Ngày hôm sau, điều kỳ diệu đã xảy ra. Không biết động lực nào có ma lực ghê gớm đến thế, biến một con người hôm qua còn ủ rũ như cây héo, than mệt rên rỉ suốt cả ngày hôm qua và làm việc như một “xác sống di động”, hôm nay bỗng rực rỡ như được tiếp thêm năng lượng từ… ngoài vũ trụ. Nó hoạt động năng suất hơn cả một cỗ máy được lập trình viên chỉnh sửa. Cả buổi không một lời than vãn, kể cả lúc nghỉ, khiến tôi nghi ngờ nó đã bị người ngoài hành tinh đánh cắp linh hồn thật sự. Thế nên, chỉ đến tầm 3,4 giờ chiều, cả cánh đồng lạc đã được “xử lý” gọn ghẽ.
Nhìn lại thửa ruộng mà hôm trước còn là một biển xanh mướt mắt, giờ chỉ còn trơ ra đất đỏ và vài nhánh cây lạc lõng như những kẻ thua cuộc sau bữa tiệc thu hoạch, lòng tôi dâng lên một niềm hân hoan kỳ lạ. Chở lạc về nhà xong, nó quất ngay quyết định: “Mày, chuẩn bị hành quân! Tao dẫn mày chinh phục Núi Vua, cao hứng thì leo hết cả ngọn núi luôn!”
“Ê ê, từ từ thôi ông nội ơi! Tay chân tao còn đang kêu răng rắc đây nè!” Tôi kêu lên từ phía sân sau, nhưng ánh mắt lại có chút uể oải lạ thường. “Mà thôi, đi thì đi! Nhanh lên mày, trời sắp tối rồi đấy! Ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi nghe bảo tuyệt lắm!” Nó giục, cái dáng “hởn hở” như vừa trúng số khiến tôi không nhịn được cười.
“Đợi tao lấy cái xe đạp 'chiến mã' cái đã!” Tôi hét vọng từ sân sau. Leo núi mà đi bộ từ nhà ra, e rằng chưa tới chân núi thì đôi chân có khi mất kết nối mất.
Trên đường đi, tôi kể cho nó nghe: “Hồi tao còn bé tí, leo Núi Vua này là cả một kỳ công, đường mòn gập ghềnh, đá lởm chởm, leo lên đến nơi thì mồ hôi ướt đẫm như vừa tắm sông. Giờ khác rồi!” Tôi phóng xe vun vút “Người ta xây hẳn một con đường rộng rãi lên đỉnh để phục vụ cho ngôi đền thờ vị anh hùng truyền thuyết của vùng này. Nghe đồn, xưa có chàng trai dẹp giặc xong, leo lên đỉnh núi này rồi… bay thẳng lên trời! Cứ như siêu anh hùng bản địa ấy! Người ta xây đền vừa để tưởng nhớ, vừa… kích cầu du lịch cho quê mình.”
Đạp xe đến chân núi, nhìn con đường dốc ngược lên trời như thách thức, chúng tôi đồng thanh: “Thôi, gửi xe! Leo bộ cho nó… máu!” May thay, gặp được dì Hai – người dì ngày xưa bắt gặp tôi hay trốn bà nội lên núi chơi, vẫn còn nhận ra tôi sau bao năm. Gửi xe an toàn, chúng tôi bắt đầu hành trình leo bộ.
Con đường bê tông uốn lượn quanh sườn núi thật dễ đi hơn xưa nhiều. Hai bên đường, rừng cây vi vu trong gió chiều, những tảng đá phủ rêu xanh mướt và những khóm hoa dại nở vàng, tím dọc lối. “Phê thật! Chỗ này cảnh đẹp quá mày ơi!” Nó vừa thở hồng hộc vừa reo lên, chỉ tay về phía xa, nơi những cánh đồng, ngôi làng nhỏ xíu thấp thoáng dưới chân núi. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện rôm rả, thi thoảng lại có vài đôi đi xe máy phóng vèo lên trên. “Ha! Xem kìa, có vẻ đây sắp là 'điểm sống ảo' cực chất của các du khách rồi!” Tôi cười bảo nó.
