Và vâng, lại thêm một chương nữa bắt đầu từ cảnh tôi và Sharon đang ngồi trên một chuyến xe, chỉ có điều, người tài xế vào lúc này là.
“Chút mua cồn về nhắm nha mấy đứa. Thèm quá rồi.”
Từ hàng ghế trên, ông già nhà tôi gọi với xuống.
“Vâng. Chắc chắn rồi bác.” Sharon lập tức hưởng ứng, cái con nghiện cồn này cũng nhao nhao lên. “Phải mua thêm khô bò với cá sống nữa, làm mồi nhậu thì hết sảy.”
“Từ từ đã hai người.” Tôi thở dài, bàn tay vẫn không ngừng xoa vào màn hình điện thoại, chờ đợi một tin nhắn.
Chuyện là thằng Kolnis thì vẫn chưa về nhà trong khi tôi vừa nhận được một tin nhắn thông báo gặp mặt từ một trong những đối tượng hợp tác tiềm năng trong phi vụ cướp thuốc. Tin nhắn ấy chỉ vỏn vẹn một dòng “Hãy đến đường 32 avenue, quận Halminton.”
Và tất nhiên, có cái vẹo mà tôi dám đi khi không rõ đối phương là ai. À không, thật ra là cũng biết một chút nhưng cứ khơi khơi mà đi đến đó thì khả năng cao sẽ bị phục kích rồi cướp thuốc (dù tôi cũng chẳng có). Thế nên, tôi lại lên phòng của Simon một lần nữa, van xin cô ấy đưa thông tin thêm về người mà tôi sắp gặp mặt. Tất nhiên là con nhỏ đó cũng chẳng dễ chịu gì khi phải giúp tôi và Sharon. Song, tôi đã kịp thời gài một điều khoản có lợi cho Simon, một điều khoản khiến cho cô ta cảm thấy vui vẻ khi giúp bọn tôi.
“Xong việc lần này, chúng ta phải cảm ơn JJ đấy.” Tôi tặc lưỡi. “Chắc phải mua cái gì đó ngon ngon cho con nhỏ rồi.”
“Đồ nhậu đê. Khà khà.” Sharon cười sảng khoái sau khi huých vào vai tôi. “Mà… anh cũng có được thông tin từ phía bên kia rồi nhỉ?”
“Ừm, nhờ ơn của Simon và JJ.”
“JJ? Con nhỏ đó vẫn đang ngủ mà. Với… để nhỏ ở nhà một mình có ổn không vậy.” Ánh mắt của cô ấy lộ rõ vẻ lo lắng.
Ngửa lưng ra phía sau, tôi liếc mắt nhìn xuống màn hình điện thoại và thở dài.
“Tôi có nhờ Mandy qua trông coi rồi, cô ấy cũng vừa nhắn tin thông báo là đã đến đó, JJ vẫn đang ngủ thôi.”
Thật sự thì đó là một nước đi khá mạo hiểm, khi nhờ vả Mandy, chính tôi cũng đã cảnh báo cho em ấy về sự nguy hiểm nếu như JJ trở nên mất kiểm soát. Nhưng Mandy thì vẫn khá tự tin và em ấy đã giúp tôi ở lại chăm sóc cho con nhỏ ở nhà.
“Ừm, vậy thì được.” Sharon gật đầu. “Vậy thông tin bên kia là gì vậy?”
“Để xem nào.”
Tôi mở màn hình điện thoại mình lên, vào thư mục thông tin rồi đưa nó cho Sharon để cô ấy tự mình đọc.
Thông tin về chủ sở hữu của dị nhân lần này là nguyên Viện Trưởng của Nhạc Viện thành phố Srimnet. Một quý bà đã ngoài 70 tuổi, từng là một nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc cổ điển, Jazz và đi biểu diễn khắp thế giới vào những năm 70, 80. Tên của bà ta là Edelyn Pidaf. Dựa trên những thông tin mà Simon tìm kiếm được, Edelyn đã không còn chơi được nhạc cụ sau một vụ tai nạn cách đây hơn mười năm trước, nhưng với số tài sản tích góp cùng với tiếng tăm của mình khi còn làm Viện Trưởng, bà ấy vẫn có một cuộc sống sung túc và thường xuyên đi tham dự những sự kiện lớn nhỏ trong thành phố với tư cách khách mời.
Và dị nhân mà bà ấy sở hữu là một người có khả năng đặc biệt về thính lực và thiên phú âm nhạc. Nhưng gì mà tôi biết về cậu ta chỉ là cái tên Martin và được miêu tả là một người trẻ, làn da ngăm và mái tóc xoăn. Và theo những gì Ryan ghi chép thì thời hạn ước chừng cho thuốc ức chế…
“Là hôm nay?” Sharon quay sang nhìn tôi với vẻ mặt đầy ngơ ngác. “Ủa? Rồi chúng ta đi đến đó để làm gì?”
“Ban nãy, cô đọc không kĩ những tờ báo cáo của Ryan, đúng không Sharon?” Tôi thở dài.
“Ý anh là gì?”
“Trong số những cái tên trong danh sách đó, phần lớn đều được ghi chú là “khách hàng”, nhưng đặc biệt ở cái tên Edelyn Pidaf, nó được ghi chú là: Đối tác.”
“Hở? Đối tác?” Gương mặt của Sharon vẫn chưa hết ngỡ ngàng.
“Ừm, tôi không rõ có gì đó nhầm lẫn ở đây không, nhưng cũng đáng để thử một phen.”
Và hơn cả, tôi cũng tò mò muốn biết xem một dị nhân khi hết hạn chất ức chế sẽ trông như thế nào. Cách chết của bọn họ sẽ khác con người bình thường không? Chà, có vẻ hơi suy đồi đạo đức nhưng tôi thật sự rất là tò mò đấy!
“Còn một chuyện nữa.” Sharon bất chợt trỏ tay về phía ba tôi rồi thì thầm. “Anh để cho người thân của mình vào vụ này luôn à? Dù tôi rất quí bác nhưng thế này cũng hơi nguy hiểm đấy.”
“Hầy, cứ yên tâm đi. Ba tôi là người chủ động muốn lái xe mà, với… ổng cũng đáng tin lắm. Ừ. Có thể nói vậy, trong những chuyện như thế này.”
Chiếc xe dừng đèn đỏ ở một ngã tư, gần chín giờ đêm nhưng ngoài trời vẫn còn le lói vài tia nắng nhạt. Phía trên bầu trời phủ sắc màu cam và tím nhạt, hòa lẫn trong đó là những tầng mây trắng cao vút và thẳng tắp như những đường kẻ kéo dài đến vô tận.
“Ở Việt Nam chắc khó mà nhìn thấy được những cảnh thế này nhỉ?” Ông già tôi vui vẻ huýt sáo, trông ổng chẳng có gì là lo lắng cả. “Thường thì 6 giờ là tối mù rồi.”
“Đúng rồi.” Tôi đáp lại cho có lệ. “Càng đi lên phía trên thì ngày mùa hè càng dài mà.”
Trong số những người quen hiện tại thì ông già nhà tôi là người mà tôi ít lo lắng nhất. Không phải vì tôi lạnh lùng với ổng hay là gì nhưng… ổng quá là bá đạo. Cứ tưởng sang nước ngoài thì lạ cái này, cái kia nên không hoạt động như lúc trước được. Ai dè, hôm có vài ba đặc nhiệm đột nhập vào căn nhà trọ cũ, ổng đã một mình giải quyết được hết cả đám người mà Lauren cử đến mà chẳng có lấy một sây sát nào. Và hơn cả, ổng có kinh nghiệm trong việc giải quyết với dị nhân.
Vì ông già nhà tôi đã từng kết liễu một dị nhân rồi. Đó cũng là một ngày mà tôi không thể nào quên được.
Và rồi, chiếc xa tiếp tục lăn bánh, băng qua những giao lộ đông đúc, tiến về phía một khu vực vắng vẻ hơn.
“Thèm bia quá…” Ông già tôi than thở.
“Vâng. Cháu cũng thèm.” Sharon ở phía sau nhanh chóng tiếp lời.
…
Quận Halminton cách chỗ bọn tôi khá xa, mất gần một tiếng lái xe để đến được đó.
Không giống như những địa điểm gần trung tâm, quận Halminton đa phần là đất nông trại trồng việt quất và dâu tây nên những ngôi nhà ở đây nằm cách nhau một khoảng khá xa. Hệ thống đèn đường trong khu vực cũng chỉ được lắp đặt thưa thớt, nên ánh sáng duy nhất vào buổi tối là từ những lán trại nhỏ và từ những ngôi nhà được xây giữa trang trại.
“Chà, đúng là biết cách tận dụng đất nông nghiệp ha.” Sharon nhìn về phía căn biệt phủ to trước mặt mà xuýt xoa.
“Như vầy thì có hơi to quá rồi.”
Tôi thở dài khi nhìn về phía tấm bảng số trước căn nhà, đúng là nó rồi, địa chỉ mà tôi cần đến.
Thường thì trong những khu dân cư, chính quyền địa phương sẽ giới hạn cho kích thước của ngôi nhà về chiều cao, độ rộng rãi cũng như diện tích tối thiểu của khoảng sân trước và sau. Nhưng đất nông nghiệp thì không có vậy, họ sướng hơn rất nhiều và cũng được phép xây những căn biệt phủ rộng lớn tùy theo ý thích của mình. Nhưng căn biệt phủ trước mặt tôi thì… cơ phần hơi xa hoa quá rồi.
Một căn biệt thự ba tầng với lối kiến trúc dễ khiến người ta liên tưởng đến những năm 50 của thế kỉ 19 với một tông màu trắng trang nhã nhưng đầy cổ kính. Đường đi vào cổng được lắp một hệ thống đèn led màu vàng nhạt, soi rõ cả con đường được lót gạch mà nâu nhạt, nằm giữa hai bãi cỏ xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng. Chỉ riêng phần chi tiêu cho cây cối và những vật trang trí bên ngoài cùng với cánh cổng kim loại cũng đã ngốn một khoảng kha khá rồi. Mấy người làm bên âm nhạc có thể giàu đến mức này à.
“Uầy. Mấy người con quen biết ai cũng như thế này hết à?” Ba tôi huýt sáo. “Hồi trước ba với mẹ cũng mơ tới mấy căn nhà giống như vầy đó. Ráng đi học hỏi người ta rồi đi làm nha, con trai.”
Tôi thở dài trước câu nói của ổng. Khác với ba, tôi không thích nhưng căn nhà lớn như thế này vì nó quá mức khoa trương và sẽ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp. Một căn hộ chung cư nhỏ gọn và đầy đủ tiện nghi có lẽ sẽ hoàn hảo với tôi hơn.
“Mà giờ làm sao đây.” Sharon bước lên, hai tay bán vào song sắt của cánh cổng khổng lồ vẫn đang đóng lại. “Họ mời chúng ta đến mà lại để bên ngoài thế này à? Anh có muốn tôi…”
“Thôi làm ơn! Tôi xin đấy! Không có tiền để đền đâu!” Ngay lập tức, tôi hiểu ý định của con nhỏ kia và vội xua tay.
“Hầy, mấy cái này tôi làm nóng rồi bẻ cái một.”
Cô ta thở dài với vẻ chán nản.
Và trước khi để con nhỏ đó làm chuyện gì dại dột, tôi đã bước ngay đến hệ thống camera ngoài cổng để liên lạc với bên trong. Chỉ với một nút bấm, gần như ngay sau đó, một giọng nói được phát ra từ chiếc loa liên lạc bên dưới:
“Xin chào, tôi có thể giúp được gì cho mọi người.”
Giọng nói từ bên kia rõ ràng là giọng người nhưng lại chẳng có chút cảm xúc.
“À, chào. Tôi có hẹn với bà Pidaf và đây là hai người đi cùng tôi.”
“Cảm ơn vì đã đến đúng hẹn. Bà Pidaf đã thông báo với chúng tôi từ trước, mời mọi người vào trong. Xe cứ chạy thẳng vào trước cổng, sẽ có người trông coi.”
Lời nói bên kia vừa dứt, cánh cổng tự động được mở ra. Ba tôi thì nhanh chóng quay lại xe, ổng có vẫy tay ra hiệu cho tôi và Sharon bước lên nhưng hai người bọn tôi lại muốn tự đi bộ vào bên trong hơn.
“Vậy thì ba sẽ ngồi chờ trong xe nhé.”
Ổng gọi vọng ra khi hai người bọn tôi đã đi trước vào trong cánh cổng.
Một cơn gió nhẹ thổi qua khiến cho những ngọn cỏ đung đưa trong gió.
“Chắc tầm ba, bốn trăm mẫu anh nhỉ? (tầm 150 héc ta)” Cô ấy nhìn xung quanh sân vườn với vẻ trầm trồ.
“Lạ nhờ.” Tôi khi cười. “Cô sống trong cái tòa tháp khổng lồ đó mà lại bất ngờ với chỗ như thế này à.”
“Ừ thì cái chỗ đó to thật đấy, nhưng cái phòng của tôi ở thì cũng không quá rộng rãi đâu. Chỗ này chắc cũng đắt tiền lắm nhỉ?”
“Chắc đâu đó tầm chục triệu đô chứ chẳng ít đâu.” Tôi nói rồi khẽ nhìn vào một chốt bảo vệ gần cổng. Đúng là lối kiến trúc cổ mới có những nơi như thế này, có nhân công làm bảo vệ và kiểm soát cổng thì chắc chắn tài sản của Pidaf cũng không phải là ít.
Càng bước đến gần thì tòa nhà trước mặt chúng tôi càng trở nên khổng lồ, mặt trước của nó có đến tận mười khung cửa sổ nhìn thẳng ra con đường cùng với một cái ban công lớn đước xây rộng để có thể bước ra ngoài và nhìn về phía những ngọn núi tuyết ở phía đông dãy Cascade.
Bước đến trước cánh cửa gỗ nặng nề của căn biệt thự, một người mặc áo đen đã đứng chờ ở đó trước. Đó là một người phụ nữ cao lớn với mái tóc đen được buộc gọn ở phía sau, dù cổ áo đã được kéo lên cao nhưng tôi vẫn thấy được vài từ hình xăm trên cổ của cô ấy.
“Ờ hơ… chào.” Chẳng hiểu sao, khi nhìn thấy dáng vẻ đáng sợ của cô ta, tôi lại cảm thấy rén ngang dù Sharon vẫn đang đi bên cạnh.
“Chào buổi tối, tôi là Silvia, là vệ sĩ riêng của Pidaf.” Cô ta khẽ cuối đầu, giọng nói pha lẫn với cách phát âm của người Nam Mỹ. “Tôi đã được bà Pidaf thông báo nên đã đợi mọi người bên ngoài.”
“Cảm ơn cô.” Tôi cúi đầu đáp lại.
Dáng dấp cô ta chắc phải cao đến gần 2 mét, cơ thể trông vô cùng lực lưỡng dưới bộ áo vest đen. Không chỉ ở cổ mà bàn tay của cô ta cũng có những hình xăm với những số La Mã khác nhau trên những ngón tay theo thứ tự từ 1 đến 10.
Cô vệ sĩ khẽ liếc nhìn qua bọn tôi một lượt với ánh mắt thăm dò và cô ta nhanh chóng đặt câu hỏi:
“Vẫn còn một người nữa đúng không?”
“Vâng, ông ấy sẽ đợi trong xe. Chỉ có tôi và cô ấy sẽ vào trong.” Tôi chỉ tay về phía Sharon và cô ấy cũng gật đầu đáp lại.
“Được rồi. Vậy hãy đi theo tôi.”
Chỉ với một cái đẩy tay, cánh cửa gỗ nặng nề đã được mở ra và ánh sáng từ chiếc đèn trần trong nhà.
Sảnh chính của căn biệt thự là một gian phòng rộng với trần nhà cao, được thiết kế theo hình một mái vòm tròn với một chiếc đèn trần lớn được treo ở giữa. Nội thất bên trong nhà được thiết kế theo hướng đơn giản nhưng tinh tế, khác hoàn toàn so với tưởng tượng về những bộ nội thất sang trọng và cầu kì mà tôi nghĩ trong đầu. Gạch lát tường màu vàng nhạt cùng với những đường viền được sơn màu hổ phách tạo nên một không gian hài hòa và dễ chịu. Phía trên bức tường treo những bức chân dung của những nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng ở cả những dòng nhạc cổ điển và hiện đại như Morzart, Bach, Elvis Presley, The Beatles… và còn nhiều cái tên khác nữa.
Một chiếc hạc cầm lớn được đặt cạnh chiếc cầu thang lớn dẫn đến tầng hai. Tôi không phải là chuyên gia gì về nhạc cụ nhưng tôi khá chắc là thiết kế của nó trông khá cũng và trông chừng cũng không dưới sáu con số đâu. Mọi thứ trong căn phòng được sắp xếp vô cùng gọn gàng và sạch sẽ.
“Tôi đi giày vào có được không vậy?” Sharon bỗng ghé sát đến tai tôi. “Đi giày trên nền gạch trắng tinh thế này… kiểu hơi ngại á.”
“Hả? Cô nói gì vậy? Chẳng phải ban nãy còn định bẻ cái cổng nhà của người ta sao?”
“Hai người có chuyện gì muốn hỏi sao?” Cô Silvia từ phía trên hỏi vọng xuống khiến cho tôi khẽ giật mình.
“Không có gì đâu.” Tôi vội lắc đầu. “Chỉ là đã hơi trễ thế này mà hẹn gặp bà Pidaf, không biết là có bất tiện quá cho mọi người không thôi?”
Silvia khẽ lắc đầu, sau đó cô ấy dừng bước trước một cánh cửa lớn với một dòng chữ “Music” được mạ vàng bên ngoài:
“Không sao đâu, vì chính bà Pidaf cũng đã đợi một người nào đó đến được đây mà.”
Cộc cộc.
Hai tiếng gõ cửa vang lên khắp cả dãi hành lang. Tôi nghĩ Silvia không cố ý gõ mạnh đến như vậy nhưng có vẻ như ngôi nhà này được thiết kế để khiến cho âm thanh được vang vọng đi khắp các gõ gách trong ngôi nhà.
“Vào đi.” Từ phía bên trong, một giọng nói yếu ớt vọng ra.
Cánh cửa được mở ra, ánh sáng chói lòa từ bên trong khiến cho tôi phải nheo mắt lại. Và một cách chậm rãi, khi mọi thứ dần rõ ràng hơn thì trước mắt của tôi là một khung cảnh vô cùng tráng lệ. Căn phòng được thiết kế theo một hình tròn với những hàng ghế xung quanh bao bộc lấy một sân khấu ở giữa trung tâm. Những chiếc ghế được bộ da đen tuyền, cùng với đó là những tấm màng che bằng vải nhung màu đỏ thẫm với viền chỉ vàng tạo nên một không gian vô cùng sang trọng. Chiếc đèn trần được treo ở giữa căn phòng này còn to hơn cả cái nằm ở sảnh chính, và ánh tỏa ra từ nó bao trọn lấy cả căn phòng.
Căn phòng này ước chừng có đến tầm hơn một trăm chỗ ngồi, nó có vẻ là căn phòng rộng nhất trong tòa nhà này rôi. Ở giữa sân khấu là một chiếc đàn piano hãng Steinway&Son màu đen bóng, nó trông khá lớn so với một chiếc piano thường thấy trong những buổi hòa nhạc. Và ngồi đối diện trên đó là một người đang trong bộ áo vest đuôi tôm, anh ta bất động như một pho tượng và mắt bị che lại một một mảnh vải đen.
“Cái gì vậy…” Sharon quay sang nhìn tôi.
“Suỵt.”
Từ phía trước, một người ngồi trên chiếc xe lăn quay lại chúng tôi. Đó là một bà lão với đôi mắt xanh và mái tóc đã bạc trắng. Bà ấy đưa ngón trỏ lên giữa miệng mình biểu thị cho cô bạn của tôi phải im lặng dù cho âm lượng ban nãy của cô ấy là không đang kể.
Khi vẫn còn đang chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi cảm giác được còn thứ gì đó cộm cộm đang được ấn vào lưng mình.
“Ưm.”
Có lẽ do những ngày sóng gió vừa qua đã luyện cho tôi một phản xạ khi bị thứ gí đó chạm vào lưng và tôi ngay lập tức giơ hai tay của mình lên. Cho đến khi Sharon vỗ nhẹ vào vai thì tôi mới xoay lưng lại và nhận ra Silvia đang đưa hai chiếc máy gì đó có thiết kế tựa như điện thoại cảm ứng với một màn hình lớn. Sau đó, cô ta đưa màn hình chiếc máy của mình về phía chúng tôi, trên đó có dòng chữ:
“Hãy liên lạc với nhau bằng chiếc máy đánh chữ này trong phòng hòa nhạc của bà Pidaf.”
