Đêm hôm đó, chúng tôi vẫn miệt mài thảo luận không ngừng. Thật khó tin chỉ trong một ngày, bao nhiêu sự thật chấn động đã ập xuống đầu chúng tôi.
Thế nhưng, bí ẩn lớn nhất mà chúng tôi theo đuổi từ đầu – vụ mất tích của ba nữ sinh kia, vẫn còn là một dấu hỏi khổng lồ. Tôi luôn cảm giác mình đang tiến rất gần đến sự thật của vụ án năm ấy. Chỉ còn thiếu vài mảnh ghép nữa thôi. Trong đầu tôi đã lóe lên vài giả thuyết khá điên rồ, dựa trên những bằng chứng mà chúng tôi đã thu thập được.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, đầu óc tôi vẫn nặng trĩu những suy nghĩ. Đêm qua mải mê phân tích vụ án, tôi chẳng ngủ được bao nhiêu. Bỗng dòng suy nghĩ bị đảo lộn hoàn toàn bởi một thông tin gây sốc từ bà tôi vừa đi chợ sáng về.
“Ui giời ơi! Ông nó với mấy đứa ơi, người ta vừa phát hiện một thi thể thanh niên trong khu rừng trên núi kia kìa!” Bà nói, giọng hốt hoảng đến mức quên cả dép khi bước vào nhà.
Minh như bừng tỉnh, ngước đầu lên như rùa thò cổ, miệng còn ngáp ngắn ngáp dài. Còn tôi, nghe xong liền phóng như bay ra ngoài, miệng vẫn đầy bọt kem đánh răng chưa kịp súc.
Minh quay sang: “Một thi thể á?”
“Nhanh lên, đi xem thôi!” Tôi vừa nuốt vội miếng bánh mì vừa hối hả.
Chúng tôi lao lên con đường mòn dẫn tới ngôi trường bỏ hoang, nhưng không đi thẳng lên đó mà rẽ phải ngay giữa chừng. Đây là cánh rừng chỉ dân làng rành đường lối hoặc dân thám hiểm mới dám vào, phải băng qua hàng cây rậm rạp và con đường gập ghềnh đầy sỏi đá.
Trước mặt chúng tôi là cả nhóm ‘Truy Tìm Sự Thật’. Tất cả đều có mặt. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi.
“Chẳng lẽ nào...”
“Hai đứa đến làm gì vậy?” Chú Tâm nhìn chúng tôi đầy ngạc nhiên.
“Có chuyện gì thế ạ?” Tôi hỏi, lòng dần se lại khi nhận ra thiếu vắng một thành viên.
Đằng sau họ, một thi thể được phủ kín bằng tấm vải trắng. Tôi đoán ngay người vắng mặt chính là anh Béo. Quả nhiên, họ kể lại rằng sáng nay cảnh sát gọi báo ra khu rừng này, nơi họ phát hiện thi thể anh Béo, nghi do trượt chân ngã.
Các nhân viên pháp y đang khám nghiệm bên trong để xác định nguyên nhân tử vong chính xác. Chỉ vài chục phút sau, họ bước ra và thông báo: anh Béo tử vong do ngã từ trên cao, tại một mỏm đá nhô ra ngoài. Thời gian tử vong ước tính khoảng 11 giờ tối hôm qua.
Mọi người im lặng, nét mặt ai nấy đều đau buồn và hoang mang. Lời cảnh sát nghe có vẻ hợp lý – đường rừng tối tăm, trơn trượt, một tai nạn thương tâm có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhưng khi họ chuẩn bị khiêng thi thể đi, một thứ lấp lánh dưới tấm vải trắng lỏng chỗ khiến tôi chú ý. Tôi bước tới gần hơn, tim đập thình thịch.
Dưới ánh sáng lờ mờ xuyên qua tán cây, tôi nhìn thấy bàn tay phải của anh Béo thò ra ngoài mép vải. Trên cổ tay anh, chiếc đồng hồ đeo tay bằng thép không gỉ đã vỡ mặt kính. Và trên nền kim loại sáng bóng ấy, rõ ràng có những vết xước sâu, không tự nhiên. Tôi cúi xuống, giả vờ buộc lại dây giày, ánh mắt dán chặt vào đó. Những vết xước ấy... chúng không hỗn độn. Chúng tạo thành một hình dạng rất cụ thể, rất cố ý: một hình chữ thập (+) ngay ngắn, được khắc vội vào mặt đồng hồ, có lẽ bằng chính một mảnh đá sắc nhọn nào đó anh nhặt được trong lúc hấp hối.
Không phải tai nạn. Cụm từ đó đập mạnh vào óc tôi. Ai đó đã đẩy anh xuống. Và anh Béo, trong những giây phút cuối cùng đau đớn và tuyệt vọng, đã cố gắng để lại một manh mối. Một thông điệp tối nghĩa nhưng đầy ám ảnh.
Tôi đứng dậy, cố giữ vẻ mặt bình thản nhưng trong lòng dậy sóng. Tại sao anh Béo lại đến nơi đây vào buổi đêm chứ? Chả có lí do gì khi một người mà hôm trước còn sợ sệt như thể chỉ cần thấy một bóng đen là đủ khiến anh sợ như gặp ma đến nơi rồi. Và nếu có người hại, thì người đó rốt cuộc là ai được chứ? Một người vừa tới vùng này, có thể quen biết được ai chứ?
Rốt cuộc là ý nghĩa của hình chữ thập (+) trên đồng hồ anh cố để lại là ám chỉ đến cái gì. Anh Béo đang cố nói điều gì? Phải chăng anh muốn ám chỉ đến ngôi trường cũ, nơi gắn liền với các phép tính toán? Hay kẻ đứng sau cái chết của anh, kẻ đã đẩy anh từ mỏm đá kia xuống, có liên quan mật thiết đến biểu tượng ấy?
Tôi nhìn sang Minh. Ánh mắt nó cũng đang dán chặt vào chiếc đồng hồ, rồi lại hướng về phía rừng cây xa xăm, nét mặt dần tái đi. Nó cũng đã nhìn thấy. Nó cũng đang nghĩ như tôi. Bầu không khí u ám và ngột ngạt của khu rừng bỗng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Cái chết của anh Béo không phải là kết thúc. Nó là một mảnh ghép kinh hoàng mới, một lời cảnh báo đẫm máu, và là một manh mối trực tiếp chỉ về phía sự thật tàn khốc mà chúng tôi đang truy đuổi. Biểu tượng kia, giờ đây, như một bóng ma lạnh lẽo đang giương cao trên nền trời xám xịt.
Cảnh sát cho gọi nhóm người ra ghi lời khai, trong số họ cũng có mấy viên cảnh sát chúng tôi gặp ở đồn hôm nọ, thấy chúng tôi họ cũng chả phàn nàn gì mà chỉ dặn: “Đừng có bép xép gì đấy.”
Về chú Tâm, tối qua chú ở trong phòng nhà nghỉ một mình suy nghĩ về nhiều vấn đề dạo gần đây, tất nhiên là không có ai làm chứng hết. Về phần chú Hùng, chú ấy cũng bảo đã uống rượu trong phòng rồi ngủ li bì suốt tối qua. Bà Lan thì chắc chắn không liên quan, bởi vì hôm qua bà vẫn ngủ lại nhà bà Sen, tuy bà Sen không thể làm chứng nhưng chúng tôi có thể chắc chắn rằng với sự mệt mỏi ngày hôm qua thì bà ấy không có tâm trạng leo núi làm gì. Cô Linh thì lại càng không, khi cô ấy còn đang suy nghĩ về sự mất tích của ba người bạn năm xưa, nếu anh Béo liên quan thì có thể là do động cơ trả thù, nhưng mà tôi khá chắc với tính cách của cô thì mấy việc này không mấy khả thi lắm.
Nghi ngờ lớn nhất bây giờ của tôi đang hướng khá nhiều đến những thành viên trong nhóm này, bởi vì người có thể gọi anh ta ra đây buổi đêm chỉ có thể là những người đã quen biết thôi. Cảnh sát cũng tìm thấy cái điện thoại của anh, trong đó lần gần nhất là buổi trưa, đó là cuộc gọi với chú Tâm. Chú ấy cũng khẳng định là chỉ hỏi về cách xử lí mấy thước phim đã quay được mấy hôm trước mà thôi. Còn lại là của chú Hùng với mấy người bạn.
Nói là làm. Tôi gạ Minh cùng lên nhà nghỉ “Sơn Ca” nơi anh Béo trọ. Trước mặt ông chủ nhà nghỉ mặt mũi cau có, tôi cố gắng tỏ ra tự nhiên: “Cháu là em của anh Béo ạ. Anh ấy... có việc đột xuất phải đi xa, nhờ cháu đến lấy dùm ít đồ cá nhân.”
Ông chủ nhíu mày, nhìn chằm chằm hai đứa học sinh còn đang mặc đồng phục: “Em? Anh Béo ở đây một mình, có thấy nói gì về cháu đâu? Đồ đạc của khách trọ, không phải muốn lấy là lấy. Đi đi, không làm ồn ở đây!”
Lý do “củ chuối” và diện mạo học sinh của chúng tôi khiến ông ta hoàn toàn không tin, quát tháo đuổi đi. Tôi và Minh thất thểu bước ra, tưởng chừng đường cùng. “Chết tiệt, vậy là hỏng hết sao?” Tôi thầm rủa.
Bỗng một giọng nói quen thuộc cất lên phía sau: “Mấy đứa cũng không tin Béo nó chỉ vấp ngã tử vong đúng không?”
Chúng tôi giật mình quay lại. Chú Tâm đứng đó, nụ cười hơi gượng gạo nhưng ánh mắt lại rất nghiêm túc. “Vâng…” Chúng tôi gật đầu nhẹ, không giấu nổi sự bất lực.
Chú Tâm mỉm cười, rút từ túi quần ra một chiếc chìa khóa nhôm loại thường thấy ở nhà nghỉ, khoe một cách đầy tự hào: “Hì… ta nhân lúc cảnh sát không để ý, vì không tin chuyện đấy lên đã… mượn tạm nó đây… giỏi đúng không?”
Minh và tôi há hốc mồm, không còn lời nào để nói về ông chú này. Bình thường đã tỏ ra nhát gan, sợ sệt đủ thứ, vậy mà giờ lại dám lấy trộm vật chứng ngay dưới mũi cảnh sát! Tôi thầm nghĩ: “Chú ơi, cảnh sát mà biết được thì chú có trăm cái miệng cũng không giải oan được đâu đó nhé!” Nhưng giờ không phải lúc phán xét. Chúng tôi vội vã theo chú Tâm quay lại nhà nghỉ, lợi dụng lúc ông chủ đi vắng, nhanh chóng mở cửa phòng số 207 – căn phòng của anh Béo.
Bước vào, không khí ngột ngạt và mùi đồ ăn nhanh còn vương vãi. Nhưng thứ khiến chúng tôi sửng sốt không phải là sự bừa bộn. Trên bàn làm việc nhỏ, bên cạnh chiếc laptop đời mới, không phải là máy quay phim hay thiết bị điện tử ghi hình nào cả. Thay vào đó là những cuốn sách dày cộp về lập trình, mật mã học, lịch sử địa phương và… săn tìm kho báu! Những tờ giấy nhớ dán đầy tường với các ký hiệu kì lạ, lịch trình và bản đồ khu vực núi rừng quanh làng được đánh dấu tỉ mỉ.
“Anh Béo không phải là kỹ thuật viên quay phim!” Minh thốt lên, đọc tựa một cuốn sách. “Anh ta là một lập trình viên… và một thợ săn kho báu!”
Sự thật này như một gáo nước lạnh. Chúng tôi lao đến chiếc laptop. Màn hình khóa yêu cầu mật khẩu. Chúng tôi thử ngày sinh, tên, biệt danh “Béo”… đều vô hiệu. Tôi nhìn quanh căn phòng hỗn độn, đầu óc căng thẳng. “Một lập trình viên cẩn thận sẽ giấu mật khẩu ở đâu? Không phải dưới bàn phím, không phải trong ngăn kéo…” Ánh mắt tôi dừng lại ở chính chiếc laptop. Tôi cầm nó lên, lật ngửa ra. Và ở đó, dán ngay một cách ngạo nghễ trên mặt dưới của vỏ máy, ngay cạnh tem bảo hành, là một mảnh giấy nhớ nhỏ xíu, viết tay dòng chữ: “KhoBauDiaChu#1958”. Thật bất ngờ và đầy thách thức!
Nhập mật khẩu. Màn hình mở ra. Trên desktop là một thư mục tên “DỰ ÁN S”. Mở vào, hàng loạt file văn bản, hình ảnh scan, và bản đồ kỹ thuật số hiện ra. Tim chúng tôi đập thình thịch khi lướt qua nội dung.
Anh Béo đã dày công sưu tập tài liệu về một kho báu bí mật của một ông địa chủ giàu có nhất vùng cách đây gần trăm năm. Kho báu được giấu trong một “căn cứ bí mật” chỉ ông và hai người thân cận nhất biết. Để mở được căn cứ này, cần đến ba mảnh chìa khóa đặc biệt, mỗi mảnh được giao cho một trong ba người:
Mảnh thứ nhất: Một miếng hợp kim không gỉ có hình dạng giống khúc gỗ cứng hình chữ nhật dài, kích thước chỉ rộng hơn đốt ngón cái một chút, bề mặt được khắc những ký hiệu kỳ lạ. (Hình minh họa scan từ một trang nhật ký cổ cho thấy nó trông giống như một chiếc đũa nhưng ngắn và to hơn).
Mảnh thứ hai: Một tấm kim loại dẹt hình chữ nhật, to gần bằng một quyển vở học sinh, cũng làm bằng hợp kim đặc biệt khó rỉ, trên đó có những rãnh và lỗ khoan tinh vi tạo thành một phần của sơ đồ khóa. (Một bản vẽ kỹ thuật chi tiết được anh Béo phục dựng lại).
Mảnh thứ ba: Một chiếc chìa khóa kim loại có hình dáng truyền thống nhưng phức tạp hơn, phần đầu được chạm trổ hình con chim lạ. (Hình vẽ tay mô tả rõ ràng hình dáng chiếc chìa này).
Tài liệu giải thích rằng ông địa chủ tuy giàu có nhưng rất coi trọng học vấn rất đúng với câu chuyện mà bọn tỗi đã nghe từ cụ ông kia. Khi quyên góp phần lớn của cải để xây dựng ngôi trường trong làng (chính là ngôi trường bỏ hoang bây giờ!), ông đã giữ lại một số báu vật quý giá nhất và giấu chúng trong căn cứ bí mật. Ông giao ba mảnh chìa khóa cho hai người bạn thân thiết nhất và một người thân trong gia đình (có thể là vợ hoặc con), với lời thề sẽ bảo vệ bí mật. Quan trọng hơn, tài liệu nhấn mạnh: “Hậu duệ của ba gia tộc giữ chìa khóa được truyền thừa một tư tưởng, một sứ mệnh thiêng liêng: bảo vệ căn cứ và kho báu này bằng bất cứ giá nào, chờ đợi thời điểm thích hợp hoặc người thừa kế xứng đáng. Và đặc biệt phải mở theo thứ tự nếu nếu không sẽ kích hoạt bẫy.”
Chúng tôi im phăng phắc, không khí trong phòng ngột ngạt đến nghẹt thở. Sự thật về anh Béo và kho báu bí ẩn này đan xen chặt chẽ với bí ẩn mất tích ba nữ sinh và cái chết đầy nghi vấn của anh. Dấu chữ thập anh Béo để lại... phải chăng đều là những dấu hiệu chỉ về kho báu và sự giám sát khắc nghiệt của những hậu duệ trung thành? Ai trong số họ đã sẵn sàng giết người để bảo vệ bí mật? Và ba nữ sinh năm xưa, liệu có phải họ cũng vô tình dẫm phải bí mật chết người này?
Chú Tâm mặt tái mét, giọng run run: “Trời... trời đất ơi... Vậy là... là tại cái kho báu quỷ quái này mà Béo nó...?”
“Còn thấy gì nữa không?” Tôi lên tiếng phá vỡ không khí ngột ngạt trong căn phòng.
Minh và chú Tâm đều lắc đầu, vẻ mặt choáng ngợp trước mớ thông tin đảo lộn vừa phát hiện. Sự thật về anh Béo và kho báu người địa chủ anh hùng lần trước như một cú đấm thẳng vào tâm trí.
Nhưng một nghi vấn khác chợt trỗi dậy trong tôi. Tôi quay sang chú Tâm, giọng điềm tĩnh nhưng đầy thăm dò: “Chú ơi? Có phải nhóm chú... mới thành lập rất gần đây không ạ?” Tôi nhấn mạnh. “Hôm trước bà Lan nói chuyện với cháu, bà ấy có nhắc đến việc nhóm mình ‘mới tập hợp’. Với cả...” Tôi chỉ vào đống sách lập trình và săn kho báu, “...anh Béo giả làm kỹ thuật viên quay phim, đến cả chú là trưởng nhóm cũng không biết rõ thân thế của nhau. Điều này không bình thường chút nào.”
Chú Tâm giật mình, mặt thoáng một nét hoảng hốt như bị bắt gặp lỗi lầm. Một lúc im lặng dài, chú mới ậm ừ, giọng nhỏ dần đầy e dè: “Ừ... ừm... Đúng thế. Thật ra... nhóm ‘Truy Tìm Sự Thật’ này chỉ mới chính thức gặp mặt và hoạt động được... đúng một tuần thôi.”
“Một tuần?” Minh thốt lên kinh ngạc. “Vậy trước đó?”
“Trước đó,” chú Tâm hít một hơi sâu, “bọn chú chỉ là những thành viên trong nhóm chat ẩn danh trên mạng, cùng bàn tán về những vụ án kỳ lạ trong vùng, nhất là vụ ba nữ sinh mất tích. Rồi đột nhiên...” Chú ngừng lại, ánh mắt trở nên xa xăm và đầy nghi hoặc, “...một thành viên bí ẩn, nick name ‘NgườiDẫnĐường’, đề xuất thành lập nhóm điều tra thực địa, tập trung duy nhất vào vụ mất tích của ba nữ sinh. Người đó đề nghị mỗi người nên đóng vai trò phù hợp với nghề nghiệp thật hoặc sở trường để dễ dàng tiếp cận thông tin và ghi hình lại đăng lên mạng. Mọi người trong nhóm chat có người thì hào hứng nhưng không muốn đến tận nơi, chỉ có sáu người là bọn chú tham gia. Thế là... nhóm hình thành.”
Tôi chăm chú lắng nghe, từng lời chú Tâm như gieo vào lòng tôi những mầm nghi ngờ lạnh giá: “Và anh Béo tự nhận là kỹ thuật viên quay phim? Còn chú thì đóng vai trưởng nhóm? Cô Linh thì giả làm quay phim? Bà Lan là người quản lí?” Tôi liệt kê, cố gắng nén cảm xúc.
“Đúng vậy,” chú Tâm gật đầu, vẻ mặt bối rối. “Chúng chú nghĩ đơn giản là để thuận tiện quay. Nhưng giờ nghĩ lại... cảm giác như cả nhóm đều bị dẫn dắt. Ai là ‘NgườiDẫnĐường’ đó? Tại sao lại muốn tập hợp một nhóm người lạ mặt lại để điều tra vụ này? Và tại sao...” Chú nhìn xuống chiếc laptop của anh Béo, “...lại có một thợ săn kho báu núp bóng trong nhóm?”
Một luồng điện lạnh chạy dọc sống lưng tôi. Mảnh ghép cuối cùng đang khớp vào. ‘NgườiDẫnĐường’. Người đã chủ động tập hợp nhóm này, chính xác vào thời điểm anh Béo đang tích cực săn lùng kho báu. Không phải ngẫu nhiên!
“Chú Tâm,” tôi hỏi gấp gáp, “chú có nhớ ‘NgườiDẫnĐường’ gợi ý cụ thể ai nên đảm nhận vai trò nào không? Hay đề nghị kết nạp thành viên mới nào đặc biệt?”
Chú Tâm cau mày suy nghĩ. “Để chú nhớ lại... À! Đúng rồi! Không phải ‘NgườiDẫnĐường’ là người đề xuất mời anh Béo vào nhóm mà là một người có tên là… ‘KeLacLoi’ thì phải, ban đầu chú nghĩ hai người ấy quen biết nhau. Nói rằng cần một người có kỹ năng ghi hình chuyên nghiệp. Còn chú... thì tự nguyện làm trưởng nhóm vì đã từng là trưởng nhóm trong một ban nhạc. Giờ nghĩ lại lúc bọn chú gặp nhau thì hình như không có ai thể hiện như là đã quen biết nhau thì phải?”
‘NgườiDẫnĐường’ muốn gì? Tập hợp những người liên quan đến kho báu lại một chỗ? Hay... dùng nhóm này làm công cụ để tìm kiếm?
Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc laptop. Một ý nghĩ kinh hoàng lóe lên. Phải chăng ‘NgườiDẫnĐường’ chính là kẻ giết anh Béo? Kẻ đã lợi dụng thông tin từ anh để biết được vị trí kho báu và danh tính những người giữ chìa khóa?
“Chúng ta cần kiểm tra lịch sử chat của anh Béo,” tôi nói, giọng gấp gáp, tay đã mở trình duyệt trên laptop. “Phải tìm ra danh tính thật của ‘NgườiDẫnĐường’ cả người tên ‘KeLacLoi’ nữa! Và...” Tôi ngừng bặt, mắt dán vào một thư mục ẩn vừa được phát hiện có tên ‘NgườiDẫnĐường.txt’.
“Chính nó, thứ mà nãy tôi đã bỏ qua vì cư tưởng là một bộ truyện anh ta tải về!” Tôi thầm nghĩ và ngay lập tực mở ra.
Bên trong là thông tin đăng ký nick ‘NgườiDẫnĐường’ từ web (có lẽ anh Béo dùng cách nào đó lấy được), kèm ảnh chụp. Khuôn mặt trong ảnh khiến cả ba giật mình.
“Anh Quang... Tại sao chứ?” Minh thốt lên, còn chú Tâm đứng hình.
Nhưng mà nó chỉ có đúng một file đó, còn lại không thấy về những người khác. Hay anh ta chỉ tò mò về người này thôi? Vậy thì có thể là anh Quang đã giết anh Béo để bịt đầu mối, vì anh bị đe dọa ư? Câu trả lời chắc là phải tới hỏi trực tiếp anh Quanh rồi, thế nên tôi bảo hai người kia đến chỗ anh Quanh chất vấn.


0 Bình luận