Sherry
powerofevil Peter Strnad; Đỗ N.Ba (Ẩmu đẹp chai)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 1

Chương 24-27

0 Bình luận - Độ dài: 10,631 từ - Cập nhật:

CHƯƠNG 24

Trên đường đi tới quãng trường cũ, hai tôi nép qua một bên, nhường đường cho cỗ xe ngựa phóng qua. Chị Zoe với tôi khép nép bên dưới tán cây. Tôi thấy bóng của mấy sợi đuôi tóc của tôi xù xù xen lẫn vào với bóng của mấy cọng lá.

Bóng cây không có lồng bóng mèo Orange. Bây giờ ngước lên thì chỉ có sự thiếu trống. Giống như đứng dưới cái chụp đèn mà không có bóng đèn vậy!

Đó là một chiếc xe thổ mộ sơn màu tuyết, do con bạch mã kéo. Xà ích cũng là một trong mấy người choàng bạch blu và trên thùng xe là các kiện gỗ nâu lủ khủ như các nô lệ ngồi khoanh chân. Kiện nào cũng có sơn biểu tượng con chim bồ câu xanh, cầm dao và nĩa và đeo khăn ăn trắng.

Các kiện hàng này là thịt đông, rau củ đông của hãng Dove (và sau này, có Sherry mùa đông ngồi trên đó nữa), từ dưới Eve chở lên.

Dove có trụ sở dưới Eve và có từ thời xe cộ còn chưa ra đời kìa! Thời đó, công ty Dove này nuôi bồ câu như là nuôi gà công nghiệp. Vừa nuôi, vừa tẩm bổ, vừa huấn luyện sao cho mình chỉ tay lên bản đồ thì nó bay tới chỗ đó luôn. Xong, bao giờ đến ngày giao hàng (cái ngày định mệnh) thì chúng bay một mạch đến nhà của khách hàng, đứng ngơ ngác ở đó, chờ chỉ thị kế theo không bao giờ tới. Khách ra nhận hàng thì họ tóm vào làm thịt luôn, và chúng cũng yên lòng bị tóm, dâng hiến làm thịt, kể như là tuẫn vì đạo.

Bố kể là thời cấp ba, có một giai đoạn, ngày nào bố cũng thấy một con chuột bạch biết bay bay ngang qua nhà mình. Trên lưng tụi nó đeo một cái cặp đen chứa những gói bột nêm, gia vị. Tụi nó con nào con nấy béo tốt, trắng phau, nhìn cưng hết sức, vừa cưng vừa thèm. Nhìn khác biệt với bồ câu hoang rõ.

– Chúng trông… phải gọi là… tròn trịa, lắm tiết! Con nào lắm tiết cũng hồng hào, ngọt thịt, ăn cũng ngon. – Ông nói với tôi như vậy đó.

Trên băng ghế trên công viên, tôi đang rắc vụn bánh xuống đường. Trong tầm mắt tôi, bồ câu lúc nhúc.

Ông còn kể là có một lần, ông thấy cái chuyện ngộ ngộ nhưng mà hay hay là có một con bồ câu hãng Dove, lưng còn đeo cặp, như là mới đi học ra, đứng kế một con bồ câu xám bụi đời. Tụi nó đứng trên máng xối nóc nhà kế bên. Hai đứa nó làm gì mà trông tình tứ lạ? Dù là bồ câu nhưng ve vãn thì vẫn toát ra cái chất trữ tình chớ. Nhìn lãng mạn ghê!

Ông có lẽ là người lãng mạn, nên nhìn gì cũng thấy lãng mạn ghê. 

Nhưng đến thời của tôi thì thị hiếu không còn chuộng thịt bồ câu nữa. Cho dù là con chim ngoan ngoãn thì tự tay mình giết nó cũng ớn, vặt lông cũng tốn thời gian. Doanh thu vơi dần. Bồ câu đình công. Bồ câu biểu tình. Chúng đậu trắng xoá quãng trường Tự Do, trên lưng còn cõng các cặp gia vị. Tháng tám năm đó, ai thuê phòng trên khách sạn Croquembouche (sáu lăm lầu) cũng bảo là thấy có tuyết rơi sớm. Tuyết từ trên cao bay là là xuống đáp dưới quãng trường, phủ thành một lớp dày, trắng muốt, như là tuyết tháng Giêng.

Sau cùng là hàng chục vụ kiện ngược đãi động vật leo thang làm ông sếp tổng (ông anh cả ba đời vợ rưỡi của gia tộc Dove – Jules Coutinho Dove) oải quá, ổng nhảy qua làm cái khác luôn.

Cái khác đó là cung ứng nguyên liệu thực phẩm. Mình đăng ký với Dove xong, theo định kỳ mỗi tuần một lần, họ giao cho mình thịt đông, rau củ, hoa quả đông lạnh. Không biết kinh nghiệm định hướng chim chóc có giúp ích gì không nhưng cái chiêu tủ của hãng Dove là họ giao hàng xa hơn các hãng khác, và phủ sóng toàn quốc. Giao ở đâu Dove cũng giao. Xa tít trên Lamb này còn giao, huống gì. Đó là vì ông sếp Jules Coutinho Dove đàn đúm xưa nay với mấy tay sếp cũng lang bạt, lăng nhăng lít nhít trong giới vận tải. Giờ đây các mối quen có dịp phát huy tác dụng.

Hình như cỗ xe kia lấy hàng từ ngoài ga chở vô. Tại vì hướng đó là hướng đi ra ga.

Quân tốt trắng cùng quân mã trắng cùng quân xe trắng kéo nhau phi ào ào trên đường, như là hùng hục lao vào chỗ thí.

Cỗ xe vụt qua trước mũi và cán qua mấy bóng của tôi, của chị Zoe và của cái cây. Khói tuyết từ trên thùng xe xả nghi ngút xuống mặt đường. Là đá khô chứ không gì khác! Vệt khói kéo dài xấp xỉ khúc ruột ngựa trải thẳng ra thì khói cũ nhất đã tan biến. Như là cỗ xe thiên đình chạy trên hai dải mây dài và thon – hai thanh đường ray làm bằng mây.

Cỗ xe phi tới bùng binh thì quẹo qua phải, mất tiêu sau ngôi nhà. Nhưng còn tiếng vó ngựa lóc cóc, lóc cóc xa xa.

Tiếng lóc cóc vặn nhỏ dần.

Hai tôi bước tiếp và mới chốc đã đến bùng binh rồi, chưa kịp nói với nhau gì hết. Chị Zoe hình như không còn thân thiện giống như ban nãy nữa. Có lẽ vì bây giờ tôi là Sherry khác rồi. Sherry đen, Sherry hắc ám. Ban nãy là Sherry đồng nghiệp thì bây giờ là Sherry khách.

Tôi thử tìm cách gợi chuyện cho chị Zoe. Nhưng gợi gì thì gợi, luôn có cách trả lời qua loa, cắt đuôi người hỏi mà muốn thì chị Zoe cứ giở ra thôi. Có cánh cửa nào đó đóng mất rồi! Có khi không bao giờ mở ra được nữa.

Tôi muốn biết kết cục các giấc chiêm bao ban nãy cơ. Nếu như có kết cục. Có kết cục không? Hay là chị Zoe thức dậy là xong, là hết, là tan biến, chớ tò mò?

Hình như chị cũng muốn nói nốt cái chuyện dang dở ban nãy (tôi nghĩ thế).

Giấc mơ muốn nói với ta điều gì? Nói với chị điều gì? Tôi làm gì có thẩm quyền cắt nghĩa, mà chỉ có chị mà thôi. Chỉ có chị là biết chúng muốn nói gì mà thôi. Chị mà không thèm cắt nghĩa thì làm sao mà tôi có quyền hiểu?

Giấc mê là thai nghén của các ác cảm tích tụ, nỗi phẫn uất lâu ngày. Là tiếng lòng mà bạn ôm khư khư khao khát được thoát ra ngoài. Nỗi phẫn uất càng lớn thì giấc mơ càng hung bạo, méo mó, và khiến cho ta khổ sở (cũng giống như một cái thai quá bự vậy). Nếu không chữa trị sớm và dứt điểm thì vào một đêm nào đó, tâm thức sẽ đánh bom ta bằng một cơn ác mộng đau điếng.

Hồi đó, có một lần tôi nghe giọng nữ ngọt ngào và êm ả nói vậy trên đài đó. Tông giọng cô nàng trong trẻo, trơn tru, uống đủ nước làm người nghe cũng thèm uống nước theo. Cô nàng giới thiệu mình là xướng ngôn viên của hãng thuốc ngừa thai Pinata.

Hãy hình dung cảm giác bí bách, khó chịu khi mang thai. Sinh con là khi cảm giác giam hãm đó nhân lên gấp hàng ngàn lần. Hãy cùng nhau hình dung là đêm qua, bạn có một giấc mơ. Nếu là một giấc mơ trong sáng, một giấc mơ xinh đẹp, một giấc mơ hoa, thì không phải sẽ vui gấp vạn lần nếu như giấc mơ ấy thành hiện thực? Và trái lại, nếu như trong cơn mê của bạn là một giấc mơ đáng sợ, một viễn cảnh đen tối, một nightmare, thì còn gì bất hạnh hơn là viễn cảnh ấy thành ra thực tế? Thay vì là món quà thì bạn cho ra đời một món nợ. Thay vì ngày lãnh lương thì ngày đó trở thành ngày đáo hạn. Thay vì một thiên thần thì bạn cho ra đời một địa ngục. Thay vì một đứa con trai thì bạn cho ra đời một đứa con gái.

Dĩ nhiên là nói xong câu đó thì hãng thuốc Pinata không bao giờ được phép xuất hiện nữa.

Nhưng cái lối suy nghĩ này phải được dung dưỡng từ lâu thì đến giai đoạn này, mới biến chứng thành các suy tư xấu xa đến nhường này.

Chúng hẳn phải xuất thân từ những thông điệp nhẹ nhàng và còn có nhân bản. Người nghe khoái chí, đồng tình. Phải có gì đó thuyết phục. Phải có gì đó nói trúng tâm tư của họ. Phải có gì gãi trúng tim đen của họ và làm cho họ muốn nghe nữa, nghe ngấu nghiến. Thế là, cũng giống như cục xí quách càng luộc thì phần thịt nó càng nhừ, càng rão, càng long ra và chỉ còn chừa lại phần xương; cái thông điệp đó từ từ tiến hóa thì càng lúc càng dị dạng, mất dần nhân tính – cái phần thịt ngọt ngào – nhưng càng vô đúng cái lõi, cái trọng tâm: bird's election.

Coi, chừng vô tới cái trọng tâm đó thì nó thành ra gớm ghiếc, thiết thực và gớm ghiếc. Còn nên thơ quái gì? Có bao nhiêu tiếng thì thào hoa bướm cũng khó lòng mà nuốt trôi cái khúc xương thực tế xấu xí. Phát âm càng rõ ràng thì càng thấy rằng đó là một ý nghĩ xấu xa gì đâu, thất đức gì đâu?

Thế là họ không dám nghĩ tới nó nữa. Họ không muốn ai biết là trước đây mình từng nghĩ tới nó. Chẳng thà tẩy chay cho xong. Chẳng thà nhắm mắt lại và nốc Pinata. Chẳng thà coi viên thuốc là một quyết định hiển nhiên đúng, còn hơn là moi móc cái lý do vì sao nó đúng.

Vì dù có là lý do nào đi chăng nữa, thì nội nghĩ tới nó thôi cũng đủ đau lòng rồi. Ai mà lập luận nổi khi mà mỗi ý, mỗi ý, ý nào ý nấy nêu ra cũng đính kèm theo cả mớ cảm xúc rối rắm, hung tợn? Lạ đời ở chỗ là dù đúng hay sai không cần biết, chỉ cần nghĩ tới thôi là đã đau đớn. Chỉ cần nêu lên thôi là tối sầm mặt. Còn chớ phải là sự kiểm duyệt của trái tim hay sao? Trái tim muốn mình làm theo ý nó nên nó không cho mình nghĩ, không cho mình thắc mắc. Chỉ cần đề cập tới thôi là nó kêu đám cảm xúc giang hồ tới đánh đập mình, ai cho mình nghĩ?

Thế nên chẳng thà đừng nghĩ tới nó nữa. Chẳng thà bỏ tù phù thủy cái bọn Pinata là xong. Còn hơn là thừa nhận là lũ phù thủy đó nói giùm tiếng lòng của mình. Nói xằng bậy! Tiếng lòng ai chớ có phải tiếng lòng tôi đâu?

Nhưng đêm hôm đó, đang lúc nghe lời thỏ thẻ say sưa và kín đáo của cô nàng, như là dịu dàng dắt tay dẫn lối tôi vào một cơn ác mộng, thì đứt nửa chừng do mẹ sai tôi ra ga đón bố. Đợt đó, đi mới mấy tháng ông đã về!

Hai tôi đi vào quãng trường rồi đi ra, không nói tiếng nào. Tưởng chừng như hai bánh xe song song, đồng nghiệp (bánh lớn bánh bé) của cùng một chiếc xe mà thôi. Lạnh lùng thế đó!

Lúc đi bên nhau chậm rì và tránh làm xáo động không khí như thế này, quãng trường bỗng trở nên thật lãng mạn cổ kính.

Những cái gì đã bất biến lâu ngày ắt sẽ toát ra mùi hương của lịch sử. Bất biến càng lâu, mùi hương càng nồng. Nó có thực là bất biến không? Tôi loay hoay tìm kiếm các dấu tích còn sót của sự sống, ngoại trừ chị Zoe. Cụ cây rộng lớn, đứng yên, như là trong một bức tượng. Cụ cây này là cụ cây trăm triệu tuổi. Ồ không, là hóa thạch trưng bày của cụ cây thời xửa thời xưa thì đúng hơn.

Có làn gió mới. Cụ cây liền chứng tỏ là cụ còn sống. Gió qua thì các cánh tay non nhất, còn xanh thắm, khẽ khàng ngoe nguẩy.

– Chị Zoe… này… – Tôi cũng ấp úng ngoe ngẩy cánh tay màu đỏ trong họng của mình.

Nghe tôi gọi, chị Zoe hớn hở quay qua ngay. Giống như là chờ người tình thức giấc, chờ nãy giờ, nên vừa nghe tiếng là lập tức quay qua.

Nhưng, chợt nghĩ gì đó, chị đổi ý không hớn hở nữa. Chị Zoe đằng hắng, chỉnh trang thái độ cho đúng, xong nói bằng giọng đạo mạo, làm bộ cứng rắn, như là giọng cô giáo nói với học trò:

– Sao hở em?

– Dạ dạ… không có gì. – Tôi cũng giở ra giọng cung kính, đóng vai là học trò nói với cô.

Vừa hó hé là tôi rụt vô ngay. Ừ thì như chìa khóa vặn lần đầu mà động cơ chưa lên mà thôi, có gì mà lạ? Tôi vẫn nghĩ là nhường chị Zoe mở khóa câu chuyện thì tự nhiên hơn. Hình như chị cũng muốn vậy. Vậy cũng được. Tính ra… vậy thì được hơn. Để mình mở khóa thì hay hơn.

Nếu không, chị đã không giở giọng đoan trang đâu. Chỉ là chị muốn xác nhận trước là Sherry áo đen này có muốn nghe tiếp câu chuyện lòng thòng, lòi ra ngoài như thú bông lòi gòn này hay là không. Coi coi Sherry áo đen với Sherry kimono nâu ban nãy có phải là cùng một Sherry hay không?

Dạng như… chị mở cho tôi nghe thử khúc mở của bản nhạc coi tôi nghe có hạp lỗ tai không, có mê không. Giữa chừng, chị tắt nhạc, hỏi tôi thấy sao để coi tôi có phản ứng gay gắt muốn nghe tiếp không? hay là tôi nghe không thấy thích? hay là tôi thấy chán nhưng vẫn nghe lấy lệ, sau đó có khi là khen lấy lòng?

Thay vì hỏi thì cái phản ứng ngay tức thì của tôi là phép thử chính xác hơn. Bây giờ chị Zoe cũng làm vậy mà thôi. Kể lưng chừng thì chị vờ như bị cuống vô công việc, vô chuyện bên lề, hay là chuyển cảnh qua cảnh khác, thay trang phục… luôn luôn có cách ngắt mạch cảm hứng. Không còn cách nào xác nhận chân thật hơn là chờ coi mất hứng rồi thì tôi có tìm cách khơi lại hay không? có còn vòi vĩnh nghe tiếp hay là không?

Thế là tôi đã gởi cho chị cái lời xác nhận rõ ràng của mình rồi đó. Hết lượt tôi rồi, tới lượt chị!

CHƯƠNG 25

Đối diện với căn nhà lầu màu ngọc trai trong bùng binh, đại lộ Paul Gauguin thè ra như cái lưỡi. Cuối đường là ngọn núi lớn, mặt trời.

Vì trời còn xanh, sơn hãy còn trắng.

Nhưng các ô cửa kính trên cùng đã ửng cam.

Căn nhà lầu màu trắng duy nhất trong bùng binh này hóa ra có góc thưởng ngoạn hoàng hôn thượng hạng. Nghĩ tới cảnh mấy người đeo kính râm, người ngợm cam lè, tựa vào ban công ngắm ánh tà dương buông xuống núi Benjamin chậm như rùa, tôi thấy cũng hay hay.

Ông trời có thể thấy là đỏ lắm rồi, muốn tan ca lắm rồi, nhưng bầu trời hãy còn xanh màu hành chánh.

Paul Gauguin Av. – hai tôi đi ngang qua tấm biển đề Paul Gauguin Av. Paul Gauguin Av. con lộ mập và lùn. Paul Gauguin Av. – cỗ xe trắng rẽ vô ban nãy và rời quãng trường, chị Zoe dẫn tôi vào Paul Gauguin Av.

Đại lộ Paul Gauguin dù ngắn, nhưng nó đủ dài để từ các lầu trên căn nhà nhìn xuống cuối đường thì thấy vỉa hè hai bên chụm lại thành hình tam giác. Và ở cuối đường, ngọn núi Benjamin dù to, nhưng đủ nhỏ để làm thành một hình tam giác khác, kích cỡ xấp xỉ hình tam giác đoạn đường.

Đứng trên ban công xoàng xĩnh, người ta “cụp” một phô lấy liền và, rút ảnh ra, giơ lên cao, đưa ra xa, nheo mắt, khớp bức ảnh với khung cảnh, xoay ngang, thì tam giác này chồng lên tam giác kia nhìn hao hao biểu tượng fast – forward.

Cảnh hai tôi bách bộ qua Paul Gauguin Av. làm như cũng bị tua nhanh.

Hai tôi hối hả đi ngay về phía mặt trời. Hai tôi lẹ làng đi nhanh qua không gian huy hoàng, chim hót, ve hót, tiền hoàng hôn.

Màu sơn hai bên đường mới tươi thắm làm sao, như là mùa xuân.

Vin vào mấy tòa nhà vẽ màu tươi tắn, đầu óc tôi thành ra phấn khởi, tươi tắn lây.

Trái lại, thứ màu pop này làm cho chị Zoe khá là khó chịu. Chị di chuyển gấp gáp hơn, như là người ta tức giận bỏ đi. Thế là tôi phải sánh bước nhanh theo, tức giận theo.

Hai tôi đi xoạc qua đoạn đường như là đi xoạc qua tuổi trẻ.

Phải đi cho gấp qua đại lộ tươi đẹp như này kể cả cũng tiếc! Quay qua quay lại đã hết một phần ba đoạn đường. Đường cũng dễ đi. Không giống mấy con phố, con đường lát đá gồ ghề đậm chất Lamb, đại lộ này tráng nhựa thẳng băng, như là sân bay. Thích bay thì bay, ai cản?

Trời, tôi bỏ quên tấm ván trượt ở lữ quán rồi!

Không sao, có gì thì sang lấy sau...

Đại lộ Paul Gauguin trồng hai hàng cây bên đường, trồng trong sân nhà người ta.

Hình như ngày xưa, dãy cây xanh trồng trước rồi dãy nhà mới mọc lên sau. Sau cùng, họ xây sân thâu tóm luôn cây xanh trước nhà.

Mặt trời hơi chếch về bên phải tim đường. Do đó mà bóng dãy cây xanh bên tay trái với bóng cây xanh bên tay phải không đối xứng với nhau. Dãy cây xanh bên tay phải chiếu bóng lên các bức tường sơn các màu tươi thắm, các màu hoa: mỗi cái bóng ôm lấy tường nhà hàng xóm kế bên. Trong khi đó, dãy cây bên tay trái thì in bóng của chúng xuống lòng đường, như là đuôi váy.

Tôi chỉ còn biết nhìn chiếu lệ phong cảnh hai bên đường, không có cơ hội nhìn sâu.

Bỗng khóe mắt tôi thấy gì đó nhộn nhịp trong căn nhà ven lộ. Cái gì vậy ta? Tôi đánh động cho chị Zoe là ngưng lại ngay, thắng lại ngay, tốp lại ngay, (vẫn không ngưng sao?)

– Có house party!

Nghe thấy chữ house party là người chị Zoe đông cứng. Chị ngớ người, xong hoảng hốt xoay qua nhìn tôi như là muốn hỏi: đâu? ở đâu?

Cho dù là hoảng hốt thì chị vẫn ráng giữ ý giữ tứ. Chị ráng xoay làm sao cho nó từ từ thôi, cho nó thản nhiên, duyên dáng. Chân trái muốn chạy ào lại coi thử, nhưng chân phải thì không. Đã thế hai tay còn cầm tay lái chiếc xe mền gối. Đùm đề như thế nên rốt cục, chị xoay người làm sao mà chân trái tréo qua bên kia chân phải.

Tôi chưa chỉ ngay house party ở đâu.

Chị Zoe cắn môi, liếc qua liếc lại kiếm. Là bản năng săn tiệc còn sót lại? Có lẽ là chị không ngờ ở cổ trấn già cỗi này mà cũng có tiệc tùng kiểu này.

Thấy gì đâu?

Tôi chỉ vô phía ngôi nhà màu đen hư hỏng phía bên tay mặt.

Vừa ngó qua ngôi nhà, chị nhếch mép cười:

– Nhà đó mà có house party mới sợ! – Chị phán và tháo tréo chân, mất hứng coi.

– Có mà chị! Có mà chị!

Vừa nài nỉ, tôi vừa nắm tay vịn của cái xe lăn và kéo kéo, mời mọc chiếc xe đi theo tôi qua phía này coi có cái này hay nè, gián tiếp kéo tay chị Zoe theo.

Ba chị em chúng tôi đến gần ô cửa kính, thò ánh mắt vô bên trong phòng khách.

Bong bóng bay rợp phòng. Chúng bay lơ lửng trong phòng khách giống như đàn cá nhìn qua lớp kính thủy cung. Và một cái bánh kem bất động trên bàn giống như là rặng san hô.

Ngoài bong bóng, kem bánh, làm gì có ai?

Chị Zoe sặc ra một nụ cười. Xong chị quay qua nói tôi, nụ cười còn trên khóe môi:

House party? Em thực là biết cách chọc chị ghê!

– Trong đó có gì vậy chị? Có tiệc hở chị? – Tôi làm bộ hỏi ngây ngô.

Trên bánh kem có các que đèn cầy xếp thành dòng chữ “Happy Birthday”.

– Đó là một bữa tiệc sinh nhật tự kỷ. – Chị nói, giọng vô tình.

Tôi bắt gặp nét mặt chị thoáng đanh lại và trưng ra các đường nét sắc lẹm, cáo già, cái nhếch mép cười hả dạ. Hả dạ?

Nhưng ngay khi tôi bắt gặp và sắp sửa đoán mò thì nụ cười ấy tan vỡ ngay lập tức. Nụ cười diễn ra trong quãng thời gian ngắn đến độ nếu như lúc đó chớp mắt thì tôi đã lỡ luôn, không thấy được. Tôi bắt quả tang nét mặt đó trong gương. Và chị cũng bắt quả tang nét mặt mình trong gương. Không muốn làm lộ cái nhân cách khác bí hiểm cho ai thấy, cho tôi thấy, nên nhác thấy ánh mắt mình hơi đanh, môi mình có hơi mím, nét mày hơi cau là chị tức khắc bôi đi, nuốt cái ý nghĩ độc địa trở vào trong, và nét mặt thư giãn ra tắp lự.

Nhưng tôi đã kịp thấy. Sherry đã nhanh nhảu liếc thấy. Thế là lộ tẩy!

Chị cũng thấy là tôi thấy. Trong phòng khách, mấy quả bóng cũng thấy là tụi tôi thấy. Ai cũng thấy, chắc chỉ trừ hai quả bóng xanh dương và vàng. Chúng âu yếm bên nhau, dính sát vô nhau và hôn nhau chùn chụt. À, chắc trừ quả bóng màu nâu nữa. Nó đang say xỉn hay sao mà nằm dài trên ghế xô pha. Quả bóng đỏ… cũng ve vãn quanh cái bánh kem. Đó là bữa tiệc bong bóng. Mỗi cái bong bóng có một áp phe riêng. Hơi đâu quan tâm hai tôi thấy gì và nghĩ gì?

– Đó là nhà của một cụ bà. – Chị Zoe ngó chéo qua tôi, nở nụ cười khả ái bán hàng. – Cụ bà theo chị biết thì không có con cháu nào cả. Nên không biết là tiệc của ai?

Không biết là tiệc của ai? Giải thích thêm là không có con cháu nào cả, hình như chị ám chỉ là tự thân bà cụ không có khả năng thết tiệc cho bản thân. Quá già không còn sức thết tiệc? Hay già quá, ăn tiệc có còn ngon lành gì đâu? Có khi, ý chị là bà ta thật buồn khổ vì không có con cháu, đến nước phải tự thết tiệc sinh nhật ăn một mình. Về già mà không có con cháu thì buổn khổ như thế đó!

Đại loại là có điểm nào đó bóng gió chỉ ra cái tính cách bất hạnh của bữa tiệc này, làm cho chị hả dạ mà tôi không hay biết.

Thôi thì chị không muốn tôi biết thì cũng không cần biết.

Chị nghía vô lần nữa và, má phải ửng lên (vì tôi đứng bên phải của chị nên thấy chỉ được má phải, không biết má kia có ửng không?), chị mỉm cười cái nữa. Coi, khung cảnh bên trong phòng khác có khác gì ban nãy đâu? Nhưng nụ cười này thì khác nụ cười ban nãy. Hồn nhiên hơn, thảnh thơi hơn, và không còn mảy may chút nào tính cách hả dạ. Chị tự thưởng cho bản thân một nụ cười thảnh thơi hơn là nụ cười ban nãy. Gò má có hơi nhô lên, nhô khẽ thôi, nhưng nhô hơn ban nãy. Và gò má cũng có hơi ửng hồng, ửng nhạt thôi, nhưng ửng hơn ban nãy. Một nụ cười nồng ấm, lóe lên. Lóe lên! Nụ cười có tính chất lóe lên! Nụ cười chậm rãi lóe lên, nở ra trong thoáng chốc, rồi tàn lụi cấp kì. Hệt như các giai đoạn nổ, xòe, và lụi của một bông pháo hoa.

– Thật là dị hợm, phải không em? – Đó là lời thẩm định chót. Không thèm nhìn vô trong nữa, chị dán cái lời đánh giá lên bữa tiệc này là nó thật dị hợm, uncool.

Ai chứ tôi lỡ thấy thì không sao. Ai chứ Sherry thấy thì không sao! Tôi sực nghĩ nụ cười thứ hai của chị ý là vậy đó.

– Quả là dị hợm! – Tôi cợt nhả đáp.

Lòng tôi có hơi se lại: ái ngại vì nói người ta dị hợm.

Bình thường thì không giống tôi chút nào! Nhưng ngay lúc này thì đó mới là giống tôi: tôi đã lập luận và nghĩ là tôi hiểu chị nghĩ gì.

Bởi vì mình coi mình là bình thường, và coi người khác mình là dị hợm, khác thường, nên cái bữa tiệc tự kỷ này thật khác hai tôi, cho nên thật dị hợm.

Chắc chắn là chị không nghĩ như vậy và chắc chắn là hành vi ăn sinh nhật một mình, dù là ăn một cách chính thức hay ăn lén lút, ăn vụn, ăn trước ngày sinh nhật cho nó không chính thống, cái hành vi tự kỷ này không giống chị Zoe chút nào, nhưng lại không thể nói là không giống tôi.

Nhưng nếu như ai hỏi, thay vì nói là tôi không có sinh nhật, tôi sẽ bảo là tôi dành thời gian sinh nhật bên gia đình (mẹ). Và những dịp đó (có hai dịp thôi chứ mấy?), bà ưa dẫn tôi tới mấy chỗ kỳ cục, mấy chỗ thật màu mè, thật phung phí, thật lắm người khiêu vũ, mà nhốt tôi trong đó, phó mặc hết vào khả năng sinh tồn xã hội của tôi.

Vì lẽ đó mà, chỉ trong hai dịp đó, tôi cũng như chị. Chị với tôi thật đồng điệu, thật giống nhau, thật hiểu nhau biết mấy!

Chị để cho tôi lén xê lại gần chị thêm một cái khép chân.

CHƯƠNG 26

Trừ quả bong bóng nâu nằm ngủ trên ghế xô pha bọc nhung thì mấy quả khác không bao giờ yên thân. Chúng cứ phấp phổng, phấp phổng bay, màu sắc thật xoàng và lóng lánh kim tuyến.

Kim tuyến bên trong ruột nên khi chúng bay bay thì kim tuyến cũng lơ lơ lửng lửng theo.

Không khí bên trong phòng khách xáo động và nhìn bong bóng vần bong bóng trong phòng cũng vui vui. Nhưng lạ nhỉ, tôi đưa mắt tìm miết không thấy cây quạt gió nào?

– Em tìm cây quạt sao? – Chị Zoe chĩa ngón tay lên. – Trên trần nhà á.

Ừ nhỉ, có một cái tua bin trên trần nhà. Nhìn cũng giống máy chém. Trong phòng đó là một nền dân chủ bong bóng sợ sệt, với cái máy chém to lớn trên đầu.

Thấy lúc tìm coi cây quạt ở đâu, tôi không thèm ngước lên, chị tung cho tôi một câu hỏi cùng với vẻ mặt chực khen:

– Trên chỗ em không có cây quạt trần? Thấy em loay hoay tìm cây quạt đứng mà không ngước lên trên tìm cây quạt trần.

Lúc này thì tai tôi mới lọc ra được tiếng vo vo quạt trần quay khỏi tiếng gió ro ro ngoài trời, và mấy tiếng ve gáy o o nữa. Tiếng nhỏ xíu thôi, từ bên trong thoát qua mấy lỗ thông hơi trên tường, khắc hình chiếc bông – vừa nhìn như chiếc bông, vừa nhìn giống cánh quạt. Từ phòng khách, có bốn lỗ như thế thông hơi ra ngoài. 

Câu hỏi yes no mà hiển nhiên câu trả lời là no. Vì tôi không ngước lên tìm cây quạt trần nên đoán ra ngay là trong môi trường sống của tôi không có cây quạt trần, có gì mà phải đoán?

Thực chất câu hỏi của chị đính kèm theo câu hỏi la séc bên dưới là có phải em sống trong cái cuộc đời chưa bao giờ tiếp xúc với cây quạt trần?

Cái cuộc đời thế nào mà chưa bao giờ tiếp xúc với cây quạt trần?

Coi, dù là ở nhà hay trong không gian công cộng như là trường lớp, nhà thờ, quán cà phê… nhất định đã đến một chỗ nào công cộng tới mức lũ chính trị gia keo kiệt không cấp ngân sách cho lắp điều hòa cơ chứ. Em chưa bao giờ đến mấy chỗ như vậy sao? Em là tuýp tiểu thơ chưa bao giờ đến mấy chỗ như vậy sao?

Chị sẽ còn gián tiếp hỏi cung dài dài tới chừng tôi khai hết coi tôi cũng thuộc dạng cành vàng lá ngọc hay gì?

Trên thiên đàng làm gì có trần nhà?

Bỗng dưng ý nghĩ kỳ khôi nhưng mà quả quyết đó lóe lên trong trí của tôi. Tôi cất nó ngay tức khắc vào trong túi (khi khác sẽ móc ra coi sau) và lựa lời khác mà đáp:

 – Trên chỗ em thì không. Chỗ treo cây quạt trên trần thì nhà em treo cái chùm đèn. Trong trường, họ toàn dùng quạt đứng. Còn trong nhà thờ thì họ chơi sang, họ bật máy lạnh luôn.

Trong cái sở thú mà con khỉ Sherry sống không có cây quạt trần? Đó là chuyện chớ có gì ngạc nhiên, phi lý. Vườn thú là cái chuồng oi bức tột độ vào mùa hè, một lý do. Chuồng khỉ Sherry tất nhiên là được gắn máy lạnh sung sướng, những không phải bởi vì Sherry là con khỉ quý, mà bởi vì Sherry là con khỉ mang trái tim băng giá, hai lý do. Không giữ lạnh thì tan ra mà chết mất!

– Đèn chùm sao? Woah, nhà em treo chùm đèn? – Giọng chị Zoe vút lên, phô ra vẻ ngạc nhiên nữ tính.

Dù là giọng ngạc nhiên, nhưng cái câu đó lại phát ra từ miệng chị rành rọt và dứt khoát, không một chút ngạc nhiên – như một nhát chém – chứng tỏ là đã được sắp đặt sẵn.

Có khi không chỉ từ hai, ba câu trước mà từ sáng giờ tiếp xúc, chị đã hình thành bộ câu hỏi hoàn chỉnh. Và tất nhiên là sửa soạn luôn chiều hướng phản ứng nhanh cho từng câu hỏi luôn. Coi tôi đáp gì thì “thay số” vào thôi. Tức là, nếu không phải đèn chùm mà là treo bất cứ cái gì khác (tôi không nghĩ còn cái gì khác treo trên trần nhà nữa,) hay đơn giản là không, nhà em không có xài quạt, thì chị cũng oh, woah tương tự mà thôi.

