• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Thánh Viện Toàn Thư Khải

Trang 0: Mặc Khải hay Nguỵ Mặc Khải?

0 Bình luận - Độ dài: 1,255 từ - Cập nhật:

Có những ký ức không thuộc về bất kỳ ai, nhưng vẫn bám theo từng bước chân loài người. Ta không biết từ bao giờ chúng bắt đầu được gọi là “kiến thức”.

Cuốn sách này không phải do ta viết. Cũng chẳng phải do ai viết cả. Nó tự tồn tại – hoặc được sinh ra, như một hậu quả. Một món nợ khắc trên bìa da khô nứt, được bọc lại bằng tên gọi nghe qua tưởng chừng vô hại: Thánh Viện Toàn Thư Sách.

Ta chỉ là người ghi lại. Hoặc đúng hơn, là kẻ bị bắt phải viết tiếp.

Mỗi khi ta đặt bút xuống, những dòng mực đầu tiên đã có sẵn từ lúc nào. Không có hướng dẫn. Không có chỉ dẫn. Chỉ là một giọng nói trong đầu ta – khản đặc, như vọng từ dưới đáy giếng. Nó không ra lệnh. Nó thì thầm.

Có lần ta thử đốt sách. Lửa không bén, chỉ để lại mùi sáp cháy khét lẹt và tiếng vang mỏng như kim loại gõ vào sọ người. Sau đó, một chương mới tự động xuất hiện ở cuối sách. Không phải về lửa, mà là về những kẻ từng cố đốt lửa sai cách. Trong đó có tên ta.

Cuốn sách này biết. Nhưng nó không dạy. Nó kể – bằng ngôn ngữ của vết thương và tro bụi.

“Ta từng cầm trên tay một cuốn Thánh Viện Toàn Thư Sách.” – Lời ghi của Luthias, một học giả mất tích từ hai mươi năm trước, để lại cuốn sách của hắn phủ bụi trong thư viện đổ nát ở Zwachilla.

Nhưng ngay khi ta mở nó, ta nhận ra mình không phải là người đầu tiên đọc những dòng này. Có ai đó đã từng đọc trước ta, và ta có thể thấy dấu vết của họ: những dòng chữ bị xóa, những đoạn văn chồng chéo, những câu nói bị ngắt quãng như thể chính cuốn sách cũng không chắc chắn về nội dung của mình. Mỗi khi ta lật sang trang kế tiếp, ta không còn tin vào những gì mình vừa đọc. Và khi ta lật lại… nó đã thay đổi.”

“Ba ngày sau, ta gặp một kẻ khác cũng sở hữu một cuốn Toàn Thư. Chúng ta thử đọc cùng một chủ đề, cùng một trang. Hắn thấy một sự thật khác. Ta thấy một sự thật khác. Nhưng ai đúng? Ai sai? Hay cả hai đều là nạn nhân của một trò chơi mà chính cuốn sách này sắp đặt?”

“Ta đã cố ghi chép lại, cố giữ lại những gì ta đọc được. Nhưng mỗi sáng thức dậy, ta thấy trang giấy trắng trơn, mực đã bay hơi, hoặc tệ hơn… những dòng chữ bị thay đổi mà ta không hề nhớ mình đã viết chúng.”

“Bây giờ, ta không còn nhớ ta đã đọc gì trong cuốn sách đó nữa.”

Luthias biến mất một tuần sau khi viết những dòng này. Cuốn sổ tay của ông ta là thứ duy nhất còn sót lại. Trong đó, có một trang bị xé mất, chỉ còn lại vết mực nhòe nát:

“Có một sự thật tuyệt đối về cuốn sách này. Nhưng nó sẽ không để bất kỳ ai biết được.”

Ta không tin vào những lời nói dối của Luthias.” – Lời ghi của Dameka, một tu sĩ từng nghiên cứu các văn bản cổ. Gã đã phát điên và đang điều trị tại một căn biệt thự ở ngoài ô vùng Kaizerburg.

“Luthias cho rằng cuốn sách này tự thay đổi nội dung, rằng nó có thể thao túng người đọc. Đó là một điều nhảm nhí. Sự thật rất đơn giản: có nhiều hơn một cuốn Toàn Thư. Mỗi bản được một kẻ khác nhau giữ, và mỗi kẻ đã chỉnh sửa nó theo cách của riêng mình. Luthias không bị cuốn sách thao túng - hắn chỉ là kẻ ngốc bị lừa bởi những kẻ khác đã viết trước hắn.”

Nhưng nếu điều đó đúng… thì tại sao, khi ta cố ghi lại nội dung một trang, sáng hôm sau nó lại không còn trên giấy?”

Và tại sao, khi ta quay lại đọc trang đó, nó không còn giống như ta nhớ?”

Dameka đã đốt cuốn Thánh Viện Toàn Thư của mình. Một tuần sau, một cuốn khác xuất hiện trong phòng hắn, nguyên vẹn như chưa từng bị thiêu rụi...

Mỗi trang viết ra là một kết tủa của ký ức tập thể, bị chắt lọc qua những vết nứt giữa sự thật và lòng tin. Cuốn sách không tìm sự chính xác – nó ghi lại những gì thế giới không thể chịu đựng được nếu bị lãng quên.

Đôi khi, chỉ cần ta nghĩ tới điều gì đủ mạnh, trang sách mới sẽ tự xuất hiện. Nhưng đổi lại, một phần trong ta sẽ trống rỗng – như thể ký ức đó đã được rút ra khỏi xương sống và chuyển vào giấy. 

Ta viết tiếp, không phải vì muốn biết, mà vì ta đã biết quá nhiều để ngừng lại. Nếu ngươi đang đọc dòng này, thì nghĩa là cuốn sách đã nhận ra ngươi. Và nếu nó nhận ra ngươi, thì… sớm muộn gì cũng tới lượt ngươi ghi tiếp vào một trang mới.

Nhưng đừng hiểu lầm — đây không phải là một cuốn nhật ký, hay một bộ sử thư. Nó không lưu lại quá khứ theo cách con người vẫn tưởng. Không phải ai sống lâu cũng có tên trong sách. Và không phải ai xuất hiện trong sách cũng còn đang sống.

Toàn Thư không chọn sự kiện. Nó chọn ý nghĩa. Có khi một trận chiến chín năm không được nhắc đến, nhưng một câu hỏi lặng lẽ của một đứa bé giữa đêm mưa lại được ghi thành một trang riêng biệt. Có khi một đế chế biến mất trong im lặng, còn tên của kẻ phản bội một người bạn thì được khắc vào gáy sách.

Những kẻ giữ sách lâu năm bắt đầu mơ thấy những đoạn văn chưa từng viết, nghe thấy tiếng lật trang khi không có gió, và nhìn thấy tên mình xuất hiện trong những chương còn chưa được hình thành.

Nó không nằm trong bất kỳ cuốn Toàn Thư nào, nhưng vẫn tồn tại, như một bóng ma giữa những dòng chữ thật và giả. Những kẻ từng thấy nó đều kể lại điều giống nhau:

Một đoạn văn, không có tiêu đề, không có số trang. Nó chỉ xuất hiện khi người đọc bắt đầu nghi ngờ chính những gì họ đang đọc.”

“Nếu ngươi đang thấy trang này, có nghĩa là ngươi đã bắt đầu đặt câu hỏi.”

“Nhưng hãy nhớ: Đừng bao giờ cố tìm kiếm nó lần thứ hai.”

Vậy, chức năng của nó là gì ư? Là một kho tri thức? Một ký ức sống? Một lời nguyền di động?

Tùy ngươi hỏi ai. Với ta – cuốn sách này là cái giá phải trả để thế giới không vỡ tan vì quên lãng. Với kẻ kế tiếp – có lẽ nó chỉ là một cuốn sách trống, đang chờ dòng đầu tiên.

Còn ngươi thì sao?

Và hãy nhớ rằng, Đừng tin hết những gì nó viết. Nhưng cũng đừng giả vờ rằng ngươi chưa từng đọc.

— Một kẻ từng là người giữ sách, không còn tên, không còn ngày sinh.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận