Truyện sáng tác
Lần cuối
Số từ
4.188
Đánh giá
5,00 / 2
Lượt xem
3.008
Tóm tắt
“Cá Voi ở biển, thích nhất là ngao du, nhưng Cá Voi vẫn có nhà. Mỗi năm, chúng ta ra biển gấp thuyền giấy để đón Cá Voi về nhà.”
Xem thêm
-
10/02/2025
Xem thêm
32 Bình luận
Tôi muốn góp ý thêm một chút là về phần Bí Ngô và người mẹ vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp hoàn toàn sau cao trào của truyện. Như là Bí Ngô sau này có thể thực hiện được ước mơ học nhảy của mình không? Người mẹ có nhận ra những sai lầm của mình và thay đổi không? Và sau này khi làm mẹ, Bí Ngô có động viên những ước mơ của con mình hay sẽ áp đặt như người mẹ của cô từng làm?
Đây là vài dòng cảm nhận của tôi sau khi đọc hết truyện ngắn. Cảm ơn tác giả đã tạo nên tác phẩm.
Một lần nữa cảm ơn bạn thật nhiều đã ghé qua câu chuyện này <3
Lúc đầu là vì kinh ngạc: “Ủa, sao có người đọc kỹ tới vậy?”
Lần hai là vì xúc động: “Trời ơi, em hiểu từng tầng lớp ý nghĩa chị đã cố gắng lặng lẽ đan vào.”
Và lần ba trở đi… là vì biết ơn.
Cảm ơn em vì đã không chỉ đọc, mà còn đồng cảm và suy ngẫm cùng câu chuyện.
Không phải tác giả nào cũng có may mắn được gặp một độc giả như em – người không chỉ đi cùng nhân vật đến cuối cùng, mà còn đủ tinh tế để nhìn ra cả những nếp gấp cảm xúc giấu bên trong những chi tiết nhỏ nhất.
Thú thật, chị đã ngồi rất lâu sau khi đọc và loay hoay rất lâu để nghĩ cách phản hồi, vì một bài review quá chất lượng thì chị không thể phản hồi thiếu thận trọng được. Vì vậy, hơi mất thời gian phản hồi xíu, cho chị xin lỗi nha!
Tiện đây, chị cũng xin tâm sự một xíu:
Vĩ thanh thinh lặng được viết trong một giai đoạn chị cũng đã từng rất... im lặng. Chị không dám chắc nó là truyện ngắn hay nhất, nhưng chắc chắn, nó là truyện chị gửi gắm nhiều thở dài nhất.
Và em là người đã lắng nghe được tất cả những tiếng thở dài đó đến từng hơi một.
Một lần nữa, chị biết ơn vì bình luận của em. Không chỉ vì lời khen, mà vì cách em đã nhìn nhân vật như thể họ từng là một con người thực sự, không phải là chỉ là những con chữ vô tri trên giấy.
Chị cũng mong là ở giai đoạn này, nhất là lúc em vừa trải qua một trận chiến khốc liệt của “thi tốt nghiệp THPT”, mong là em sẽ giữ được sự an nhiên và mạnh mẽ đến tiếp tục bước đi. Đừng gồng ép quá nhiều, đây là lúc em đã được dừng lại để nghỉ ngơi, và vì thế, em hãy cứ để bản thân mình được thở. Chúc em có được một tương lai như mong đợi, dẫu kết quả thế nào, em hãy tin rằng mình đã thực sự cố gắng và xứng đáng để được yêu thương. 🌿
Với lại... Em nhận xét cũng sương sương thôi. Chủ yếu là em nói về nghệ thuật đánh lừa là chính (trong đó trích hết 1 nửa, làm cái trò này em thấy mình cảm giác câu kéo từ ớn). Còn mấy cái nhân vật thì em chỉ nói thoáng qua do giới hạn từ của comment. Với, lúc đó, cũng buồn ngủ, ngồi suy nghĩ ý 1 tiếng, riết viết trên trời dưới đất. Rồi chẳng hiểu mình viết gì. Thế là xóa bỏ :v. Nói chung, em cũng cảm ơn chị khi viết lời phản hồi tốt thế này... Vì lâu rồi, em viết nhận xét để phục vụ bản thân và cũng không trông mong ai đó cảm ơn. Nhớ dạo trước, mấy bác cũng có cảm ơn, nhưng mà cũng nhè nhẹ thôi. Do bé yap mấy chục, mấy trăm chap. Tới mức... người ta lười phản hồi.
