Chương 115: Dưới cây nhân duyên, tớ và cậu
Ngoại ô phía Nam cách trung tâm thành phố Lâm Xuyên không xa.
Giang Cần lái chiếc Audi, chở Phùng Nam Thư, tự tin bon bon về hướng tây nam rồi không ngoài dự đoán… lạc đường.
Đùa chứ, anh đâu phải dân bản địa, lại không cài định vị trong xe. Muốn tìm được một khu du lịch sinh thái nhỏ ở vùng ngoại ô này cũng không dễ, chưa kể phía tây nam Lâm Xuyên toàn núi non, đường rẽ thì chằng chịt. Lỡ một nhánh là đi lạc tận chân trời.
Một lúc sau, Giang Cần buộc phải dừng xe. Cảm giác đi thêm nữa là sắp tới được Tây Thiên thỉnh kinh luôn rồi.
“Đến rồi hả?”
“Ừ, gần tới rồi…”
Phùng Nam Thư nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy cánh đồng sau vụ thu hoạch còn trơ gốc rạ liền thở dài: “Ồ, hóa ra đây là nông gia lạc.”
“…”
Giang Cần chịu hết nổi, xuống xe hỏi người ven đường, mới biết mình chạy quá xa. Anh quay đầu trở lại, rẽ vào con đường lúc nãy bỏ lỡ, đi thêm một đoạn thì cuối cùng cũng tới được trấn Nam Giao.
Trong đầu anh vẫn nghĩ nông gia lạc là kiểu có hàng rào, sân vườn với vài con chó chạy vòng vòng. Nhưng khi tới nơi mới biết mình nghĩ sai.
Nơi này là một thị trấn du lịch, được xây quanh một hồ nước lớn. Gọi là “nông gia lạc” thật ra chỉ là một phần dịch vụ trong đó, chuyên về ăn uống và lưu trú.
Đúng lúc trấn đang tổ chức lễ hội mùa thu, đường phố đông nghịt du khách, nhộn nhịp vô cùng.
Giang Cần quay sang nhìn Phùng Nam Thư thì thấy cô nàng đang dán mắt vào cửa kính xe, mặt đầy hứng thú. Gương mặt xinh đẹp của cô phản chiếu trong lớp kính, đôi mắt sáng long lanh, tò mò nhìn ra ngoài.
Khi đến khu nghỉ, Tô Nại, Lư Tuyết Mai, Thời Miễu Miễu và Văn Cẩm Thụy đang nhặt rau, còn Đổng Văn Hào, Lộ Phi Vũ và Trần Văn Tinh thì nhóm lửa nấu ăn.
Thấy chiếc Audi đen chạy vào, cả nhóm liền than thở về độ trễ của “sếp và bà chủ”.
“Sếp, cuối cùng cũng đến rồi.”
“Đi nhầm đường, nhưng không sao.”
Giang Cần đỗ xe xong, dắt Phùng Nam Thư vào sân xem mọi người làm việc. Hóa ra đây là một trải nghiệm trong dịch vụ, gọi là “tự tay nấu bữa tối”.
Nói dễ hiểu là khách sẽ trả tiền nguyên liệu, được quyền sử dụng bếp núc và thực phẩm do nơi này chuẩn bị để nấu ăn như người địa phương.
Giang Cần lấy từ tay Thời Miễu Miễu bảng giá, xem xong suýt bật cười. Giá nguyên liệu ở đây bị đội lên gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Đúng là chủ thầu lão luyện. Một con gà nhổ lông xong, tính tiền như nhà hàng phục vụ món gà bưng tận bàn. Mà khách còn phải tự nấu lấy. Quá lời!
“Bà chủ, cậu ăn cay được không?”
“Tớ ăn gì cũng được.” – Phùng Nam Thư rất dễ chiều.
“Phòng chia rồi đúng không? Cậu đem túi vào trước, lát nữa ra chơi tiếp.”
“Ok.”
“Bà chủ, để em dẫn chị đi!”
Thời Miễu Miễu đứng dậy, rửa tay xong thì đưa Phùng Nam Thư đi về phía phòng nghỉ.
Nhân lúc đó, Giang Cần gọi Ngụy Lan Lan và Từ Thanh đến, giao nhiệm vụ liên quan đến quán trà sữa ở Lâm Xuyên Công Nghệ.
Chủ quán tên Cao Đại Vĩ đúng kiểu khó chơi, nhưng vị trí quán lại rất đắc địa, cực kỳ phù hợp cho quảng bá sau này.
Nếu lấy được địa điểm đó, chiến dịch về sau sẽ tiết kiệm rất nhiều công sức.
Giang Cần đưa số điện thoại cho Ngụy Lan Lan, dặn nhóm thị trường gọi điện luân phiên làm mềm tính ông chủ kia.
“Gọi mà đừng để lộ danh tính, cứ nói là cá nhân muốn thuê mặt bằng làm ăn, ép giá xuống 30%.”
“Nhiều vậy luôn?” – Ngụy Lan Lan trợn mắt.
“Giá ông ta đưa vốn đã cao, hạ ba mươi phần trăm vẫn còn lời.”
“Nếu ông ta không chịu thì sao?”
“Tớ từng thương lượng rồi mà không được, nên khả năng các cậu cũng vậy. Nhưng cứ gọi, vừa gọi vừa tìm địa điểm dự phòng.”
Ngụy Lan Lan gật đầu, lưu số rồi chuyền cho Từ Thanh.
Xong việc, Giang Cần quay sang Tô Nại đang rửa nấm, hỏi cô tình hình dự án website mua theo nhóm.
“Em có xem kế hoạch anh gửi, nhưng một mình em làm không nổi đâu.”
“Vậy thì tuyển thêm người đi. Em có kinh nghiệm rồi, tớ giao toàn quyền cho em.”
Cách giải quyết của Giang Cần rất trực tiếp: thiếu người thì tuyển. Dù sao tiền quảng cáo thu vào cũng đủ rủng rỉnh, giờ nói gì cũng có sức nặng.
Tô Nại nghe được hai chữ “toàn quyền” thì hơi phấn khích. Không hề biết rằng đây là nghệ thuật nói chuyện của ông chủ: giao hết việc cho người ta mà người ta vẫn thấy mình được trọng dụng.
Khói bếp dần bốc lên từ sân nhỏ, lan dọc sườn núi xanh mướt, rồi hòa vào ánh chiều vàng. Cảnh vật yên bình như một bức tranh.
Đổng Văn Hào làm bếp chính, vung chảo cỡ lớn, định nấu món gà xào ớt cay quê hương.
Bên ngoài phố cũng náo nhiệt, khách vãng lai đông nghẹt quanh hồ.
Phùng Nam Thư từ phòng bước ra, mặc áo hoodie tay phối màu, đeo túi xách Chanel màu xanh khói, đẹp rạng ngời.
“Giang Cần, đi dạo đi.”
Giang Cần quay lại nhìn phía bếp: “Lão Đổng, lát nhớ gọi tớ ăn cơm nhé. Tớ dẫn cô ấy đi vòng quanh đây một chút.”
“Dạ, sếp!”
Giang Cần dẫn Phùng Nam Thư ra khỏi sân, hòa vào dòng người, hướng về phía hồ lớn.
Lễ hội mùa thu này không phải lễ truyền thống, mà là do trấn tự tổ chức để hút khách. Nhưng trên đường quả thật có vô số món đặc sản đồng quê.
Nào là khoai nướng, đậu phộng luộc, bắp luộc, bánh gạo, bỏng ngô. Ngoài ra còn có đèn lồng thủ công, ghế gỗ xếp, chiếu tre.
Phùng Nam Thư đi phía trước, cao 1m7, nổi bật giữa đám đông. Đôi mắt long lanh dạo qua các quầy hàng với vẻ háo hức rõ ràng.
Lúc ở Tế Châu, cô thậm chí chưa từng vào chợ đồ lưu niệm. Nơi này với cô giống như một thế giới khác.
Đi được một đoạn, ánh mắt Giang Cần bỗng dừng lại. Anh khựng lại, nhíu mày nhìn về phía cuối con đường.
Một cây xanh lớn hiện ra, thân xám trắng, tán rộng um tùm, trên cành treo chi chít dây ruy băng đỏ.
Trời ơi, lại là cây nhân duyên.
Giang Cần chán nản. Sao cứ chỗ nào có khách du lịch là y như rằng có thứ này.
Anh toan dẫn Phùng Nam Thư đi đường vòng để né thì...
“Giang Cần, kia là gì vậy?”
“Ờ... cây tình bạn, kiểu mê tín ấy mà.”
“Vậy để tớ lên treo một sợi cho tụi mình!”
“...”
Một lúc sau, Giang Cần dắt theo một Phùng Nam Thư mặt mũi nhăn nhó quay lại sân nhà. Anh đi xin hộp thuốc, lấy cồn iốt và bông gòn.
Anh cẩn thận gỡ giày và tất của cô ra, dùng tăm bông chấm thuốc sát trùng rồi thoa nhẹ lên mắt cá chân bị trầy.
“Tớ bảo đừng leo mà cậu cứ leo, cuối cùng còn chưa kịp treo.”
“Đau không?” – Giang Cần ngẩng đầu hỏi.
Phùng Nam Thư giả vờ bình thản: “Không sao, như kiến cắn thôi.”
“Thế có gan thì quay đầu lại nhìn tớ nè?”
“Ừ thì... đau đó. Nhưng lần sau tớ vẫn dám làm tiếp.”
“...”
“Giang Cần, không treo được bảng, tụi mình vẫn có thể làm bạn tốt suốt đời đúng không?”


0 Bình luận