Leo lên gần đến đỉnh, mặt trời bắt đầu khuất dần sau rặng núi xa. Chúng tôi gắng sức bước những bước cuối, hơi thở gấp gáp nhưng lòng đầy háo hức. Và rồi, khung cảnh trước mắt khiến cả hai đứng sững.
Mặt trời như một lòng đỏ trứng gà khổng lồ, đang chảy mềm ra, nhỏ giọt ánh vàng cam rực rỡ xuống biển mây bồng bềnh phía dưới. Những đám mây được nhuộm đủ sắc: từ vàng chanh nhạt đến cam cháy, từ hồng phấn dịu dàng đến tím than huyền bí. Gió trên đỉnh núi vi vu, mát lạnh xua tan mọi mệt mỏi, mang theo hương vị làng quê và hơi thở của đất trời. Dưới kia, cả thung lũng chìm dần trong ánh chiều tà đầy ma mị, chỉ còn những ánh đèn thưa thớt bắt đầu le lói như những ngôi sao dưới mặt đất. Ngôi đền mới xây, sừng sững và tĩnh lặng, in bóng đen sẫm lên nền trời rực lửa, càng khiến không gian thêm phần huyền thoại.
Chúng tôi đứng cạnh nhau, lặng người. Trong lòng tôi bỗng dâng lên một cảm giác bình yên lạ kỳ, pha lẫn chút ngưỡng mộ và… nhỏ bé. Những lo toan, mệt mỏi của ngày dài thu hoạch dường như tan biến hết. Tôi liếc nhìn “thằng bạn xác sống” hôm qua của mình. Ánh hoàng hôn nhuộm hồng gương mặt nó, đôi mắt mở to ngấn lệ, nở một nụ cười tươi rói mà lâu lắm rồi tôi mới thấy. Trong khoảnh khắc ấy, tôi hiểu nó không chỉ vui vì ngắm cảnh đẹp, mà còn vì đã vượt qua được sự uể oải của chính mình, để rồi được đứng đây, trên đỉnh cao, tận hưởng thành quả xứng đáng. Còn tôi, lòng trào dâng một niềm tự hào nhẹ nhàng về quê hương mình, về câu chuyện cổ tích bay lên từ ngọn núi này, và về việc được chia sẻ khoảnh khắc kỳ diệu này với người bạn thân. Chúng tôi chẳng nói gì nhiều, chỉ cùng im lặng ngắm nhìn mặt trời từ từ biến mất, để lại bầu trời tím thẫm điểm xuyết những vì sao đầu tiên lấp lánh, như những viên kim cương nhỏ trên nhung.
Khi bóng tối đã phủ kín, chúng tôi mới lục tục xuống núi. Chân bước xuống dốc mà lòng còn lưu luyến cái nồng nàn của hoàng hôn vừa tắt. “Giá mà… có mang theo cái gì ăn được nhỉ?” Nó bỗng thở dài, câu nói phá tan không khí thi vị khiến cả hai bật cười, xua đi chút tiếc nuối. Con đường xuống núi dường như nhẹ tênh.
Trong lúc đi xuống núi, đêm đã gần buông dày đặc. Ánh trăng lưỡi liềm mảnh khảnh chiếu xuống con đường mòn, tạo nên những bóng cây đổ dài như những bàn tay quái dị vươn ra. Thằng Minh bỗng giật mình, nắm chặt tay tôi, giọng khẽ run: “Ê mày… nhìn kìa! Bên kia rừng, cái gì đen đen thế?”
Tôi ngoái nhìn theo hướng nó chỉ. Xuyên qua kẽ lá tối om, một tòa nhà âm u hiện ra, như một con thú đen nằm phục. “À… cái trường cũ đấy. Bỏ hoang cả mấy chục năm rồi,” tôi hạ giọng, tự nhiên cảm thấy làn không khí quanh mình lạnh đi vài độ “Hồi nhỏ tao cùng ông đi ngang qua đây một lần… lúc đó nó đã hoang tàn lắm rồi, cửa sổ vỡ tanh bành như những cái miệng quỷ…”
Ngay khi thốt ra câu đó, tôi giật mình. Nhắc đến nơi này là rước lấy điềm gở. “Thôi, trời tối muộn rồi! Về nhanh không bà mắng chết!” Tôi vội vã kéo tay Minh, cố gạt đi cảm giác rờn rợn đang bủa vây.
“Không! Mày thấy không, chỗ đó sát ngay đường này mà!” Minh hét lên, mắt sáng rực lên vì tò mò lẫn một chút… thách thức “Ngó qua một chút thôi! Đi mà!” Nó kéo áo tôi giật giật, lèo nhèo y hệt đứa trẻ đòi bằng được món đồ chơi trong cửa hàng. Dưới ánh trăng mờ, khuôn mặt nó trắng bệch, đôi mắt đen láy chứa đầy sự phấn khích kỳ lạ, khiến tôi chợt liên tưởng đến ánh mắt của những kẻ mộng du.
“Thôi được… nhanh lên đấy! Tao đói lắm rồi!” Tôi thở dài đầu hàng, lòng dự cảm chẳng lành.
Chúng tôi rẽ vào một con đường mòn nhỏ hẹp, tối om, chỉ đủ cho một người đi. Cành cây khô gai góc quệt vào người như những ngón tay lạnh. Bỗng, một quần thể mộ cổ hiện ra bên phải. Giữa đám mộ hoang lạnh lẽo, một bóng người đàn ông cao lớn, lưng gù, đang lầm lũi cắt cỏ trước một ngôi mộ mới hơn những nấm mộ khác. Ánh đèn pin yếu ớt từ chiếc điện thoại cũ của ông ta hắt lên gương mặt khắc khổ, đôi mắt đỏ hoe như khóc. Ông ta bỗng quỳ sụp xuống, đầu gục vào bia mộ, vai rung lên những tiếng nấc nghẹn ngào, tê tái trong đêm vắng. Cảnh tượng ấy khiến máu trong người tôi chùng xuống. “Đi… đi thôi Minh,” tôi thì thào, giọng khàn đặc “Chỗ này không phải nơi dừng chân.”
Minh im lặng gật đầu, mặt tái hơn. Chúng tôi rảo bước, vội vã rời khỏi nơi u ám ấy. Và rồi, ngôi trường hiện ra trọn vẹn trước mặt.
Tòa nhà hai tầng như một xác chết khổng lồ bị thời gian bỏ quên. Rêu xanh dày đặc phủ kín những bức tường gạch nứt nẻ, tạo thành một lớp da xanh lét, ẩm ướt. Những ô cửa sổ gần như sắp vỡ tan hoang, đen ngòm như những hốc mắt trống rỗng, rình rập nhìn xuống. Cánh cổng sắt đồ sộ một thời giờ đã han gỉ nặng, một bên lỏng lẻo, chỉ cần tôi đẩy nhẹ đã kẽo kẹt mở ra với âm thanh chói tai như tiếng rên của kim loại sắp gãy. “Sao lại không khóa?” ý nghĩ lạnh sống lưng chợt lóe lên trong đầu tôi.
Bước vào sân trường, một luồng khí lạnh thấu xương ùa tới. Những gốc cây già nua, cành lá quái dị đong đưa trong gió, bóng chúng vật vờ trên nền đất như những bóng ma đang nhảy múa. Tiếng gió rít qua khe cửa vỡ, qua những tán cây khô khẳng khiu, tạo thành một bản nhạc ma quái, não nề. Không khí ngột ngạt, tù đọng mùi ẩm mốc và… một thứ gì đó tanh nhẹ.
“Sao người ta lại bỏ hoang chỗ rộng rãi thế này nhỉ?” Minh thì thào, mắt liếc nhìn xung quanh đầy cảnh giác, ánh đèn pin trên điện thoại nó run run “Trông vẫn… dùng được mà?”
“Ông tao bảo…” tôi cố giữ bình tĩnh, nhưng giọng vẫn hơi mệt “…trường này nhỏ, đường lên khó khăn. Hơn chục năm trước họ đã xây trường mới to đẹp hơn dưới chân núi rồi. Chỗ này…” tôi ngừng lại, nuốt nước bọt “…bị bỏ hoang từ lâu lắm.”
Đúng lúc chuẩn bị quay gót, một âm thanh chói tai vang lên từ dãy nhà bên trái.
… KÉT… KÉÉÉT…
Một cánh cửa gỗ mục bật mở. Ánh đèn pin chói lòa chiếu thẳng vào mặt chúng tôi. Từ trong bóng tối, một nhóm sáu người bước ra, dáng vẻ lạ lùng và… trang bị đầy mình.
