm, có một thầy giáo trẻ mới về trường tạm thời, dạy Thể dục. Tên là… Thầy Khánh, hình như vậy. Con trai ông Hiệu trưởng cũ. Người… rất đẹp trai.” Một nụ cười nhẹ thoáng qua môi cô. “Trông rất lịch lãm, ăn nói nhẹ nhàng. Thế hệ học trò nữ ngày ấy, nhiều đứa thầm thích lắm. Thầy ấy gây ấn tượng mạnh.”
Con trai hiệu trưởng cũ? Tôi ghi nhớ chi tiết này. Một nhân vật có liên hệ trực tiếp đến ngôi trường cũ – nơi xảy ra vụ mất tích. Mà hình như người ta nói con trai ông hiệu trưởng cũ không phải là tên ăn chơi trác táng hay sao, sao hiện tại lại biến thành thầy giáo lịch thiệp rồi. Tôi nhanh chóng xác nhận lại với cô. Sau đấy cô mới nói rõ ràng đấy là người con do người thiếp của ông hiệu trưởng sinh ra, lớn hơn người con ăn chơi kia hơn 2 tuổi.
“Thầy Khánh có điều gì… đặc biệt không ạ?” Minh không nhịn được, hỏi dồn.
Cô Hạnh nhướng mày, có vẻ hơi ngạc nhiên với câu hỏi. “Đặc biệt…? Thì… trẻ, đẹp trai, có nề nếp. À, mà nhớ ra…” Cô chợt cau mày. “Hồi đó, bác Thành – bác bảo vệ già ở trường cũ, đã mất rồi, có lần tâm sự với tôi, bảo thấy lạ. Thầy Khánh đó… ngày nào cũng là người đến trường sớm nhất, nhưng lại là người rời trường muộn nhất. Có hôm trời tối mịt mới thấy thầy đi ra. Bác Thành còn nói đùa: ‘Sao thầy trẻ đẹp thế mà chẳng thấy đi chơi với ai, cứ quanh quẩn trong trường tối mò vậy?’.” Cô dừng lại, vẻ mặt thoáng chút nghi hoặc. “Mà cũng lạ thật… Thầy Khánh chỉ về trường được vài tháng, rồi sau vụ… vụ mất tích ấy, thầy cũng biến mất luôn. Nghe nói đi đâu xa lắm.”
Tôi nhìn sang Minh. Đôi mắt nó cũng sáng rực lên, đầy vẻ phấn khích và cảnh giác. Không cần nói ra, cả hai đều hiểu: Thầy giáo Khánh - con trai ông hiệu trưởng cũ - đã nhảy lên vị trí hàng đầu trong danh sách nghi vấn. Một kẻ có đủ phương tiện, cơ hội, và có lẽ cả động cơ, để thực hiện một vụ mất tích kinh hoàng ngay trong chính ngôi trường của cha mình.
“Con cảm ơn cô nhiều lắm! Những thông tin này thực sự rất hữu ích ạ!” Tôi đứng dậy cảm ơn cô Hạnh, lòng đầy phấn khích lẫn căng thẳng. Chúng tôi đã chạm được vào một sợi dây quan trọng. Và sợi dây ấy dẫn thẳng đến một cái tên: Thầy Khánh.
Bước ra khỏi khu tập thể, ánh chiều tà đổ dài. Minh quay sang tôi, giọng đầy quyết tâm: “Tiếp theo? Tìm tung tích thầy Khánh này?”
Tôi gật đầu, mắt nhìn về phía ngọn núi mờ xa, nơi ngôi trường hoang vẫn đứng đó như một nhân chứng im lặng. “Ừ. Và trước hết, phải xác minh xem... anh chàng bí ẩn trong câu chuyện của Huyền, có phải chính là vị thầy giáo đẹp trai, hay không?”


0 Bình luận