Còn em mong chị sẽ tiếp tục viết nhé, đừng vì số lượng mà hãy vì chất lượng... Em chỉ đọc truyện chất lượng thôi. Thành thật là vậy... Chúc chị có thật nhiều sức khỏe.
Hay thật... Quá tài... Thật sự đọc tới chi tiết "Thì ra người anh trai đã đi từ lâu lắm rồi" thì tôi không thể ngờ tới luôn ấy. Làm sao tui có thể bị lừa thế này được?
Thế là tui liền lật lại cả câu chuyện đọc lại lần 2 để kiếm một cái lỗi logic trong mạch truyện nhằm chứng minh rằng truyện có vấn đề và tui không sai. Kết quả là chẳng có lỗi logic nào cả khiến tui thật sự tâm phục khẩu phục tác giả. Sẵn tiện, tui cũng muốn trích vài khúc được đưa ra để lừa độc giả như tui này:
[Từ khi chuyển sang nhà mới, tôi chẳng bao giờ đụng vào cây đàn này nữa, chỉ có Bí Ngô mới kiên nhẫn ngồi lau chùi như vậy. Cây đàn đặt ở phòng khách này bỗng nhiên cảm thấy lọt thỏm.]
["Bỏ đi, cũ lắm rồi, không còn mở được đâu." – Tôi uể oải vươn mình, chép miệng. Nếu như hồi trước tìm được thứ này tôi sẽ rất vui, nhưng bây giờ tự nhiên không còn hứng thú nữa.
Bí Ngô mặc kệ tôi, vẫn kiên nhẫn ngồi chỉnh, rồi đưa tay đập đập vào máy mấy cái. Cái máy chơi game ấy vậy mà vẫn khởi động được.]
[Bí Ngô đã không nói chuyện với ba mẹ trong suốt ba năm. Tôi cũng không nhớ rõ nó bắt đầu như vậy là vì chuyện gì. Nhưng trong ba năm liền, nếu không có việc gì quan trọng, nó nhất định sẽ không nói nửa lời với mẹ.]
[Lúc dọn cơm, Bí Ngô xới một chén cơm đầy để trước mặt tôi. Hôm nay ba mẹ đều ở nhà, hiếm hoi lắm cả nhà mới có một bữa đủ mặt.
Có mấy món tôi thích: bò xào củ hành, canh chua cá. Bí Ngô chỉ chậm chạp ăn, không nói gì.
Ba nhìn tôi nhíu mày, trách Bí Ngô bới nhiều cơm thế thật không vừa mắt. Tôi định xua tay bảo rằng không có sao đâu, liền bị con bé giật chén cơm lại, đem cơm ụp hết vào nồi.]
[Tôi đưa mắt hướng về khuôn mặt đã có dấu hiệu tuổi tác của mẹ, mẹ không ăn nữa, gác đũa để đó. Sau đó bà đi về phía bàn thờ, đốt một nén nhang, mùi nhang thơm dịu khiến chân mày của bà ấy cũng dãn ra một ít. Tôi đứng sau lưng mẹ, thực tình cũng muốn khuyên nhủ mẹ rằng hãy cho Bí Ngô tự do học những gì nó muốn. Mẹ bất giác nói với tôi:
"Mẹ không muốn Bí Ngô trở thành một người nhu nhược như con!"]
[Con bé dường như phát điên, nó mặc kệ bộ đồng phục trên người bị cấu xé và bầu má sưng húp, cứ cuống cuồng lục tìm trên bàn học. Nước mắt nó cứ tuôn ầng ậc. Tôi bối rối đứng sau lưng nó, hỏi:
"Em tìm gì vậy?"
Bí Ngô cứ lẩm bẩm:
"Đâu rồi? Nó đâu rồi?"]
[Bí Ngô sững người, đôi mắt ướt đẫm đỏ đục. Quyển nhật kí của con bé bị mẹ đốt mất rồi. Bí Ngô vẫn thường hay gửi thư cho tôi bằng quyển nhật kí đó. Đó là bí mật nhỏ mà anh em tôi tạo ra trong suốt mười mấy năm. Mỗi ngày, tôi sẽ viết một chút vào sổ, Bí Ngô sẽ viết tiếp vài dòng. Tuy bây giờ, tôi không còn viết nữa, nhưng Bí Ngô vẫn tiếp tục thói quen viết những lời nhắn gửi vào sổ nhật kí. Tất nhiên, tôi vẫn đọc chúng đều đặn.]
Đấy, quá khéo. Nhìn cách tác giả tinh tế chèn một số đoạn nhìn có vẻ khẳng định rằng "Tôi còn sống", nhưng thật sự nếu để ý thì đó không phải khẳng định mà là phủ định. Quá hay! Xem cái cách tác giả dùng ngôi 1 để dắt tui vào điểm mù trong khi bản thân không thể nhận ra cho tới khi gặp 1 câu chốt hạ [Tôi quên mất mình đã không còn sống nữa.] thì còn gì tức hơn chứ. Vừa tức, vừa cay, vừa đồng cảm, vừa thấm và vừa thấu cái ý nghĩ của câu chuyện do tác giả Xám vẽ nên.
Và đó là cái tui thích nhất trong "Vĩ thanh thinh lặng", nghệ thuật lừa độc giả. Không ngờ chỉ trong chưa tới 5 ngàn từ mà tác giả có thể làm tốt đến thế.
Tiếp tục xem qua một số điểm ấn tượng khác trong truyện bên cạnh cái nghệ thuật đánh lừa đó nào.
Ngôi kể của truyện thì là ngôi 1 với nhân vật chính là "Tôi", anh trai Như. Và ngôi 1 này đặc biệt hợp với phong cách tell thuần túy của bác Xám (đó là cảm nhận của tui sau khi đọc 2 truyện của bác Xám). Không những vậy, kết hợp với nghệ thuật ú òa như tui đã trình bày thì nó còn tuyệt hơn gấp bội. Vì ngôi 1 theo tui là 1 ngôi có thể đem tới cho độc giả những lát nội tâm và suy nghĩ dễ nhất và thấm nhất. Cũng nhờ cái tác dụng giúp độc giả dễ đắm chìm và đồng cảm với nhân vật chính nên thỉnh thoảng nếu nhân vật chính hiểu sai một điều gì đó thì độc giả cũng khó nhận ra là nhân vật chính sai. Điển hình "Tôi" ở đây đã luôn lầm tưởng rằng mình còn sống trong 3 năm và hành xử như mình còn sống. Và chúng ta biết không? Không. Quá khó. Đấy chính là một điểm mù cực lớn, nhưng khó ai nhận ra được cho tới khi "Sự thật được mở ra".
Về nhân vật thì tất nhiên là quá ổn rồi. Mỗi một nhân vật mang cho mình một cá tính, đồng thời đại diện cho một khía cạnh xã hội. Tui nghĩ chắc không có ai lạ mặt gì lớp phụ huynh "Tất cả chỉ vì tương lai của con thôi", đấy người mẹ trong truyện là thế đấy. Còn phía bên kia, chúng ta có "Tôi" và Bí Ngô đại diện cho những người con chiều ý cha mẹ, đặt đâu ngồi đó.
Nhân tiện, nói thêm, bản thân tui là một người không mê tín dị đoan. Nhưng chi tiết tâm linh "Hồn anh trai theo dõi gia đình" không hề làm tui khó chịu. Ngược lại, đó lại trở thành một điểm cộng lớn khiến câu chuyện trở nên độc đáo và thú vị hơn.
Thông điệp của truyện thì hẳn đã rõ ràng rồi. Qua lời kể của "Tôi", "Vĩ Thanh Thinh Lặng" đã chạm tới một trong các vấn đề cực kì nhức nhối của giáo dục và gia đình Việt Nam, "Cưỡng ép con cái học tập quá mức". Ai càng trong cuộc thì thông điệp câu chuyện gửi gắm càng thấm thía. Và tôi cũng không ngoài cuộc, tôi hiện tại cũng đang bị cha mình và... chính bản thân tôi cưỡng ép học hành, nhất là kỳ lớp 12 vừa rồi.