Hai người chúng tôi nhận lấy nó với ánh nhìn dè dặt, nhưng thôi, nhập gia thì tùy tục, cứ nghe theo chủ nhà trước đã.
Sharon buông một cái thở dài, sau đó cô ta chậm rãi gỡ đôi găng tay đang mang ra để lộ ra những vết bỏng đang lành lại với những mảng da non vẫn còn đang đỏ hồng. Giờ tôi mới để ý thấy rằng trên những đầu ngón tay của cô ta là những mảng đen thô cứng như thể chúng đã bị cháy xém từ rất lâu rồi. Khi nhận ra ánh nhìn của tôi, gương mặt Sharon có chút bất mãn, cô ta lập tức gõ chữ:
“Nhìn là 10 nghìn nhé! Có biết là bất lịch sự lắm không?”
Uầy, ngón tay bị cỡ đó mà gõ chữ cũng nhanh phết nhỉ.
“Nó nhìn lạ mà.” Tôi gõ lại trên màn hình.
“Anh mà còn nhìn nữa là tôi cho tay của anh giống y như vậy luôn nhé.” Cô ấy giở giọng đe dọa, ánh lườm như thể muốn nuốt chửng lấy tôi.
Gõ chữ trên máy này đúng là có hơi bất tiện thật khi cứ phải đưa gần mặt cho đối phương thì mới đọc được nhưng bù lại thì nó cũng khá vui… cảm giác như đang làm thứ gì đó lén lút vậy. Mà hình như biểu cảm của cô nàng Sharon này cũng trở nên phong phú hơn khi sử dụng nó thì phải.
“Mời hai người ngồi.” Silvia chỉ tay về phía hai chiếc ghế được đặt phía sau lưng của bà Pidaf và ra hiệu cho bọn tôi ngồi xuống.
Bước đến gần, tôi nhận ra người phụ nữ trước mặt trong khác hẳn với những hình ảnh mà tôi từng thấy trên mạng. Bà ta trông thật gầy gò, đôi mắt trũng và gò má hõm sâu như thể một các xác chết. Đôi tay trắng toát, da bọc xương cùng với đó là những đường gân nổi cộm lên khi bà ta đang cố di chuyển những ngón tay. Dáng vẻ Pidaf trong thật tiều tụy, trông chẳng có vẻ gì của một người phụ nữ với nụ cười rạng rỡ từng bước lên sân khấu nhận giải thưởng cống hiến trọn đời từ viện hàn lâm mà báo chí từng chụp được cách đây một năm trước. Trong bà ấy như thể một chiếc lá khô trên cành cây và sẽ rụng bất cứ lúc nào khi có một cơn gió nhẹ thổi qua vậy.
Tiếng phập phùng nhẹ nhàng từ hệ thống cung cấp oxy cho chiếc mặt nạ y tế đeo trước miệng của Pidaf là âm thanh duy nhất vang lên trong căn phòng này. Với chiếc cần gạt điều khiển của chiếc xe lăn trên tay, bà ấy chậm rãi xoay chiếc xe về phía chúng tôi cùng với đó là một chiếc màn hình được thiết kế dính chung với chiếc xe cùng với hệ thống bàn phím bên tay trái và bà ta gõ một cách thật chậm rãi.
“Chào mừng hai người đã đến đây.”
Tôi và Sharon đều gật đầu, sau đó cô ấy huých nhẹ vào vai ra hiệu cho tôi đại diện cho cả hai để trả lời:
“Chào bà Pidaf, cảm ơn đã mời hai người chúng tôi đến đây.” Và không lòng vòng thêm, tôi vào thẳng vấn đề luôn. “Chúng ta có thể hợp tác với nhau để lấy số thuốc ức chế dành cho dị nhân không?”
Bàn tay của Pidaf lại tiếp tục cử động một cách chậm rãi trên những phím chữ.
“Hãy ở đây một chút, lắng nghe màn trình diễn mà tôi đã chuẩn bị rồi chúng ta sẽ nói về chuyện đó.”
Gương mặt của Sharon có chút dao động khi nhìn thấy dòng chữ đó. Cũng phải thôi vì cô ấy đang rất gấp gáp, chẳng biết khi nào lượng chất ức chế kia sẽ hết và chuyện gì sẽ xảy ra sau đó nữa.
Dòng chữ trên màn hình của Pidaf lại thay đổi:
“Cô gái kia cũng là một dị nhân, đúng chứ?”
Ánh mắt của bà ấy nhìn thẳng về phía Sharon. Đôi mắt của bà ta màu xanh nhạt, và nó ánh lên một vẻ sắc xảo, khác hẳn với dáng vẻ yếu ớt của Pidaf.
“Đúng vậy.” Sharon cũng chẳng giấu gì mà trả lời ngay.
“Được. Tôi mong là cô sẽ thích những gì sắp diễn ra.”
Một khoảng lặng bao trùm lấy cả khán phòng.
Dưới ánh đèn, người nghệ sĩ, vẫn ngồi bất động trên chiếc ghế giữa sân khấu, mảnh vải đen bịt mắt khiến dáng ngồi của cậu ta càng thêm phần khoa trương, như một con rối bị bỏ quên giữa ánh đèn. Đôi tay của cậu đặt hờ trên bàn phím của cây đàn Steinway & Sons, như thể đã chạm được đến tầng khí mỏng nào đó của âm nhạc mà chúng tôi, những kẻ phàm tục, chưa từng chạm tới. Tôi đã từng đọc được những giai thoại về thiên tài Morzart từng bịt mắt và biểu diễn khi còn là một đứa trẻ nhưng lại chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể chứng kiến một một màn trình diễn như thế này.
Bầu không khí nơi này có gì đó rất kỳ lạ… Không phải chỉ vì sự sang trọng. Cũng không chỉ vì sự yên tĩnh. Mà vì cái gì đó... như thể cả căn phòng này được thiết kế ra để phục vụ cho một nghi thức nào đó. Một sân khấu không phải để biểu diễn, mà để triệu hồi. Một cảm giác thật ma mị.
Và rồi… cậu ta bắt đầu đánh. Những ngón tay bắt đầu di chuyển.
Không có nhịp đếm, không có lời giới thiệu. Ngón tay cậu lướt nhẹ trên bàn phím, như thể đã quen thuộc từng phím đàn từ trước cả khi sinh ra. Tiếng đàn vang lên dịu dàng, trầm lắng, nhưng không chậm rãi. Nó dồn dập một cách uyển chuyển, tựa như nước tràn qua khe đá, không thể ngăn, không thể nắm bắt. Tôi ngẩn người, ánh mắt nhìn chằm chằm về phía sân khấu
Một bản nhạc cổ điển, có thể là Ravel, có thể là một biến thể nào đó của Debussy, nhưng có gì đó lạ lắm, như thể giai điệu đang được tái cấu trúc lại ngay trong khoảnh khắc nó vang lên. Mỗi một nốt, mỗi một phím được nhấn như một cú chạm vào tận cùng dây thần kinh của tôi. Nó rung động, nhanh chóng nhưng để lại một cảm giác sâu lắng.