Tôi có thuộc tầng lớp trên? Ý chị như vậy đó. Chỉ cần chưa bao giờ nếm mùi cây quạt trần (tôi đoán là mùi mốc từ trên rơi xuống) thì tức là tôi là tầng lớp trên chứ gì? Mà tôi không ngước lên kiếm cây quạt thì tức là tôi chưa từng nếm mùi cây quạt trần, chứ còn sao nữa? Có gì ngạc nhiên?

Tôi không phải là cây quạt trần, cho nên tôi không có phải là tầng lớp trên. Cho nên tôi đáp:

– Nó cùng một loài với quạt trần. Nó tiến hóa từ cây quạt trần đó chị. – Tôi lựa giọng điềm đạm và khoa học mà đáp. Tầng lớp trên là một khái niệm không có trong chế độ ăn của tôi.

– Hở? Sao? Cùng một loài sao? – Chị ngẩn tò te, như là cây quạt trần quên cách xoay.

Xong, hình như đầu óc quay quay được chút đỉnh, chị hỏi cái điều mà lẽ bình thường không ai hỏi:

– Mình trồng cây quạt lớn lên thành chùm đèn được?

– Được mà chị! Miễn là nó không quay.

Cái ý tưởng đó từ từ thấm vô đầu chị Zoe. Dần dần, chị thấy hình như cũng có lý. Nhưng càng thấy nó có lý thì tự dưng, chị Zoe càng thấy bực và sinh ghen:

– Sao được hay vậy? – Chị hỏi hấp tấp.

Như rằng tôi biết giải một bài toán mà chị không biết biết giải và chị ghen, chị tra hỏi tôi cách giải. Không, không! Gì chứ bài này mình nhất định phải biết cách giải!

– Đó là một lời nguyền.

– Lời nguyền? Sao nữa?

– Bố em nói là quạt trần với đèn chùm là cùng một loài. Cây quạt trần là tổ tiên của cây đèn chùm. Nếu như chọn đúng giống và nuôi đúng cách thì sau khi lớn nó sẽ phát triển thành cây đèn chùm. Các cánh quạt sẽ cuộn tròn theo bề ngang, cong vút thành các tay đèn. Và sẽ mọc ra thêm các tay con, các ngọn nhọn hoắc. Bát treo có cái móc tròn. Cái móc đó sẽ nhân lên thành các mắt xích, thành sợi xích, và thõng xuống.

– Uhm… Nghe cũng có lý.

Chị vừa lắng nghe đôi mắt vừa chớp chớp, báo hiệu là não đang hoạt động với công suất cao.

– Uhm… thế thì hồi còn bé… nó cũng nhỏ, cỡ cái chong chóng thôi, có phải không? – Chị nêu thắc mắc, giọng cũng vô tính và khoa học như tôi.

– De! Lúc mới đầu nó to cỡ cái chong chóng tre thôi. Vậy mà càng ngày nó càng trổ mã to ghê gớm.

– Xong từ từ nó phát tướng lên, giống cách cây chuối phát tướng vậy đó hả? Cây chuối sắt mọc trên trần nhà?

Lần này chị hỏi bằng giọng gần gũi hơn, đời hơn. Cái giọng mà nghe là tôi hiểu ngay là chị đã hiểu, đã hình dung ra, và bắt đầu thấy tò mò.

Tôi ngập ngừng một nhịp, vì còn phải nhớ lại coi cây chuối nó phát tướng ra làm sao. Xong tôi đáp:

– Phải đó chị! Nó phát triển từ trên trần nhà xuống giống cây chuối mọc ngược. Xong thì dây đèn dài ra và thòng xuống.

– Cơ mà, làm sao “bón phân” cho nó hở em?

– Không có “bón phân.” Mình truyền dưỡng chất bằng cách khác. Mấy cọng dây điện thay vì lõi bằng đồng thì mình lòn cọng dây gồm các cọng kẽm, cọng đồng thau, cọng vàng… bện vô nhau. Nó hút từ từ vô.

– Ừ nhỉ... Ờ ha!

Chị cố nghĩ thêm câu hỏi, và cũng có mấy lúc câu hỏi đã bò ra tới đầu lưỡi, sắp bật thành tiếng, nhưng chị tự trả lời được luôn trong đầu, khỏi hỏi nữa.

Cuối cùng, thấy không còn sót chi tiết nào nữa, chị đành khen:

– Ngộ ha? Nhưng mà hay tuyệt cú mèo. Đó giờ chị mới biết luôn đó.

Nói câu này xong thì đôi mắt chị Zoe mềm nhũn ra, sáng ngời lên và tôi thấy chị giống con nít tò mò. Chị có thực sự hứng thú với cái chuyện nuôi chùm đèn này không? Có người thực sự hứng thú với chuyện nuôi chùm đèn hả?

– Chị thấy hay? – Tôi hỏi cộc lốc và mãi tới bây giờ mới có câu mà tôi hỏi cộc lốc. Ý là chớ lịch sự, hãy trả lời!

– Hay mà Sherry! Nè nha, em không biết chứ chị thích nghe mấy chuyện nghe như truyền thuyết kiểu này lắm!

– Thật mà chị, có phải truyền thuyết đâu! – Tôi phồng má.

– Không không, ý chị là cảm giác nó như là truyền thuyết vậy. Nó mang màu sắc truyền thuyết. Chuyện thật mà như truyền thuyết không bằng. Và chị thích nghe truyền thuyết. Chứ không phải chị bảo là nói dóc. Em hiểu ý chị chớ? – Chị Zoe thanh minh.

Chị cười, hết cười, xong cười tiếp. Làm như có gì đó vui vẻ trong lòng nên chị hí hửng cười miết. Gò má chị cũng ửng đỏ miết không phai. Tưởng đâu dị ứng không bằng!

Nói xong, chị không nói gì nữa và, không vì lý do nào cả, cười. Chị xin lỗi tôi là chị cười nhiều quá. Chị nhìn tôi bằng ánh mắt nồng hậu, khác với ban nãy.

Không nói gì nhưng cũng đủ cảm thấy bản đánh giá tốt mà chị giấu diếm từ khi gặp tôi tới giờ. Và nhất là từ lúc đi từ trong lữ quán ra. Chính vì giấu nhẹm nên chị mới tỏ khó chịu, lạnh lùng. Chị phải nhịn không được phán thiếu dữ kiện, phán ẩu. Thành thử bây giờ lời phán chân thành mới lòi ra.

Lời phán đó là một lời khen. Hóa ra tôi cũng sành điệu như là chị lúc trước. Hóa ra cuộc đời tôi cũng bảnh như là cuộc đời thượng lưu của chị lúc đó. Tôi cũng đủ tiêu chuẩn nhập hội (tôi tưởng tượng ra cảnh chị gật gù công nhận). Không, tôi chắc chắn là chị muốn tôi nhập hội lắm rồi! Chị muốn đánh giá tôi lắm. Chị muốn mau mau dán cho tôi cái nhãn tuyệt hay tệ, rồi khen hay không khen tùy theo kết quả, kết nạp hay thêm vào danh sách đen tùy theo kết quả. Nhưng vì từ sáng đến giờ tôi không cho chị cơ sở nào mà đánh giá cả, dù tốt hay tệ. Nếu là tệ thì chị không chê, chị khỏi đánh giá luôn. Nhưng nếu tuyệt thì chị sẽ khen. Chị muốn khen! Khen người ta làm chị vui, miễn là người ta đạt chuẩn khen cái đã.

Thì ra là trưa giờ, nàng tiên Zoe ngứa ngáy muốn trao cho tôi cái huy chương mang chữ cool nhưng tôi chưa cho nàng lý do nào thích đáng mà trao cả!

Đoạn, chị quẹt phải một ngón tay qua má tôi, kiểu như quẹt ngang một miếng bánh kem, ăn vụn. Và có hơi thất vọng là trên đó không có tí kem nào cả. Nhưng chị vẫn tặng cho tôi một lời khen ngâm trong lòng từ nãy tới giờ:

– Nhà em tuyệt vời thiệt ha!

Thật là bất nhã, tôi chả cảm ơn tí nào. Nhưng hóa ra, đối với chị Zoe thì làm vậy mới là đúng ý. Đừng cảm ơn gì hết mới phải, mới vừa lòng chị.

Bởi vậy, khi đó thì tôi không còn đoán được chị nghĩ gì nữa. Tôi nghĩ là theo trình tự thì người khác khen thì tôi nên cảm ơn. Nhưng tôi không muốn nhận lời khen, nên cũng không muốn cảm ơn. Như vậy có hơi bất nhã. Cảm giác như người ta gửi quà mà mình không chìa tay ra đón.

Tôi thấy thay vì cảm ơn thì quăng câu hỏi mới qua cho chị thì hơn:

– Sao chị biết là em tìm cây quạt? Chị cũng như em có phải không? Chị nói thiệt đi.

Mặt chị Zoe ửng đỏ lên và chị tủm tỉm cười.

Càng lúc, tôi thấy gương mặt của chị càng thân ái, càng đáng yêu. Rất khác ban nãy, rất gần gũi, hồn nhiên hơn. Say sưa hơn. Má cứ hây hây đỏ ửng. Như là say rượu? Như là... hít bóng cười? Chờ đã?

– Sherry à, chị cũng sống như em vậy thôi! Hồi xuống đây, thấy cây quạt trần chị ngỡ là đời xưa không đó. Mà sống riết quen thì chị thấy chúng dễ chịu hơn điều hòa nhiều.

– Hì hì, em cũng vậy. Em cũng chẳng ưa gì máy lạnh.

Kết cục là hai tôi như nhau hơn là hai tôi nghĩ. Chị cũng như tôi, hay tôi cũng như chị, hay là trong kia, quả bong bóng màu vàng cũng như quả bong bóng màu xanh. Hai tôi là cùng một loài (hiển nhiên…) Như là cái đèn chùm là cùng một loài với cây quạt trần. Tôi là cây quạt trần. Mẹ là cái đèn chùm nhưng sinh ra tôi là cây quạt trần. Bố cũng cùng một loài, là cây mỏ neo.

Càng nói càng thấy quá ư là lẩn quẩn, lần quần, nhàm, nhảm.

Tôi thấy hứng thú là từ giờ tôi đã mở khóa nhiều kiểu cười của chị Zoe hơn.

CHƯƠNG 27

Bất thình lình, quả bóng màu đỏ (thấy chị cuối cùng cũng thành thật với tôi thì nó cũng mừng quá) nổ cái bụp, làm hai tôi hú vía.

Hai tôi đồng loạt quay ngoắt nhìn vô trong phòng, tìm xác cái bóng. Xong quay ra nhìn nhau, phì cười:

– Có ai chọc gì nó không? Tự dưng nó nổ banh xác. – Chị Zoe đưa tay lên che miệng và chị cất tiếng nói trong tiếng cười.

Trong tiếng cười hòa tan trong tiếng nói, như là cà phê Americano hòa trong nước lã, có pha vào có chút Sherry:

– Chắc là em. Em trù nãy giờ cho nó nổ. Chắc là em trù nó hơi quá!

– Em nên trù cặp vàng, xanh đằng kia kìa. – Chị trỏ vào cặp bong bóng dính xáp nhau nãy giờ.

Bỗng nhiên có tiếng giậm chân từ gian nhà sau lồng lộn xông lên.

Hai tôi núp sau hai bụi cây hình trụ, cao chừng học sinh cấp hai, gần lên cấp ba, dán mắt vào khung cửa dẫn vô hành lang trong nhà và chờ đợi một sự xuất hiện giận dữ.

Mụ phù thủy cầm con dao phay Nhật xuất hiện trong khung cửa. Toàn thân bà trùm trong chiếc đầm màu vàng chanh, tướng nhìn giống quả chuông. Lối chạy lúc lắc, lúc lắc, nhìn càng giống quả chuông.

Một thoáng sợ hãi đắng nghét tiết ra trong bụng tôi và tôi bất giác mỉm cười.

Ra tới phòng khách, thấy mất quả bóng đỏ, bà gào lên:

– Ai? Ai? Ai trộm quả bóng đỏ của ta? Sao mày dám?

– Làm gì có ai thèm trộm bóng của bà? – Tôi nghe thấy tiếng chị Zoe nói một mình, lí nhí.

Chợt bà thấy xác nó mắc trên cây đèn cầy chữ “t” trong từ Birthday và nhận ra là làm gì có ai làm? Nó tự vỡ đó chớ! Kia kìa. Nó “tèo” rồi!

Gương mặt lấm tấm đồi mồi của bà càng giận tím lên:

– Sao mày dám? Sao mày dám?

Không những nó “tèo” mà nó còn “tèo” trên cái bánh kem của bà và nó còn “tèo” trên cái chữ nhìn như là cây thánh giá. Nó “tèo” như là Chúa và nó “tèo” như là phỉ báng Chúa!

Kim tuyến rắc đầy lên bánh như phấn, óng ánh và hết ăn được rồi còn gì?

– Sao mày dám? Sao mày dám? Sao mày dám? – Bà ta rú lên.

Cơn giận dữ rắc đầy miểng chai trong tâm trí bà và, trong cơn giận điếng người, bà lao vào mé bàn sa lông, quăng con dao hãy còn sạch lên ghế sô pha (quả bóng nâu sợ quá bay vút ra,) chìa tay bốc miếng xác bong bóng bẩn thỉu ra khỏi cái bánh kem và giáng nó xuống sâu trong chiếc thùng rác pê đan.

Tiệc gì mà thiếu nhạc, chả xôn xao tí nào.

Yên tĩnh quá nên hình như bà nghe thấy tiếng hai bụi cây rúc rích.

Hai cái bụi này đứng sát nhau như hai đứa trẻ bị bắt đứng phạt bên ngoài sân vậy. Từ trong phòng khách dõi ra ngoài được coi tụi nó có đứng nghiêm chỉnh không? Không chạy đi chơi chứ? Không ngồi xuống chứ? Ai cho mà ngồi xuống?

Bà ném ánh nhìn ra ngoài cửa. Hai cái bụi im re.

Nhưng chiếc xe lăn thì không có chỗ núp. Nó đứng im trong chiều sương xuống. Nó đứng thù lù kế bụi cây chị Zoe, chỉ điểm chị Zoe và con bé đồng lõa.

Bà phù thủy ngơ ngác đứng nhìn đống chăn ga trên xe.

Chăn ga trên xe gấp thành các phiến hình vuông, sắp chồng lên nhau. Phiến bé thì sắp lên trên phiến lớn và toàn thể tạo thành khối tam giác như hình kim tự tháp cụt Maya. Một tấm vải cotton Ai Cập cũ mèm và màu vàng đồng trùm lên cái khối đó, bùa cho nó cái vẻ thần bí và khó hiểu với người già có xu hướng tin vào chuyện siêu nhiên.

Nhưng bà nhất quyết không tin. Bà kiên trì chống chọi với bằng chứng các chuyện siêu nhiên cứ tái đi tái lại trong thị trấn hoang vu này (cái vùng thuộc diện dễ xuất hiện các chuyện siêu nhiên nhất), như là chống chọi với căn bệnh thấp khớp của bà.

Không tin, bà quả quyết lấy gọng kính đồi mồi từ trong túi áo ra nhìn cho rõ. Rồi bà đến sát cửa kính nhìn cho càng rõ. Xong bà vạch cửa kính ra nhìn cho hết sức rõ. Bong bóng bay tới và vây sau lưng bà, như là lưng bà mọc ra mấy cái bướu.

Quả bóng xanh nhanh đuôi bơi ra ngoài cửa và bay vút lên trời.

– Là cháu đây. – Nghe tiếng cửa kính mở tung và thấy quả bóng bay tuốt luốt lên trời xanh thì chị Zoe biết là hết trốn được rồi. Chị chìa mặt ra thí mạng cho tôi chạy thoát. Chạy đi!

Đầu tiên, chị đứng phắt dậy.

Tôi vẫn ngồi xổm kế bên chân phải thẳng đứng của chị Zoe. Bàn tay phải chị siết chặt mép okumi và bụi cây che hết thân người chị, chỉ lú từ cổ lú lên. Nhìn giống như bụi cây tự dưng mọc thêm cái đầu.

Xong chị bước sang ngang, đứng sau lưng cái xe, bảo kê cho nó. Bây giờ thì tới lưng ghế che khuất nắm tay nắm chặt của chị. Từ chỗ bà phù thủy chỉ thấy được từ đồng hồ lấp lánh từ dưới cổ tay áo trở lên.

Tôi thấy đôi mắt màu xanh ngọc bích của bà đang đấu mắt với chị Zoe thì nhác liếc một cái xuống mặt đồng hồ xanh ngọc bích trên cổ tay chị, xong liếc lên đấu mắt chị Zoe tiếp.