Ông chú trông già nhất tiến lên vài bước, ánh mắt sắc bén quét từ đầu đến chân chúng tôi, giọng trầm ấm nhưng đầy uy lực: “Hai cháu là người địa phương à?”
Tôi giật mình, lắp bắp: “Dạ… dạ không ạ! Chúng cháu… cháu về quê chơi thôi ạ!” Minh đứng nép sau tôi, im thin thít.
“À, về thăm ông bà?” Ông ta gật gật, vẻ mặt dễ chịu hơn nhưng ánh mắt vẫn phân tích “Chỗ này tối tăm nguy hiểm, các cháu không nên lên đây buổi đêm đâu.”
Thấy không khí có vẻ bớt căng, Minh bỗng hăng hái bước ra, chỉ tay vào đống thiết bị: “Mấy chú… mấy chú làm gì ở đây thế ạ? Nhìn chuyên nghiệp quá!”
Họ giới thiệu về bản thân từng thành viện trong nhóm.
Ông Trưởng Nhóm (khoảng 50): Người đàn ông thấp đậm, tóc hoa râm cắt ngắn, chòm râu dê cằm cạo gọn. Gương mặt góc cạnh, đôi mắt sắc lẹm như dao, ánh nhìn thấu suốt. Mặc áo khoác ngoài màu xám đậm nhiều túi, đi giày leo núi, đeo kính đêm. Phong thái đĩnh đạc, toát ra vẻ dày dạn kinh nghiệm.
Cô Quay Phim (khoảng 30): Phụ nữ gầy, cao, tóc đen dài buộc đuôi ngựa. Khuôn mặt thanh tú nhưng khá lạnh lùng. Đeo tai nghe nhỏ trên tai, vai vác một máy quay phim sơ cua có gắn đèn chiếu sáng. Trên ngực đeo thẻ tên “Linh”. Tay còn cầm một máy ghi âm cầm tay.
Bà Quản Lí (khoảng 55): Phụ nữ trung niên mập mạp, mặt tròn, đôi mắt rất sâu và tối, như chứa đựng cả bầu trời bí ẩn. Mặc bộ đồ bà ba màu nâu, cổ đeo một chuỗi hạt gỗ to bản. Trên tay lúc nào cũng lần tràng hạt. Điềm tĩnh một cách kỳ lạ.
Hai Thanh Niên Kỹ Thuật (khoảng 30-40):
Anh Đo Đạc: Cao, đen, gầy như que củi, đeo kính cận dày cộp. Lưng đeo ba lô to đựng đầy thiết bị: máy móc, máy ghi âm kỹ thuật số. Tay cầm một cuốn sổ ghi chép.
Anh Hỗ Trợ: Vạm vỡ, cơ bắp, đầu cạo trọc, cổ đeo một cây thánh giá bạc lớn. Vai vác một chiếc túi dụng cụ nặng trịch, tay cầm cây gậy tự vệ bằng kim loại. Trông rất cảnh giác.
Anh Chàng Béo (khoảng 35): Người đàn ông bụng phệ, mặt tròn bầu bĩnh, tóc húi cua. Mặc áo phông rộng thùng thình in logo nhóm “Truy Tìm Sự Thật”, quần jeans rách gối. Trên tay vẫn cầm miếng bánh mì pate cắn dở. Trông có vẻ… vô tư nhất đoàn.
Ông Trưởng Nhóm đang định nói, Bà Quản Lí đã lên tiếng trước, giọng trầm trầm, chậm rãi như tiếng chuông đồng: “Bọn ta là nhóm ‘Truy Tìm Sự Thật’. Chuyên đi tìm hiểu những nơi âm u, giải mã những lời đồn… không phải của người trần.” Đôi mắt sâu thẳm của bà cô nhìn thẳng vào chúng tôi, khiến tôi rùng mình.
Mắt Minh sáng rực lên như đom đóm: “Chỗ này… chỗ này có chuyện gì Hot hả chú? Ma ám hả? Bỏ hoang lâu nên có ma ở hả?”
Cả nhóm nhìn nhau, vẻ mặt ngạc nhiên lẫn… nghi ngờ. Ông Trưởng Nhóm cau mày: “Hai cháu… thực sự chưa nghe chuyện xảy ra ở nơi này 12 năm trước?”
Chúng tôi đồng thanh, giọng đều run run: “Chuyện gì ạ?”
Ông Trưởng Nhóm hạ giọng xuống, âm lượng vừa đủ nghe trong đêm tĩnh mịch, giọng kể chuyện rành rọt nhưng nhuốm màu tang tóc: “Mười hai năm trước, đúng vào một đêm mưa giông tầm tã như trút nước… có ba nữ sinh lớp 12 của ngôi trường này đã biến mất một cách bí ẩn. Không một dấu vết, không một lời nhắn. Như bốc hơi.”
“Chuyện đó à mày?” Minh quay sang tôi, mắt tròn xoe. Tôi lắc đầu quầy quậy, lòng dâng lên nỗi sợ mơ hồ.
“Chú… chú kể tiếp đi ạ!” Tôi thúc giục, giọng khàn đặc.
Ông chú thở dài, khuôn mặt trĩu nặng: “Người ta thấy bốn đứa cùng lên đây ôn bài lúc xẩm tối. Tay xách đèn dầu, vai đeo túi vải đầy sách vở. Đến khuya, trời mưa như trút nước, gia đình không thấy con về, hốt hoảng kêu hàng xóm xách đèn đi tìm…” Ông ngừng lại, nhìn sâu vào bóng tối ngôi trường, giọng trở nên khẽ khàng, nặng trĩu: “Khi lên tới đây… họ chỉ thấy sách vở vương vãi trong một lớp học. Và… trong căn phòng cuối dãy tầng một…” Ông chỉ tay vào lớp đó, nơi những ô cửa đen ngòm “… người ta phát hiện một cảnh tượng kinh hoàng. Cả căn phòng được sơn kín một màu đỏ thẫm như máu. Trên nền nhà, vẽ bằng một thứ bột trắng kỳ dị, là một vòng tròn lớn. Bên trong vòng tròn là những ký tự ngoằn ngoèo không đọc được, và hai ô vuông ghi chữ ‘CÓ’ và ‘KHÔNG’.”
“Trò cầu cơ!” Anh Chàng Kỹ Thuật gầy đeo kính thốt lên, giọng đầy xác tín “Cổ nhất và nguy hiểm nhất! Họ dùng nắp chai hoặc đồng xu làm vật chỉ, gọi hồn về để hỏi chuyện. Nhưng làm sai cách, ở nơi âm u này…” Anh ta lắc đầu “… là mở cửa mời quỷ vào!”
Bà Quản Lí lên tiếng, giọng như tiếng thì thầm từ cõi khác: “Người ta đồn… đêm đó, chúng nó không chỉ gọi một hồn. Chúng gọi nhầm thứ không nên gọi. Và nó… đòi một cái giá. Ba đứa đã phải trả giá đó bằng mạng sống…” Bà ngừng bặt, đôi mắt sâu thẳm, họ chỉ tìm thấy chút đồ dùng còn lại của ba người.
Một cơn gió lạnh thốc qua, thổi qua lọn tóc trên đầu tôi. Trong khoảnh khắc tối đen như mực, tiếng cánh cửa gỗ cũ kêu “cót két” vang lên phía sau lưng nhóm người, như một lời đáp trả đầy ma mị…
Tôi thấy việc ở lại đây hơi ớn lạnh rồi đấy, tôi kéo tay thằng Minh “Nhanh về thôi! Trời tối lắm rồi.”
Nó mặt không cam chịu những thấy thái độ quả quyết của tôi, nó đành miễn cưỡng nghe theo. Chúng tôi tạm biệt nhóm người, họ kể với chúng tôi họ sẽ ở đây một tuần tại một nhà nghỉ ở dưới chân núi. Họ bảo với chúng tôi, ngày mai họ nói sẽ ghi hình một buổi cầu cơ giống với họ đã làm lần trước.
Họ có bảo bọn tôi, nếu thích có thể tới đây vào lúc 8 giờ tối để chứng kiến buổi cầu cơ hôm đó. Tất nhiên là thằng Minh sống chết phải đến xem rồi.
Tôi thì thấy cái nhóm này trông như đang làm mấy trò con bò để câu tương tác với người xem thôi, chứ mấy trò ma quỷ gì kia làm quái gì có thật.


0 Bình luận