Sharon… Tôi liếc sang.
Cô ấy đang ngồi bất động, mắt mở to, toàn thân run nhẹ. Đôi tay của cô ấy bấu chặt vào hai bên thành ghế. Ánh sáng từ đèn trần phản chiếu lên những mảng da sần sùi trên tay cô, khiến chúng trông như đang chảy nước.
Tôi định đưa tay ra chạm nhẹ vào tay cô, nhưng rồi dừng lại. Cái dáng vẻ tận hưởng đến ngẩn ngơ ấy, tôi không muốn phá vỡ nó.
Chẳng ai dám thốt ra lời nào. Kể cả Silvia, người vẫn luôn đứng phía sau chúng tôi, giờ đây cũng đứng thẳng như một pho tượng, ánh mắt dõi theo từng chuyển động của người nghệ sĩ. Bà Pidaf thì nhắm mắt lại, miệng khẽ mỉm cười, như thể đang đắm chìm trong một giấc mộng mà chỉ riêng bà mới hiểu được.
Và rồi... như một cú thả từ trên đỉnh cao, tiếng đàn bỗng dừng lại. Không có đoạn kết. Không có nốt cuối cùng. Như thể tất cả đã tan vào không khí. Martin vẫn ngồi im lặng, đôi tay buông xuống bên hông, đầu hơi nghiêng về phía trước như thể cậu đã rút hết sinh lực cho mỗi phím đàn.
Không ai vỗ tay.
Không ai nói gì.
Vì chẳng ai dám.
Chỉ có tiếng “bíp” khe khẽ phát ra từ máy của Pidaf. Bà lại đang gõ.
“Cậu ấy chưa bao giờ đánh bản nào giống bản nào.”
Tôi gật đầu, dù chẳng rõ bản vừa rồi là gì. Dư âm vẫn còn vang vọng đâu đó trong ngực tôi, khiến tôi cảm thấy như vừa đi qua một cơn bão cảm xúc.
Sharon chậm rãi đưa máy đánh chữ lên. Có vẻ cô ấy cũng định nói điều gì đó, nhưng lại xoá, rồi lại gõ, rồi lại xoá… Cuối cùng, cô chỉ viết một dòng:
“Cậu ấy là ai?”
Pidaf không trả lời ngay. Ánh mắt bà rời khỏi Sharon, rồi nhìn thẳng vào tôi. Một cái nhìn không hề run rẩy. Ánh nhìn của một người từng bước trên những sân khấu lớn, từng khiến hàng ngàn người im lặng vì tiếng đàn của mình.
“Tôi gọi cậu ấy là Martin. Nhưng tôi không nghĩ đó là tên thật.”
Tôi liếc sang cậu ta, giờ vẫn chưa nhúc nhích.
“Cậu ta là dị nhân cấp mấy?” Tôi gõ, không vòng vo mà vào thẳng luôn vấn đề.
“Martin không được phân cấp. Chính xác hơn thì không có một tổ chức nào đủ khả năng để thẩm định năng lức của cậu ta. Tất cả bọn họ đều từ chối làm việc này.”
“Hở?” Sharon giật nhẹ tay tôi. “Từ chối?”
“Tôi đã gửi cậu ta đến ba lần. Và cả ba lần, họ đều yêu cầu rút lại hồ sơ.” Pidaf viết.
“Vì sao?” Tôi không kiềm được, lại đặt câu hỏi.
Bà ấy dừng lại một chút.
Rồi gõ:
“Vì âm nhạc của cậu ta… khiến những người nghe thấy quá khứ của chính họ. Nó như không thuộc về thế giới này vậy. Và nó chỉ là âm nhạc.”
Tôi đọc lại dòng chữ đó đến ba lần. Rồi nhìn Sharon. Ánh mắt cô ấy như bị hút ra khỏi hiện tại, rơi vào đâu đó xa xôi. Cô chạm nhẹ lên ngực mình, khẽ nhíu mày.
“Tôi không hiểu.” Tôi gõ.
“Cậu sẽ hiểu. Khi đến lượt cậu.”
Pidaf lại xoay màn hình, lần này không phải để nói chuyện mà để điều khiển thứ gì đó. Một vài tiếng “bíp” nhẹ vang lên từ thiết bị điều khiển, rồi từ trần nhà, những dải màn nhung bắt đầu từ từ hạ xuống, phủ lại sân khấu và cả Martin.
“Chúng ta có thể nói về thuốc ức chế bây giờ.” Bà ấy viết.
Sharon ngồi thẳng dậy.
“Tôi đang cần một liều. Ngay đêm nay.” Cô ấy gõ. “Tôi cần có nó với bất cứ giá nào.”
“Tôi biết.” Pidaf đáp, sau đó di chuyển màn hình lại phía tôi. “Nhưng tôi sẽ không đưa thuốc… nếu chưa hỏi một điều.”
Tôi nhìn thẳng vào mắt bà ấy. Có gì đó trong đáy mắt ấy, không phải là sự hiền từ. Mà là thử thách.
“Cậu muốn có thuốc vì cậu lo cho cô ấy… Hay vì cậu tò mò muốn nhìn thấy một dị nhân mất kiểm soát?”
Tôi siết chặt tay.
Một câu hỏi quá đúng lúc.
Một câu hỏi như cái tát vào mặt tôi, không mạnh, nhưng đau dai dẳng. Tôi chẳng thể biết được người phụ nữ trước mặt mình tinh tường đến mức nào nữa, dường như bà ta có thể đọc thấu được tâm can của tôi chỉ qua một ánh nhìn.
“Tôi… tôi muốn bảo vệ cô ấy.”
Tôi gõ ra, chậm rãi.
Pidaf không trả lời ngay. Bà quay đầu nhìn Sharon. Rồi lại nhìn tôi.
Cuối cùng, bà gõ:
“Tốt. Vì tôi sẽ cho cậu thấy… điều gì xảy ra khi không còn thuốc.”
Căn phòng như lặng đi thêm một nhịp nữa.
Và cánh màn sân khấu… từ từ được kéo lên.
Cánh màn nhung đỏ thẫm lại một lần nữa được kéo lên, chầm chậm như một nghi lễ chuẩn bị bắt đầu. Martin vẫn ngồi đó, bất động giữa ánh sáng từ đèn trần hắt xuống như một cột sáng thiên thể. Mảnh vải che mắt đã được tháo bỏ, để lộ đôi đồng tử đen thẫm sâu hút, tựa như nơi cất giữ tất cả những nỗi buồn trên thế giới này. Và cậu ta… đang mỉm cười. Một nụ cười nhẹ đến mức không biết có phải là thật hay chỉ là ảo ảnh từ ánh đèn. Càng nhìn vào, tôi càng có cảm giác… cậu ta không thuộc về thế giới này.
Tôi lén nhìn Sharon. Cô ấy đã trở nên căng thẳng, đôi môi mím lại, ánh mắt không còn cái nghịch ngợm thường thấy mà thay vào đó là một tia sợ hãi.
“Cậu ta… đang mất kiểm soát sao?” Sharon gõ, tay run nhẹ.
Pidaf không đáp.
Martin đưa tay lên.
Và rồi… âm nhạc bắt đầu.
Không ai nhận ra bản nhạc đó. Nó không mang tên. Không có đoạn mở đầu dịu dàng. Nó lao vào như một cơn bão. Một chuỗi hợp âm lạ lẫm, không thuộc bất kỳ trường phái nào từng tồn tại, nhưng lại mang trong mình sức nặng không thể cưỡng nổi. Âm thanh đổ xuống như thác nước, như tiếng trời rền vang giữa thung lũng cổ xưa. Một dòng chảy hỗn loạn nhưng mạch lạc. Một cơn lốc hòa âm kỳ dị giữa thiên thần và quỷ dữ, mà chỉ những đôi tai từng đối mặt với vực sâu linh hồn mới cảm nhận được sự hài hòa trong điên loạn ấy.
Không khí trong phòng trở nên rung chuyển thật sự.
Từng bức chân dung treo trên tường kêu lên những âm thanh lạch cạch nhẹ như thể chúng đang rên rỉ. Những chùm đèn pha lê phía trên khẽ rung, phát ra những tiếng leng keng hòa vào âm nhạc. Lồng ngực tôi bắt đầu thắt lại. Tim đập dồn dập. Một phần trong tôi muốn đứng dậy bỏ chạy. Nhưng chân tôi không còn nghe theo nữa.
Sharon run lên. Rõ ràng. Bàn tay cô ấy nắm lấy thành ghế, gân tay nổi rõ, và tôi thấy mắt cô bắt đầu rớm nước. Không phải vì cảm động. Mà vì sợ.
Martin ngồi bất động. Nhưng đôi tay. Trời ơi! Đôi tay ấy, chúng di chuyển nhanh đến mức tạo nên ảo ảnh. Những ngón tay mảnh mai gõ lên từng phím đàn với một tốc độ điên cuồng. Không có bản nhạc nào cần tới kỹ thuật như vậy. Không một nhạc viện nào trên thế giới có thể huấn luyện ra một người như cậu ta. Tôi bắt đầu hiểu vì sao không một ai có thể đánh giá được năng lực của cậu ta rồi.
Vì cậu ta không thể đo đếm được.
Cậu ta là dị thường tuyệt đối.
Một âm sắc cực cao vang lên, một nốt ngân dài đến mức cả căn phòng như bị chao đảo. Và rồi… Từ hốc mắt của Pidaf, một dòng máu đỏ bắt đầu chảy ra.
Tôi choáng váng.
Không ai phản ứng. Silvia vẫn đứng đó, nhưng mắt cô giật nhẹ. Sharon lùi người lại, miệng mấp máy điều gì đó nhưng không nói ra tiếng. Máu tiếp tục rỉ ra từ mắt Pidaf, chậm rãi như nước mắt, đỏ và đậm. Bà không la hét. Không khóc lóc. Bà chỉ ngồi im lặng, để dòng máu ấy lăn dài trên gò đôi má hóp sâu. Tạo nên một khung cảnh vừa kinh dị, ma mị nhưng cũng thật nghệ thuật…
Và rồi… bà giơ tay lên.
Martin dừng lại.
Âm thanh biến mất như thể ai đó vừa cắt phăng một sợi dây đàn vô hình. Căn phòng rơi vào im lặng tức thời. Không còn tiếng động. Không còn gì hết.
Tôi thở dốc. Sharon ôm ngực. Cả hai chúng tôi như thể vừa bị nhấn chìm dưới đáy đại dương và được kéo lên lại mặt nước trong một tích tắc. Trán tôi lạnh ngắt, áo lưng đã ướt mồ hôi.
Pidaf xoay nhẹ xe lăn về phía tôi.
Bà bắt đầu gõ.
“Cậu có bao giờ hỏi rằng… một dị nhân có thật sự cần phải kéo dài sự sống không?”
Tôi mở to mắt. Câu hỏi đó không đơn thuần là câu hỏi. Nó là một lưỡi dao được đưa ra, đặt trước ngực, chờ xem liệu tôi có dám nắm lấy.
“Martin từng là thiên tài. Mười tuổi đã vào học tại học viện hoàng gia London. Mười sáu tuổi đi biểu diễn vòng quanh châu Âu. Nhưng cậu ấy không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.”
“Âm thanh là kẻ thù lớn nhất của Martin. Cậu ta nghe được mọi thứ. Từng tiếng răng va nhau, từng bước chân ở hai tầng dưới, tiếng trái tim đập từ người đối diện. Cậu ấy không thể ngủ, không thể ngừng nghe. Và âm nhạc là thứ duy nhất khiến cậu ta không phát điên.”
Tôi cảm thấy sống mũi mình nóng ran.
“Nhưng âm nhạc cũng giết cậu ấy. Vì mọi người luôn muốn nhiều hơn. Luôn muốn cậu ấy vượt qua giới hạn. Và rồi… cậu ấy vượt qua thật.”
“Tôi đã giữ Martin trong căn nhà này suốt bảy năm qua. Chỉ cho cậu ta chơi khi cần. Và luôn đảm bảo có thuốc ức chế đúng liều. Nhưng lần này… tôi để cho liều thuốc hết dần. Để cậu ấy có thể đi xa hơn bao giờ hết. Một bản nhạc cuối cùng. Một bản nhạc mà sẽ chẳng một ai trên thế giới này có thể chơi lại một lần nào nữa.”
Tôi ngập ngừng. Ngón tay đặt trên máy đánh chữ, nhưng không biết gõ gì.
Sharon cuối cùng cũng lấy lại được chút bình tĩnh. Cô ấy gõ:
“Vậy là bà muốn cậu ấy chết?”
Pidaf nhìn thẳng vào cô. Máu từ mắt vẫn chưa ngừng rỉ ra.
“Không. Tôi muốn cậu ấy được giải thoát. Cái chết không phải là ác độc… Đôi khi, đó là ân huệ. Chỉ có như vậy, Martin mới có thể hạnh phúc được.”
Tôi thì không nghĩ như vậy, thật sự đấy. Trước mặt tôi lúc này, Pidaf như một cành cây già cõi sắp lìa khỏi trần thế và dường như ba ta muốn đem theo món tài sản lớn nhất của mình, là Martin, để cùng đến với cõi vĩnh hằng. Thật ích kỉ. Nhưng tôi lại chẳng thể nào nói ra được.
Sharon lặng đi. Cô ấy cúi đầu. Tôi thấy môi cô mím chặt. Và rồi, từ từ… nước mắt cô rơi xuống. Không tiếng nấc. Chỉ là những giọt lặng lẽ, nặng nề.
Tôi gõ: “Chúng tôi… chỉ muốn sống. Chúng tôi muốn giữ lại chút gì đó cho mình.”
Pidaf nhìn tôi. Bà gõ chậm rãi.
“Vậy hãy sống. Nhưng đừng bao giờ quên rằng cái giá của sự sống… luôn là một bản nhạc dài và rất đau.”
Silvia lúc này mới bước đến. Cô ta mở chiếc hộp đựng tai nghe cách âm chuyên dụng và đưa cho chúng tôi.
“Đây là để ngăn âm thanh vượt ngưỡng sinh lý.” Cô nói nhỏ. “Hãy đeo nó nếu như hai người vẫn muốn tiếp tục sống.”
Sharon lau nước mắt, nhận lấy chiếc tai nghe. Tôi cũng vậy.
Pidaf không đeo. Bà chỉ nhắm mắt.
Martin vẫn ngồi đó, đầu cúi xuống, như thể đã hóa đá.
“Cậu ấy sẽ chơi bản cuối cùng. Và rồi… sẽ tự mình rơi vào cõi lặng.”
Sharon vẫn chưa đeo tai nghe. Bàn tay cô ấy gần như buông thỗng với vẻ mệt mỏi. Tôi chẳng thể hiểu được, chẳng phải cô ấy đã luôn cố gắng chỉ để sống sao? Vậy tại sao lại có biểu cảm như thế trên gương mặt.
Cô ấy đang nhìn thẳng về phía Martin, ánh mắt trĩu nặng, như thể không chỉ đang nhìn thấy một dị nhân đang ngồi đó, mà là một viễn cảnh… một hình ảnh phản chiếu từ tương lai của chính mình.
Tôi liếc sang. Đôi tay Sharon vẫn đang run rẩy. Cô ấy đang đánh nhau với chính mình. Không phải kiểu đấu tranh rõ ràng như trong phim ảnh, mà là một dạng trầm lặng, câm nín. Giống như khi đứng trước vực thẳm, không ai đẩy mình cả, nhưng có một phần trong tim cứ thì thầm: “Nếu buông ra thì nhẹ nhõm biết mấy.”
Có lẽ cô ấy đã thật sự muốn nhảy xuống?
Sharon gõ một dòng trên máy đánh chữ.
“Mình sẽ giống anh ta sao?”
Tôi không biết trả lời thế nào. Cô ấy xóa dòng đó. Rồi lại gõ.
“Anh có từng cảm thấy là… có những người sinh ra chỉ để tồn tại vì mục đích của nguồi khác không?”
Tôi quay sang nhìn cô.
Sharon cười nhẹ. Nụ cười nhếch môi trông như một đóa hoa e thẹn và trông rất buồn.
“Tôi không nhớ lần cuối mình thực sự vui vẻ là khi nào nữa. Dù chỉ một chút.”
Cô ấy đặt máy đánh chữ xuống lòng, đưa hai bàn tay lên. Những đầu ngón tay cháy xém, lớp da chai sần thô ráp run rẩy như đang tìm cách gỡ một sợi dây vô hình quấn quanh cổ.
“Tôi từng nghĩ dị năng là một lời nguyền. Mỗi ngày đều cảm thấy cơ thể này không phải của mình. Cứ như mình là một con rối do chính bản thân mình điều khiển sai nhịp.”
Tôi lặng thinh.
“Có hôm tôi đứng trên lan can tầng ba mươi hai cùa tòa tháp,” Sharon tiếp tục, giọng nói giờ đây khẽ như gió, “Và tự hỏi nếu nhảy xuống thì mình có chết luôn không. Hay lại sống sót, lại phải tiếp tục chịu đựng… Tôi nào muốn phải giết một ai đó chứ!”
Một khoảng lặng.
“Tôi chưa bao giờ nói điều này với ai. Nhưng mỗi lần chất ức chế sắp hết, tôi lại cảm thấy… nhẹ nhõm. Tôi sẽ cảm giác rằng… ừ, mọi thứ sắp kết thúc rồi. Cơn đau này rồi sẽ dứt.”
Tôi nhìn cô ấy, lần này không phải bằng ánh mắt thương hại, mà là một sự thấu hiểu sâu sắc. Sharon không cần sự cảm thông. Cô cần sự thật. Và cô đang tự đối diện với nó.
“Nhưng rồi tôi nghĩ… nếu mình chết đi thì sao?” Cô gõ với những ngón tay run rẩy và đôi mắt đẫm lệ.
“Tôi đã từng muốn yêu một ai đó, từng cười lớn trong những buổi trưa hè, từng nằm dài trên sân cỏ mà không lo nghĩ. Tôi đã từng có ký ức, có người để chờ, có người từng đợi tôi.”
“Tôi chưa đọc hết những cuốn sách mình mua. Chưa hôn ai dưới mưa. Chưa leo lên một ngọn núi mà hét thật to. Tôi thậm chí còn chưa được sống đúng nghĩa.”
Tôi thấy nước mắt lăn trên gò má cô. Nhưng lần này, chúng không phải là giọt lệ của sợ hãi. Chúng là của tiếc nuối.
“Martin quá mệt rồi. Nhưng tôi… tôi vẫn chưa mệt. Dù cho cái dị năng này có là một lời nguyền đi chăng nữa, dù tôi phải sống như một con chó nghe lời người khác đi chăng nữa. Thì tôi vẫn muốn sống thêm, tôi tin rằng, tôi sẽ có được thứ mà mình muốn.”
“Và tôi không muốn mình bị định nghĩa chỉ bằng khả năng của mình, hay căn bệnh trong máu mình. Tôi muốn… sống. Thật sự sống.”
Cô ấy hít một hơi thật sâu, lấy tai nghe từ tay Silvia, đeo lên, rồi quay sang tôi, mỉm cười rất nhẹ:
“Tôi chọn sống, Yongo.”
Câu ấy vang lên như một lời tuyên thệ. Ánh mắt cô ấy nhìn thẳng về phía tôi như thể… cô ấy đã nhìn thấy một điều gì đó để níu kéo hi vọng của mình.
Im lặng.
Im lặng đến mức tôi có thể nghe thấy tiếng máu chảy trong tai mình.
Sau tất cả, Sharon chọn sống.
Cô ấy quay sang nhìn tôi, và dù gương mặt vẫn còn chút căng thẳng, ánh mắt đã khác. Không còn là đôi mắt của một người bị nhấn chìm trong sợ hãi, mà là đôi mắt của một người vừa ngoi lên khỏi mặt nước sau một giấc mộng dài bị nhấn chìm bởi sự tiêu cực. Dẫu là mệt mỏi, dẫu là vết thương còn đó, nhưng vẫn rực cháy khát vọng tiếp tục sống.
Tôi nhìn theo khi Sharon đặt tai nghe lên tai mình, gật nhẹ đầu với tôi một cái như một lời cảm ơn, không hẳn là vì tôi đã nói gì đó, mà có lẽ chỉ vì tôi đã ở lại. Đôi khi, một người chịu ở lại bên cạnh, lặng lẽ thôi, đã là một chỗ dựa lớn hơn bất kỳ lời nói nào.
Pidaf im lặng, vẫn ngồi trên chiếc xe lăn đã di chuyển đến giữa sân khấu, đối diện với Martin.
Đôi mắt bà giờ đây vẫn còn nhuốm đỏ vì máu. Nhưng không còn đau đớn.
Chỉ là… bình thản.
Chậm rãi, Pidaf đưa tay gỡ chiếc mặt nạ oxy trên miệng mình ra. Bà hít một hơi thật sâu, như thể đang hít vào không khí lần đầu tiên trong nhiều năm.
Silvia bước lên, đưa cho bà một chiếc micro nhỏ. Pidaf khẽ gật đầu.
“Tôi sẽ hát,” Bà nói, bằng giọng thật. Yếu ớt, khàn đục, nhưng là thật. “Lần cuối cùng.”
Tôi cảm thấy tim mình nhói lên.
Martin đã đặt tay lên phím đàn.
Và rồi…
Không báo trước. Không tín hiệu. Chỉ là… tiếng đàn bắt đầu hiện hữu như một lưỡi gió, như một tấm rèm mỏng được vén lên, phơi bày một thế giới khác.
La Foule.
Nhưng không phải La Foule như chúng tôi từng nghe. Một giọng hát cất lên đầy hy vọng và đau đớn. Đó là một khúc bi ca tái sinh dưới bàn tay của một dị nhân với tai nghe được mọi thanh âm trong vũ trụ. Tôi khá chắc rằng chiếc tai nghe mà Silvia đã nữa vẫn hoạt động tốt với khả năng cách âm nhưng bằng cách nào đó thì chúng tôi vẫn nghe được những giai điệu.
Nốt đầu tiên ngân lên, lặng lẽ như tiếng chuông chùa giữa sương sớm. Từng phím đàn được chơi bằng cảm xúc của người đã đi qua ranh giới giữa con người và huyền thoại. Cả căn phòng rung khẽ, như đang lắng nghe thấy giai điệu tuyệt vời từ Martin
“Je revois la ville en fête et en délire…
(Tôi thấy lại thành phố trong lễ hội và điên loạn…)”
Giọng Pidaf vang lên.
Bà ấy đã đứng dậy khỏi xe lăn.
Tôi không hiểu bằng cách nào, rõ ràng là bà ấy đang yếu lắm, thậm chí đến việc cử động đôi tay cũng khó khăn. Nhưng giờ đây, Pidaf bước từng bước về phía Martin, giữa ánh sáng từ sân khấu, giữa tiếng đàn dâng trào như sóng thần, giữa đống đổ nát dần hình thành xung quanh.
Giọng hát của bà không còn như một bà lão nữa. Nó là giọng của quá khứ. Của những khán phòng châu Âu xưa cũ. Của những sân khấu từng vang lên tiếng hò reo và những tràng pháo tay không bao giờ đủ. Của những kỷ niệm mà người ta mang theo đến tận cuối đời.
“Je revois la ville en fête et en délire
Suffoquant sous le soleil et sous la joie…”
(Tôi thấy lại thành phố trong lễ hội và điên cuồng
Nghẹt thở dưới ánh nắng và niềm vui…)
Tôi cảm thấy từng câu hát của bà đâm vào ngực mình như những cây kim bén nhỏ. Không đau. Nhưng buốt.
Bà tiến sát Martin. Cậu ta không nhìn bà. Nhưng đôi tay cậu lướt phím như thể đã biết giọng ca ấy thuộc về đâu. Bản song ca giữa con người và dị nhân. Giữa sống và chết.
“Et j'entends dans la musique les cris, les rires…
(Trong tiếng nhạc, tôi nghe tiếng hét, tiếng cười…)”
Căn phòng bắt đầu dao động thật sự. Không còn là cảm giác. Mà là thật. Cảm giác như đang có một cơn địa chấn nhỏ đang xuất hiện vậy.
Tường rạn. Đèn trần lắc mạnh. Những tấm màn sân khấu bị gió âm thanh cuốn lên. Như một cơn bão vô hình đang nhảy múa, điên dại và thiêng liêng. Khán phòng tròn, nơi từng yên tĩnh như một đền thờ, giờ trở thành tâm điểm của một cơn cuồng phong.
Pidaf hát tiếp, giọng mỗi lúc một vỡ.
“Et je crie, je crie, je suis emportée
Par la foule qui nous traîne, nous entraîne…
(Và tôi hét lên, tôi hét lên, tôi bị cuốn đi
Bởi đám đông đang kéo lê chúng tôi, cuốn chúng tôi đi…)”
Những dãy ghế bật tung.
Bức tường lớn bên phải nứt toạc. Từng mảng trần nhà sụp xuống, gạch vụn tung tóe trong không khí. Và giữa cơn hỗn loạn ấy, Pidaf vẫn hát, vẫn tiến về phía đàn như thể đó là lối thoát duy nhất trong đời bà.
Ánh sáng từ đèn trần phía trên rọi xuống làm nổi bật mái tóc bạc trắng bay lên của bà, như một dải lụa lạc trong bão.
“Et nous laisse tous deux épanouis, enivrés et heureux…
(Để lại chúng tôi trọn vẹn, say đắm và hạnh phúc…)”
Tôi không thể thở được nữa. Không phải vì không khí. Mà vì cảm xúc.
Silvia hét điều gì đó. Cô ấy giật tôi và Sharon lùi lại, tay kéo chúng tôi khỏi khán phòng như một cơn gió ngược chiều. Nhưng tôi không nhìn cô ấy. Tôi chỉ nhìn về phía sân khấu.
Martin vẫn chơi. Mái tóc cậu ướt đẫm mồ hôi. Đôi mắt mở lớn, như thể đã hòa tan vào bản nhạc. Không còn sợ hãi. Không còn giận dữ. Chỉ còn đắm chìm. Cậu như đang bay lên giữa biển âm thanh mình tạo ra, một mình, mãi mãi.
Pidaf tiến sát cậu. Và đặt tay lên vai Martin.
Bà gục đầu xuống vai cậu, như một người mẹ, như một người nghệ sĩ, như một linh hồn đã đến cuối hành trình.
Martin chơi nốt cuối cùng.
Một hợp âm kéo dài, dài đến mức không còn thời gian.
“Et je pleure…”
(Và tôi khóc…)
Lời hát cuối cùng vừa vang lên thì cả căn phòng… sụp xuống.
Mọi thứ vỡ tan trong một cú nổ vô thanh. Không có tiếng rầm. Chỉ có ánh sáng trắng. Rồi sau đó là bụi mù, là bóng tối, là sự im lặng tuyệt đối.
Cả hai người, Pidaf và Martin, gục xuống sân khấu.
Tựa như một đôi vũ công ngã quỵ sau điệu nhảy cuối cùng. Họ chết như hai người nghệ sĩ, dưới ánh mắt bàng hoàng của tôi và những người còn lại.


0 Bình luận