Từ chỗ bà thì không, nhưng ngồi ở chỗ tôi thì thấy rõ ba cây kim Cathedral và mười hai cọc số La Mã vàng óng. Thời gian: IIII:II.

Họ nhìn nhau như vậy trong vài giây.

Chị dõng dạc thưa:

– Cháu thấy nhiều bóng bay trong phòng khách bác nên mới cảm thấy hiếu kỳ và đến gần quan sát. Thứ lỗi cho cháu nếu như có làm phiền bác!

Chị Zoe thanh minh như thể mình không có làm gì sai cả. Bong bóng nổ tung không phải lỗi của chị. Nhưng cũng không biết vì sao chị muốn thanh minh như thế nữa, vì chị có làm gì sai đâu?

– Thì ra là cô. – Bà ta nói bằng giọng rầy rà, nhưng chán nản. Giống như cô quản sinh nói với con bé học trò quậy phá: “Thì ra là em. Lại là em nữa sao? Tôi phải gọi phụ huynh bao nhiêu lần thì em mới chừa?”

Chờ đã, hình như bà ta nghĩ tới chuyện kết tội cho chị Zoe làm vỡ bóng? Bằng cách nào? Trèo vô nhà hay sao? Chứ không ai làm thì vì sao bong bóng tự dưng vỡ? Thành ra chị Zoe phải thanh minh là mình không có làm? Vô lý quá!

Tôi đang tính giận thì có một quả bóng còn giận hơn cả tôi.

Quả bóng màu vàng phẫn nộ phóng qua ô cửa sổ, vượt biên ra khỏi ngôi nhà hà khắc. Mấy quả bóng khác cũng nôn nao, nhốn nháo trong phòng chứ không lềnh bềnh như ban nãy nữa. Chúng cũng muốn chuồn, muốn bay!

Nhưng quả bóng vừa bay ra là bà đóng phăng cửa sổ và kéo màn cái rụp luôn. Đóng gấp kẻo chúng bay ra thêm. Đóng nhốt bọn chúng trong đó vĩnh viễn! Còn chị Zoe: khỏi tiễn.

Chị Zoe ngơ ngác trước sự vô phép của người già.

Tôi thấy bàn tay chị nhả ra, không ngậm ngậm, nhai nhai mép okumi nữa.

Từ trong mấy lỗ thông hơi bỗng vang ra giọng nói trong trẻo của mấy chàng trai trẻ trên tivi. Họ đùa giỡn với nhau hô hố. Họ huýt, họ la làng, họ cười sằng sặc. Họ dùng ngôn từ mát mẻ: “đã hôn, đã hôn? phê chớ, phê chớ? làm lon nữa coi!” Tôi chỉ có thể tưởng tượng là họ đang ở trên bãi biển. Vì cái lối đùa giỡn vô tư kiểu đó không ở trên bãi biển thì không biết còn phù hợp ở đâu khác?

Hình như hai người này không ưa nhau mấy.

Nãy giờ nhìn lén qua các kẽ hở bụi cây, tôi đứng dậy (tê chân) và bụi cây che từ nhân trung tôi xuống đất: Sherry – râu xanh xuống tận mặt đường!

Xe lăn bánh bỏ đi. Tôi đuổi theo, hỏi với theo cái xe:

– Bác có vẻ khó tính, chị nhỉ?

Lợi dụng cơ hội, bụng dạ thâm độc của tôi quyết biến bà bác tội nghiệp thành kẻ thù chung xấu xí. Có kẻ thù chung thì hai tôi sẽ thuộc cùng một phe và sẽ thân thiết, dễ dàng tâm sự hơn.

Gia nhân Zoe của cái xe đáp giùm và, trái với dự đoán của tôi, giọng nàng ta không có nhăn nhó, chua cay:

– Không đâu. Bác thù mỗi mình chị mà thôi.

Lời đáp tuy mỉa mai nhưng gương mặt nàng tiên Zoe thì không chút nào cau có. Trái lại, nàng còn cười hì hì, không bỏ bụng. Nàng dễ dàng bỏ qua, xí xóa như vậy sao?

– Bác đó ghim chị rồi! Chị làm gì mích lòng bác đó sao? – Tôi cố nói cho chị đổi ý: bác đó là quân xấu xa đó, là mụ dì ghẻ thích hãm hại người ta! Vậy mà xí xóa, vậy mà tha? Sao được?

– Không biết nữa. – Chị Zoe nhún vai.

Càng nói, nét mặt với nét giọng của chị càng bình thản. Bác không ưa mình cũng chớ có ảnh hưởng gì mình, không lo! Có phải mẹ chồng mình đâu?

Song, có vẻ như thay vì nghĩ tới bà bác thì chị Zoe hướng sự chú ý qua tôi. Chị coi coi tôi tính giở trò gì nữa đây? Tự dưng quan tâm tới bà bác làm gì? Nói nữa, kế hoạch kẻ thù hóa sẽ lộ tẩy cho mà coi. Nói nữa, tôi sẽ lộ nguyên hình là con rắn độc non, xanh cho mà coi.

Thành ra, tôi nín không hỏi thêm. Chị xúy xóa thì tôi cũng xúy xóa, có gì đâu, hè hè.

Không còn gì nói, tôi nhìn lơ đãng xung quanh, khoan khoái hấp thụ khung cảnh tươi mới vào trí não, như là con chó đi dạo.

Chị Zoe đi cũng khoan thai hơn ban nãy. Chị đang vui. Đôi mắt chị đang cười. Chị có đôi mắt biết cười thiệt là đẹp hết biết! Lúc này, chị cười thì đôi mắt chị cũng cười. Thì ra chị cười mà mắt chị cũng cười thì mới là thiệt tình, chứ không như ban nãy.

Nhà cửa trên đại lộ Paul Gauguin nhìn rất ư là tây.

Toàn nhà riêng. Vườn bé tẹo, nhưng nói chung cũng có vườn trồng này trồng kia, cho xe de ra de vô.

Hai nhà kế nhau thì cách nhau hai bề ngang Sherry.

Nhà toàn cất theo cách thức hiện đại, dùng các bê tông, thép, kiếng, gạch thẻ, rèm lá, thành ra thoạt trông thì toát ra cái vẻ tân thời, khá là giống các khu phố vùng ven thủ đô.

Có lẽ đại lộ này là tân thời nhất Lamb rồi.

Nãy giờ dọc đường cũng toàn thấy treo cờ các món nghề nghiệp tân thời: cờ con rắn lục (thầy lang,) con đại bàng đầu hói (thầy cãi,) con cáo mắt xếch (thầy thẩm mỹ. Thầy này theo trường phái mỳ ăn liền, dành cho du khách nghĩ dưỡng vài ngày, vừa chữa lành vừa chữa mũi,) con nhện (thầy gì không biết nữa,) khối hình lập phương (không biết nốt, và cũng không biết sao nó không phải là con thú nữa. Nhưng tôi thấy có hai cái máy bán hàng tự động trưng toàn sữa trước nhà,) con sâu (quán sách)…

Đi mấy bước nữa, tôi bỗng giật mình ngộ ra.

Dù là hình thức thì tân thời, nhưng kiến trúc các ngôi nhà này có bản chất truyền thống.

Đơn cử như, và tôi nói “đơn cử như” nghe cho truyền thống, nhà bà phù thủy ban nãy có Engawa chìa ra ngoài sân trước.

Sân trước thì không có xây cổng. Do đó mà, hai tôi bước vô trong vườn và đứng trên thảm cỏ giả, trước thềm Engawa, cũng vô tư. Bước lên Engawa luôn thì xâm phạm quá, nhưng nếu muốn thì hai tôi bước lên luôn thì cũng vô tư, kéo cửa sổ ra cũng vô tư, và trèo vô trong luôn cũng vô tư.

Nhà nào cũng có Engawa, phải có Engawa.

Thế đó, nhà nào cũng mang đủ các yếu tố của kiến trúc truyền thống: Engawa, dù là Engawa sàn cẩm thạch; cửa Shoji, cho dù là Shoji kính; lợp ngói, cho dù là ngói năng lượng mặt trời.

Dãy nhà này làm tôi nghĩ đến chữ Romanji. Dù phát âm vẫn như cũ, ý nghĩa vẫn như cũ, nhưng chúng được khoác lên vẻ ngoài Latin, quốc tế. Dãy phố này cũng vậy. Nhìn thì vẫn thấy có cái chất quen thuộc, nhưng cũng thấy lạ lẫm, giống đọc vô trang sách viết toàn bằng chữ Romanji vậy.

Thấy tôi không đả động gì tới bà phù thủy nữa, hài lòng, chị Zoe than thở vu vơ:

– Từ hồi về đây bác có ưa chị đâu! Chị đã làm gì sai, chị không nhớ. Lỡ nói gì làm gì bác không vui, có lẽ... Đó giờ chị có tiếp xúc hẳn hoi với bác bao giờ chưa mà làm bác buồn.

Thì đúng là chuyện đó vu vơ thật, có gì đâu mà nói? Bà ta có ghét chị Zoe không? Ai mà biết. Bà ta có ghét mỗi mình chị Zoe không hay ai bà ta cũng ghét? (Tôi thiên về ý ai cũng ghét hơn.) Ai mà biết? Và nếu ghét thật thì vì đâu bà ta ghét? Cũng không ai biết luôn. Không có gì manh mối nào cả, đoán làm sao? Vậy thì đoán làm gì cho nó trớt quớt?

Chị than thở với tôi mà cuối câu, câu nào chị cũng ưỡn giọng, nghe như là hỏi hơn là nói. Lời chị đúng theo cách chị nói thì nghe như này:

– Từ hồi về đây bác có ưa chị đâu? Chị đã làm gì sai? Chị không nhớ? Lỡ nói gì làm gì bác không vui? Có lẽ...? Đó giờ chị có tiếp xúc hẳn hoi với bác bao giờ chưa? Mà làm bác buồn?

Uỡn giọng thế tức là có ý khác: câu hỏi. Chính ra là câu hỏi hơn là lời than thở, lời nhận định hoàn cảnh. Nhiều câu hỏi. Lùng bùng câu hỏi. Lùng bùng như bong bóng trên nồi nước sôi. Tại sao bà ta ghét chị? Em có muốn nghe tiếp không? Không hả? Chán không? Chán chứ gì? Thôi, em có muốn nghe chuyện khác không? Chuyện khác, chuyện gì?

– Chắc bà ta ai cũng ghét thôi chị ơi. Người già họ khó tính. Mình nói chuyện khác được không?

Nói chuyện khác là nói chuyện gì? Còn chuyện gì nữa?

Tôi chợt thấy trò chuyện với chị bây giờ sao mà công phu phết, không còn thẳng một lèo như ban nãy.

Chị cười nhạt, xong thì làm thinh. Gò má lại đỏ ửng…

Đi một đoạn nữa thì thấy xe hàng lễ hội đậu hai bên đường đông đúc hơn.

Hai tôi đi ngang qua người đàn ông nướng cá.

Trong sân nhà ông ta, trên bãi cỏ giả (cỏ mịn như lông bò, màu xanh,) có ba cỗ xe hàng lễ hội. Cả ba sơn màu trắng loang đen, nhìn là nghĩ ngay tới con bò Hà Lan. Ba con bò Hà Lan máy!

– Sherry… này… – Chị bẽn lẽn réo tên tôi.

– Sao chị? – Tôi quay ngoắt qua ngay, đáp bằng giọng hăm hở.

– À thôi, không có gì? – Chị ngoảnh mặt đi.

Tôi phồng má tỏ vẻ giận dỗi.

Có vẻ như là đôi bên đều muốn nói tiếp đề tài ban nãy: giấc mơ, móng tay. Nhưng đôi bên đều không biết cách nào gợi chuyện cho tự nhiên cả. Vì chuyện ban nãy coi như nói dứt, bây giờ nói tiếp… e là đối phương nghĩ mình nói dai. Có một chuyện cứ nhai đi nhai lại. Như là bã kẹo cao su đã nhả ra rồi thì bỏ vô mồm nhai tiếp cũng ớn, dù cho còn ngọt.

Thế là hai tôi mím miệng buồn bã đi xuôi dọc xuống cuối đại lộ Paul Gauguin, càng gần, càng gần đến ngọn núi Benjamin, và càng tiếc, càng tiếc hùi hụi.

Đến đủ gần thì thấy nó bé hơn tôi nghĩ, gần hơn là tôi nghĩ, bé hơn nhiều núi Joseph phía bên kia.

Cái cảm giác muốn nói tiếp cứ dính trong não, cũng giống như bã kẹo cao su dây vô tóc.

Không còn gì để nói, tức là, giờ thì không có chuyện gì sẵn tiện, nhân tiện mà nói cả. Còn mỗi chuyện giấc mơ thôi và chính ra, đôi bên cũng chỉ muốn nói chuyện đó mà thôi.

Hai tôi mắc trong cái luật bất thành văn là không nhắc tới chuyện gì quá hai lần. Nhất cái chuyện này không đáng nhắc, nên cho qua.

Chỉ là giấc mơ thôi mà. Còn vô số chuyện to tát hơn mà. Hơi đâu quan tâm cái chuyện cỏn con? Một chuyện cỏn con như vậy mà đã nói tới hai lần rồi? Dai gì mà dai dữ?

Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào cung cách giao tiếp của hai tôi. Bây giờ làm trái thói, tất nhiên chẳng dễ dàng gì. Hễ có ý định nhắc lại thì cái thói cũ tự nhiên hiện ra rành rọt và đau đớn.

Có phải chuyện gì to tát mà cứ phải nhắc? phải quan tâm?

Tâm hồn thì mắc nói, nhưng miệng lưỡi cứ chận không cho nói. Có đáng gì đâu? Cho qua đi!

Cái nào mới đáng? Vớ vẩn! Cái nào mà chẳng vô nghĩa. Làm gì có cái nào đáng?

Trong khi rảo bước xuống đại lộ Paul Gauguin thì hai tôi phải nội chiến trong bụng như vậy đó. Chủ yếu là chị Zoe. Chị đâu có quen nói dai. Ép sao được?

Chân tôi với chân chị Zoe cứ dinh dính dưới xuống đất, đi mà không nỡ đi nhanh, giống đế dính bã cao su.

Tôi lén liếc qua liếc lại theo dõi chị rất kỹ, chờ thời.

Có nói gì cũng được, chị à. Không có kỳ cục gì đâu, chị ơi.

À, có khi nào là vẻ ngoài hiện đại của tôi và quang cảnh hiện đại của con đại lộ này khiến chị không tài nào tích lũy nổi cảm giác muốn nói cho đủ lớn. Chúng làm chị nhớ đến lối sống hiện đại trên thành phố và lối sống hiện đại thì không có dung thứ cho mấy thứ cảm xúc ủy mị, lan man, lôi thôi này gì cho cam.

Chị cứ muốn nói, tính nói, nhưng lại xụi, nói không ra. Dũng khí chớ bao giờ kéo dài quá ba bước chân. Ban nãy chị sút được một cú thì ngay khi tôi hỏi lại, chị trốn ngay.

Vừa thấy môi nàng tiên Zoe mấp máy là tôi xông vào ngay.

– Chị Zoe này… – Tôi lí nhí.

– Sherry này…

– Chị nghĩ là? – Sherry nói to dần, tuy vẫn còn trong mức thỏ thẻ.

– Em có nghĩ là…

– Chị nghĩ là gì? – Giọng bình thường.

– Em muốn hỏi chị gì?

– Chị muốn nói gì em hở chị? – Giọng có chút mơ màng.

– Em nói trước đi. – Chị chống nạnh, chu mỏ.

– Hay chị kể tiếp nha. Chuyện móng tay ban nãy á! – Tha thiết, thống thiết.

Chị ưỡn giọng lên, ngạc nhiên ghê:

– Ồ, ra là em muốn nghe nữa?

Nhưng cái ưỡn ngực hãnh diện và vẻ mặt đắc chí của chị thì nói khác.

– Em muốn. – Tôi dõng dạc nói. – Với, em chưa biết sau đó thì sao? Chừng nào chị đi làm móng?

– Ngày hôm sau... – Giọng chị đáp xuống, ra chiều yếu ớt.

Nhưng thực chất là chị giả yếu hòng mong tôi xông vào hỏi thêm. Ánh mắt đầy vẻ khiêu khích.

– Hôm sau là thứ bảy mà. Em tưởng thứ bảy lữ quán bận? – Tôi hỏi, hỏi.

– Phải. Chính ra, thứ bảy thì công việc lữ quán sẽ bù đầu. Nhưng mà… có nhiều cái xảy ra. – Chị đáp, đáp.

– Cái gì vậy chị?

– Nhiều cái... Bây giờ kể ra hết thì có hơi dài dòng...

– Cũng được, không sao! Nào nào, chị kể từng cái, từng cái một nào! – Tôi xông xáo nói.

– Ờm... Thế thì chị kể từng cái, từng cái một, em chịu không Sherry?

– Được mà chị, được mà chị! – Tôi mừng rỡ reo lên: băng đã tan!

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận