• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Mười ngày yêu em

Chương 15: Lý do để sống

0 Bình luận - Độ dài: 3,711 từ - Cập nhật:

“Hơ… trời sáng rồi sao?”

Minh tỉnh dậy trong căn phòng thân thuộc, trên người vẫn mặc nguyên bộ đồng phục bụi bặm. Cậu vớ tay ra kiểm tra lịch trên điện thoại. May quá, thì ra hôm nay là Chủ Nhật, tức là hôm nay cậu sẽ không phải đi đâu cả. Minh thở phào nhẹ nhõm, trong lòng cảm thấy như được tái sinh. Có một ngày không phải nhìn cái lớp học thêm chật chội, ẩm mốc và đầy mùi người do chẳng được lắp điều hoà là một phước lành.

Cậu học sinh bắt đầu nhớ lại những gì mình đã làm vào tối hôm qua. Phải rồi, cậu đã đi học về lúc mười một giờ, sau đó lao vào làm bài tập về nhà của hôm đó mà chẳng hề quan tâm đến việc ăn uống hay tắm giặt.

“Từ từ nào, mình cần phải kiểm tra lại đống bài tập đó.”

Nam sinh lại gần chiếc bàn học. Trên đó đã có sẵn một xấp bài tập được viết, vẽ chằng chịt kèm theo vài quyển vở đi học trên lớp. Rồi cậu bắt đầu kiểm tra từng đáp án bằng cách tra mạng. Tất nhiên là cũng có những câu sai, nhưng phần lớn chúng đều thuộc những tập câu khó, vốn chỉ dành cho những học sinh muốn đạt điểm từ chín trở lên. Minh không xuất chúng đến vậy, nên đối với cậu thì điểm tám cũng chẳng khác nào điểm mười. Sau một hồi loay hoay với mấy câu sai, cậu ghi lại đáp án và cách giải đúng vào những trang cuối của vở học thêm, như một thứ để đem ra mặc cả với giáo viên dạy thêm khi anh ta chữa bài về nhà.

“Chà, đã đến lúc tắm rồi.”

Đoạn Minh bước vào phòng tắm, mở vòi hoa sen lớn hết cỡ. Làn nước xối xuống gột rửa mọi bụi bẩn bám trên da thịt cậu, trả lại màu ngăm ngăm của những buổi đi nắng mùa hè. Vừa tắm, cậu vừa nghêu ngao hát bài “Cảm ơn tổn thương”. Minh chợt nhớ về những mối tình trước, khi bản thân còn phải vượt qua bao khó khăn. “Cảm ơn em đã rời xa anh, để anh biết không gì là mãi mãi”, câu hát ấy như cứa thẳng vào niềm tin về một tình yêu vĩnh cửu của Minh vậy, đớn đau vô cùng. Làm gì có cái thứ gọi là luân hồi, có chăng thì đó cũng chỉ là sự trùng hợp mà thôi, cậu đã nghĩ như vậy.

Sau khi đã xong việc, cậu học sinh bước khỏi phòng tắm với một tâm thế mới, sẵn sàng tiếp tục một ngày dài dẫu cho đã phải trải qua nhiều nỗi đau. Và rồi, cậu bắt gặp mẹ đang xem những tờ rơi nhặt được ở đâu đó. Bà ngồi trên chiếc ghế gỗ, ánh mắt rất chăm chú, như thể đang đắm chìm vào trong một ảo mộng nào đó. Khuôn mặt kiều diễm ấy đã bị những nếp nhăn xâm chiếm, biến mẹ Minh trở thành một bà cô già trước cả chục tuổi.

“Mẹ đang làm gì thế?”, Minh hỏi, trong lòng linh cảm có điều gì đó chẳng lành.

“À, mẹ đang tham khảo mấy chương trình mà người ta quảng cáo. Con biết trường cao đẳng gần nhà mình không? Họ đang quảng cáo rầm rộ lắm, cơ hội được đi làm cũng nhiều nữa.”, mẹ Minh đáp.

“Tờ rơi đâu, để con xem cái nào.”

Đoạn Minh cầm lấy một tờ rơi khác trong xấp giấy mẹ nhặt được. Và cậu thực sự sốc khi đọc chúng. Ánh mắt cậu sững sờ trước câu chốt hạ “100% học viên ra trường có việc làm”, đó là những gì mà ngôi trường đó quảng cáo.

Cảm thấy điều đó chẳng ổn chút nào, cậu học sinh lập tức nói với mẹ:

“Mẹ à, đi học mấy cái trường cao đẳng này có tương lai gì, rồi cũng phải liên thông lên đại học mà thôi. Vừa tốn tiền mà lại mất thời gian. Với lại, cũng chả có ngành nào ở trường cao đẳng đó dạy về tâm lý học cả.”

“Con không thích đi học à? Yên tâm, có cả con đường xuất ngoại cho con đấy, chỉ là con phải tự kiếm tiền để đi thôi.”, bà mẹ quay sang cười nhẹ.

“Mẹ… Con không muốn nói nhiều đâu, nhưng con đâu có kém cỏi tới mức phải đi đường vòng?”

Nam sinh thở dài. Nhưng đáp lại cậu lại là một ánh mắt hình viên đạn từ chính người đẻ ra mình. Mẹ Minh cầm chiếc cốc nhựa dùng một lần lên rồi bóp nát nó, răng nghiến ken két. Bà có thể có ngưỡng chịu đựng đối với người khác, song đối với cái thứ “con dại cái mang” thì chẳng có giới hạn nào cả!

“Tao cũng chẳng muốn nhiều lời. Sao mày lại ương bướng tới vậy? Nhìn lại bản thân đi, ngoài việc học hành lớt phớt ra thì chả được cái tích sự gì cả. Mày phải biết mày đã chẳng nỗ lực cái con khỉ khô gì cả, việc đỗ vào trường cấp ba cũng chỉ là may mắn!”

Hít một hơi thật sâu, bà mắng tiếp:

“Tao đã nghĩ rằng mày sẽ trượt, nên cũng đã chừa ra một con đường sống cho mày: Du học nghề ở Đức. Nhưng xem ra các cụ đã phù hộ cho mày nên tao đành để mày đi học tiếp. Bây giờ sự thật đã rõ ràng rồi, mày đừng có mà chối cãi! Cả thằng bố mày nữa, tao nói cho mà biết, chúng mày về mà khóc thương cho nhau đi, đừng có vác mặt về nhìn tao nữa. Thứ láo xược!”

Đứng trước lời sỉ vả ấy, trái tim Minh như tan thành trăm mảnh. Cậu không thể tin được mẹ của mình, một người vốn được cả họ lẫn mọi người xung quanh khen là giỏi giang và có mắt nhìn người, lại nhận xét về mình như vậy. Tức nước vỡ bờ, Minh cũng nói thẳng luôn:

“Suy nghĩ của mẹ luôn bị kẹt ở hồi cấp hai hết! Kể từ khi con lên cấp ba đến bây giờ, mẹ có lúc nào thèm ngó ngàng tới việc học tập của con đâu! Có thể giáo viên chưa bao giờ nói con là một học sinh xuất sắc, nhưng điểm số các môn thi đại học của con đều rất tốt. Chúng đã cải thiện từng ngày, từng ngày rồi đấy chứ! Mẹ…”

Đến đây, mặt Minh đỏ gay đỏ gắt. Hai môi cậu mím chặt lại, đôi mắt thì trừng trừng nhìn mẹ của mình, như thể bà là một tên tội phạm chiến tranh cứng đầu vậy. Cậu biết dẫu có giải thích như thế nào thì mẹ vẫn không bao giờ tin, vì bà là một người bảo thủ vô cùng. Bố cậu thì trước cũng thế, nhưng giờ thì đã khác.

“Tại sao mẹ không bao giờ chịu tin những gì con nói, và cả sự thật nữa?”

Cậu nén hết tức giận trong lòng mà đưa ra lời chất vấn. Tuy nhiên, đáp lại sự giận dữ của con mình, bà mẹ còn châm chọc thêm.

“Bởi vì mày không phải một thằng xuất sắc, mà chỉ là một thằng mõm thôi. Tội gì tao phải tin mày?”

“Thôi được, tạm thời thì con sẽ nghe mẹ vậy.”, Minh đứng dậy và nói. Nhưng trong đôi mắt cậu, thế giới này đã là cả một biển lửa.

“Không nghe tao thì mày nghe ai, cái thằng này?”, mẹ Minh ném chiếc cốc nhàu nhĩ vào mặt cậu.

“Con xin lỗi, con không muốn nói chuyện với mẹ nữa.”

Nói rồi Minh chạy về phòng. Mặc dù trong lòng rất tức giận, nhưng bằng lối suy nghĩ “giận quá thì mất khôn”, cậu buộc phải nén nó xuống mức thấp nhất. Giống như một đồng xu hai mặt vậy, mẹ cậu lúc ở nhà thì thét ra lửa, khi ra ngoài thì tỏ ra thân thiện và dễ gần. Suy cho cùng thì mẹ Minh cũng chỉ đang tìm cách để bảo vệ danh dự của chính mình mà thôi. Vì lẽ bà quá vô tâm với con mình, nên lương tâm đã bị cắn rứt.

“Thật không thể nào chấp nhận được!”

Minh mệt mỏi nằm trên giường, suy nghĩ lộn xộn. Mọi thứ liên quan tới mẹ cứ đưa cậu hết từ bất ngờ này tới bất ngờ, tựa như tháp rơi tự do vậy.

Và rồi…

Một chiều không gian khác nuốt lấy cậu học sinh.

Nó cho cậu thấy những chùm tia sáng lóe lên giữa không gian xa xăm. Minh dù đã gặp phải thứ ảo giác này rất nhiều rồi, song vẫn không khỏi xuýt xoa trước vẻ đẹp của nó. Phải chăng đây chính là ước nguyện của tâm trí cậu?

Nhưng nó chỉ xuất hiện một lúc thôi, vì ngay sau đó những tiếng nói lại xuất hiện.

“Sống làm gì nữa bạn ơi.”

“Chết quách đi cho rồi.”

“Mọi nỗ lực đều vô ích cả thôi.”

Nhưng trong muôn vàn câu xúi giục đó, vẫn có một lời khẩn cầu:

“Không, làm ơn, tôi vẫn muốn được sống mà!”

Rồi Minh lại ngã xuống vực thẳm của nỗi ưu sầu, sau đó tỉnh lại. Nhưng lần này thì cậu đã thực sự tỉnh táo trở lại rồi, chỉ là cậu hơi buồn mà thôi. Minh tự hỏi:

“Mình có nên dựa dẫm một ai đó không?”

Bởi lẽ khi mẹ cậu đã nói như vậy thì có nghĩa là bà đã rất kiên định với kế hoạch của mình rồi, nửa bước cũng không rời. Bạn bè? Chả có tác dụng gì cả, chưa kể còn dễ bị lộ ra rằng gia đình mình tệ hại tới mức nào. Thầy cô? Họ có nuôi Minh quái đâu, cùng lắm cũng chỉ xuống nhà khuyên nhủ, rồi đâu lại vào đấy. Càng nghĩ càng tức, cậu liên tục đạp, rồi đấm tường mà chẳng mảy may nghĩ đến cái đau. Có thể nói, sức chịu đựng của cậu cũng đã đạt đến giới hạn rồi.

Rồi đột nhiên, trong đầu Minh lóe lên một suy nghĩ. Phải rồi, là bố! Ông là người duy nhất có thể hiểu cậu vào lúc này! Thế là không chút đắn đo, Minh liền chạy xuống nhà lấy xe rồi đi luôn.

Đường đến nhà bố Minh hơi tắc do nằm trong nội thành, thành ra chiếc Wave của cậu đôi lúc cũng giở chứng. Lúc thì nó tắt máy đột ngột, khi thì nó phát ra âm thanh chói tai mỗi lần bóp phanh. Nhưng sau cùng thì Minh vẫn làm chủ được chuyến đi. Sau hơn một tiếng đi xe thì cậu cũng đến được nhà bố, nơi nằm trong một khu đô thị khá nổi tiếng.

Cất xe vào trong hầm xong, Minh bước vào sảnh chính, rồi tới thang máy. Cậu phải thừa nhận rằng nơi này được xây dựng rất đẹp, với những viên đá lát sàn sáng bóng cùng bốn bức tường được sơn trắng phau. Chưa kể đến đội ngũ vệ sinh hùng hậu cứ mươi, mười lăm phút là lại có mặt để lau dọn nữa.

Vừa hay thang máy cũng đã lên đến tầng Minh chọn. Cậu bước tới nhà số 702 rồi nhẹ nhàng bấm chuông. Một lúc sau, có tiếng lịch bịch phát ra từ bên trong nhà, rồi tới lượt một tràng xoáy chốt. Cánh cửa mở ra, để lộ một vóc dáng trung bình, kèm theo mái tóc đã bạc đi đôi chút.

“Con chào bố.”, Minh cúi mình xuống, tiện tay phủi chỗ bụi dính trên áo một cách vụng về.

Bằng giọng trầm ấm, ông bố nhìn thằng con mình rồi hỏi.

“Hôm nay con được nghỉ à mà đến nhà bố chơi thế?”

“Vâng, tiện đây con cũng có chút chuyện muốn bàn với bố.”

“Thế à… Thôi được rồi, con cứ vào nhà đi rồi tính tiếp.”, nói rồi ông đưa Minh vào trong nhà.

Căn hộ của bố Minh được bày biện khá đẹp mắt. Phòng khách có hai chiếc ghế bành đặt song song nhau, đặt ở giữa là chiếc bàn kính. Cái tivi treo tường đối diện nó mang thiết kế thanh lịch và hết sức sang trọng, một dấu hiệu dễ nhận biết của đồ hiệu. Ngoài ra, Minh có thể ngửi thấy mùi thơm bốc lên từ lớp sàn gỗ mà có vẻ như ông ấy mới lát. Những bức tranh đắt tiền được treo khắp nhà, như một minh chứng cho sự yêu thích nghệ thuật của bố cậu học sinh này. Bước sâu vào trong căn bếp, dễ thấy những trang thiết bị nhập từ Đức hãy còn mới, nhưng luôn có chút mùi của nước lau bếp.

Mặc dù đã đến nhà bố nhiều lần trước đó, song bên cạnh những món đồ, vẫn có một ấn tượng vẫn mãi không phai trong lòng nam sinh. Trước khi ly hôn, bố Minh là một kẻ thấp kém, nghèo hèn đến mức khó tin. Ấy thế mà chỉ vài năm gần đây thôi, ông ấy đã lột xác từ một gã nhân viên quèn lên cấp trưởng phòng, lương từ đó cũng tăng theo. Chưa kể, ông còn làm thêm nghề tay trái nữa, thành ra cũng kiếm được chút đỉnh. Nếu tính sơ sơ thì cũng phải được tầm bốn, năm chục triệu gì đấy. Có lẽ chính vì thế nên trong lòng cậu, bố là một người hùng. 

“Bố à…”

Minh vào đề luôn. Cậu bặm môi lại, cố ngăn không cho mình khóc.

“Mẹ không cho con đi học đại học.”

“Sao lại thế?”

Ông bố sững người lại. Mặc dù ông biết vợ cũ của mình có thể kỳ quặc, nhưng làm sao có thể quá quắt và cấm đoán đến vậy chứ?

“Tại vì…”

Những giọt nước mắt lăn dài trên má đứa trẻ mới lớn. Nó đã không thể chịu đựng được mà đem ra kể hết với bố. Sau khi nghe không sót chữ nào từ thằng con, ông bố lập tức an ủi:

“Được rồi, bố sẽ gọi điện cho mẹ luôn để thống nhất về chuyện này, con không phải sợ.”

Minh dạ một tiếng rồi quay gót về phía chiếc ghế bành. Cậu ngồi xuống cái phịch, để nỗi sợ bao trùm lấy bản thân. Những tiếng kêu than lại xuất hiện trong đầu cậu, trách móc cậu vì những lỗi lầm không đáng có ban sáng. Rồi những nhịp thở của Minh cũng yếu dần, như thể có một hòn đá đang nén chặt ngực cậu vậy. Trước mắt cậu học sinh, mọi thứ đang dần mờ đi. Rồi cậu cũng nhắm tịt mắt lại, thả hồn vào cõi hư ảo.

Thế nhưng…

“Minh ơi, Minh!”

Bố cậu đã lay cậu dậy. Khuôn mặt ông có vẻ rất hớn hở. Và ông cũng chẳng giấu diếm gì mà nói thẳng luôn:

“Con cứ yên tâm mà ôn thi, bố vừa gọi cho mẹ rồi. Đại ý là nếu mẹ không thể lo được học phí đại học thì để bố lo, bố bao tất. Từ tiền tiêu vặt, tiền học chính khoá cho tới học mấy khóa bổ trợ, chỉ cần con thích là được.”

“Vậy sao…”, Minh nuốt nước bọt, “Nhưng mẹ vẫn còn giận con, phải không?”

“Cái đó thì đương nhiên, nhưng tin bố đi, rồi mẹ con cũng sẽ nguôi bớt thôi. Không người mẹ nào lại không muốn hy sinh lợi ích của mình cho con đâu.”

Ông bố tiếp tục an ủi. Nhưng chỉ cần những lời đó thôi là đã đủ để Minh vực dậy rồi. Cậu đứng dậy, miệng nở một nụ cười. Ấy vậy mà…

Cạch. Tiếng cửa khẽ phát ra. Từ trong đó, ông bà nội của Minh xuất hiện với một dáng vẻ mệt mỏi, cùng bộ đồ thể dục ướt đẫm mồ hôi. Không chút phòng bị, Minh đã vội chào họ ngay.

“A, ông bà mới đi đâu về thế?”

“Bà và ông vừa mới đi thể dục về, đang đau hết cả lưng đây này.”

Đoạn ông bà ngồi xuống bên chiếc ghế bành. Người bà quay sang nhìn Minh với ánh mắt vui vẻ, hỏi:

“Thế, hôm nay em bà sang có việc gì đấy?”

“Dạ, hôm nay cháu sang có chút chuyện muốn bàn với bố ạ.”

Minh cũng vui vẻ đáp lại. Song cậu không thể lường trước được chính bố mình lại làm một pha “bóp” cực mạnh.

“Chả là mẹ nó đang tức nên không muốn nó đi học đại học ấy mà mẹ. Con hứa với nó rằng sẽ chu cấp tiền học tập rồi.”

Ngay lập tức, ánh nhìn thân thiện chuyển sang hình viên đạn. Người bà khi nãy còn ân cần hỏi thăm Minh nay đã xồn xồn lên:

“Minh à, con phải nghe mẹ con chứ. Mặc dù ông bà biết con muốn học đại học, nhưng đó chẳng phải là điều hơi xa vời sao?”

Và Minh cũng đã cố giải thích.

“Bà à, điểm số của cháu hoàn toàn đủ để thi vào trường đó mà…”

Để rồi thất bại toàn tập.

“Nhưng bố con cũng phải lo cho vợ hai chứ? Thôi con ạ, về học hết cấp ba rồi kiếm cái việc đỡ đần cho mẹ đi, nghe bà chưa bao giờ là thừa đâu.”

Ông nội của Minh cũng nói thêm:

“Cháu đi làm là phù hợp nhất rồi. Cuộc sống không bon chen, bệnh tật từ đó cũng bớt đi.”

Những câu nói tương tự vậy cứ liên tục dội thẳng vào trái tim và khối óc non nớt của Minh. Đối với cậu, thế giới lại sụp đổ thêm một lần nữa rồi. Cậu chẳng thể nào điều khiển được cảm xúc của mình khi hai người cậu thương nhất lại phản bội mình. Rồi cậu chạy thẳng ra ban công mà khóc.

“Minh!”

Bố Minh cũng vội chạy theo thằng con mình. Khi nhìn con trai khóc đến khản cả tiếng, ông cũng không kìm lại được mà ôm chặt lấy cậu.

“Đừng buồn con ạ, ông bà cũng già cả rồi, nên đôi lúc phát ngôn như vậy là chuyện bình thường mà.”

“Vậy tại sao, tại sao họ lại không thể nhìn nhận con như một đứa cháu bình thường được chứ? Thậm chí cả mẹ con…”

Minh hỏi lại bố trong tiếng khóc nấc đầy thảm thương. Rồi cậu lại ngồi thụp xuống đất, trong lòng chất chứa biết bao câu hỏi và nỗi buồn.

“Thôi được rồi”, ông bố của Minh bất chợt nói, “Con có thể gọi hỏi thêm cả ông bà ngoại về chuyện này nữa. Dù không biết hai ông bà có thể giúp đỡ con thêm gì nữa không, nhưng bố chắc là cả hai người sẽ không từ chối việc cho con đi học đại học đâu.”

Phải, đó là cánh tay cuối cùng đỡ Minh dậy. Nhưng không biết sẽ ra sao nếu cả họ cũng từ chối nốt? Trong cơn run rẩy và yếu ớt, Minh, nước mắt lã chã gọi điện cho ông ngoại.

“Alô?”

Đầu dây bên kia đáp lại. Đó đúng là giọng của ông ngoại rồi, Minh thầm nghĩ. Một giọng nói trầm, chất chứa những kinh nghiệm trận mạc thời còn trẻ, song lại đầy sự an ủi. Không chút ngần ngại, Minh hỏi ngay:

“Ông à… Nếu mẹ cháu không đồng ý cho cháu học đại học, nhưng cháu thực sự muốn đi và hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện điều đó, ông sẽ làm gì?”

“Sao cháu lại hỏi thế?”

Đáp lại sự băn khoăn nhưng cũng vừa ngỡ ngàng của ông ngoại, Minh liền kể lại toàn bộ câu chuyện hồi sáng cho ông ấy nghe. Sau khi nghe hết, ông ngoại của cậu đã có phần bất ngờ, nhất là khi đứa cháu mình yêu quý đang trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời. Nhưng thứ khiến ông sốc nhất không phải những gì đã diễn ra, mà là suy nghĩ thực sự bên trong con gái mình. Ông chẳng thể tin được, ngày xưa dẫu có căng thẳng tới mức nào thì ông vẫn luôn ủng hộ đứa con ấy học đại học. Vậy mà bây giờ, chỉ vì vài phút vô tâm thôi mà nó lại sẵn sàng buông những lời cay nghiệt như vậy với con mình.

“Cháu đừng lo”, ông ngoại vừa sụt sịt vừa đáp, to đến mức Minh có thể cảm nhận được, “Ông bà sẽ đầu tư cho cháu học đại học, dù mẹ cháu có thế nào đi nữa. Nếu ông bà không đủ tiền thì bác cháu sẽ là người đóng học cho cháu. Chỉ cần cháu ngoan và sau này trở thành một người có ích là được.”

“Dạ…”

Minh như vừa cảm thấy mình được tái sinh. Mặc dù biết ông bà buồn, và cũng không mong muốn như vậy, nhưng cậu thực sự cảm thấy biết ơn họ. Đúng là không gì quý giá hơn tình cảm gia đình.

Sau khi nghe thằng con chào ông bà, ông bố đoán hẳn nó đã nhận được một cái kết có hậu. Ông liền hỏi Minh:

“Thế nào rồi? Ông bà vẫn cho tiền chứ?”

“Vâng”, Minh đáp với đôi mắt đã khô lệ.

“Bố biết ngay mà. Nhưng chuyện hôm nay với bà nội, con đừng để tâm nhé. Bố biết con rất muốn được đi học mà, nhưng phải cố gắng giữ gìn sức khoẻ nhé”, đoạn ông bố thở dài.

Minh dạ ran một tiếng thật to rồi lại cười phớ lớ. Mặc dù sự đảm bảo này không chắc chắn, song chỉ cần những lời động viên thôi đã là đủ khiến một tên tâm thần như cậu cảm thấy yên lòng hơn rồi.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận