• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01

Chương 09 : Trường lớp

0 Bình luận - Độ dài: 2,249 từ - Cập nhật:

1. Một lời hứa

Thời đi học có lẽ không phải khoảng thời điểm khó khăn nhất trong cuộc trước đây của tôi. Nhưng là thời điểm khó quên nhất và để lại nhiều ký ức nhất.

Vào một ngày trong một mùa bất chợt, tôi ngồi trên ghế giảng đường, tiếp thu kiến thức, làm quen với bạn bè và tạo nên những ký ức của một phần cuộc đời. Tôi từng nghĩ rằng trường học sẽ là nơi mở ra một thế giới hạnh phúc trong tâm tưởng. Nhưng thực tế đã kéo tôi trở lại, đối diện với những kiến thức bị nhồi nhét đến nhàm chán và những môn học bắt buộc mà đến cuối đời, tôi vẫn không hiểu chúng mang lại giá trị gì cho mình. Tôi chẳng nhớ rõ được mình đã phải nghỉ bao nhiêu lần trong một học kỳ hay bất chợt phải ngừng thi vì cơn đau bất chợt ập tới lồng ngực. Khó khăn là vậy, tôi vẫn hoàn thành mười hai năm học mà không phải học lại bất cứ lớp học nào. Thậm chí là đứng thứ sáu trong lớp. Tôi nghĩ là do may mắn và một chút nỗ lực. Vì ngoài việc học, tôi gần như chẳng thể làm được điều gì khác.

Trên hết, tôi nghĩ mình đã học đủ để không phải đi học thêm lần nữa. Cho tới khi cô Bardle đưa cho tôi một cuốn sách.

“Đây là gì vậy cô Bardle?”

“Một cuốn tự truyện của danh hài Cemaro, nó là một cuốn sách rất hay dành cho thiếu nhi mà cô đã mang từ Thành phố Celldon tới đây.”

Rồi cô cúi đầu, nói một cách bí mật.

“Dù cô chẳng phải một con mọt sách, nhưng câu chuyện của Cemaro quá hay để có thể bỏ lỡ.”

Điều ấy khơi gợi sự hứng thú trong tôi.

Vì thế giới này chưa phát triển tới nền công nghiệp hiện đại, cộng thêm việc sống tại vùng đồng bằng ở quê, nên các cách giải trí của tôi thường là nghe và nhìn. Đôi khi, tôi tham gia vài trò chơi tương đối an toàn cùng bố.

Nhận lấy cuốn sách vào tay, tôi cảm nhận lớp da thuộc sờn màu, cùng với đó là mùi sách cũ rõ ràng. Cuốn sách này chắc phải đắt lắm. Tôi lật ra trang đầu tiên. Một dòng chữ viết tay đẹp đẽ bằng mực đen trên nền giấy trắng, ký một cái tên lạ hoắc mà tôi chẳng thể đọc được.

“Con thử đọc xem, nó hay lắm đấy.”

Cô nói khi ngồi xuống cạnh tôi.

“Con không thể đọc được.”

Tôi đáp. Rồi gấp cuốn sách lại và đưa nó cho cô Bardle, nhưng cô khước từ bằng cách giơ tay.

“Cô sẽ nhận lại khi con đọc xong cuốn sách này.”

“Cô muốn con phải đi học sao?”

Nghe cô nói vậy khiến tôi cảm thấy hơi buồn cười. Nếu muốn, họ cứ việc đem tôi tới trường là được rồi.

“Arya, cô không phải là người quyết định con có muốn đi học hay không. Con mới là người có quyền quyết định cuộc đời của chính mình, kể cả việc đi học.”

“Việc đi học có gì thú vị không cô Bardle?”

Tôi hỏi.

Cô chống cằm suy nghĩ, dường như đang cân nhắc câu chữ trong đầu mình vậy.

“Cô không biết việc đi học có gì hay hay thú vị không. Nhưng cô biết nhờ đi học, cô biết chữ, đọc được các bản thỏa thuận làm việc, kiếm được nhiều tiền hơn và có cuộc sống tốt hơn nhiều người. Và nếu học sâu hơn, có lẽ cô có thể sống xung túc trong giàu có.”

Lời nói chân chất của cô Bardle về lợi ích của việc học hành khiến tôi không khỏi bật cười, có lẽ vì nó quá thẳng thắn và đơn giản. Cô ấy nói về một cuộc sống tốt hơn nhờ việc học, điều mà nếu kiếp trước tôi sống lâu hơn, có lẽ tôi đã có thể trải nghiệm. Ý tưởng rằng việc học dẫn đến sự giàu có và hạnh phúc dường như là một lý do hợp lý cho việc tôi được sống lại. Có lẽ lần sống lại này là cơ hội để tôi học hỏi và trải nghiệm những điều mà kiếp trước tôi đã bỏ lỡ.

Việc học hành lại không hẳn là tệ, thậm chí còn có thể mang lại nhiều điều thú vị mà tôi chưa từng nghĩ đến. Với kiến thức từ kiếp trước, tôi có thể trở thành một thiên tài so với những đứa trẻ cùng tuổi, điều này khiến việc học trở nên hấp dẫn hơn.

Dù đôi lúc tôi cho rằng việc đi học không thực sự cần thiết với mình, tuy vậy nó vẫn có thể mang lại những trải nghiệm mới và giúp tôi hiểu thêm về thế giới này.

Tôi có thể trải nghiệm cuộc sống học đường một lần nữa, những điều mà kiếp trước tôi chưa từng có cơ hội thử qua. Biết đâu, qua việc đến trường, tôi sẽ khám phá được những niềm vui mà trước đây tôi chưa từng biết đến. Hơn nữa, đây cũng là cách để tôi vượt qua giai đoạn nhàm chán hiện tại, khi cơ thể trẻ con này chưa cho phép tôi làm được nhiều điều.

Với trái tim hồ hởi, tôi hỏi.

“Khi nào con có thể đi học được vậy cô Bardle?”

Cô ấy mỉm cười đáp.

 “Khi con nói với bố mẹ của con.”

Tôi gật đầu, rồi giơ ngón út mình ra.

“Chúng ta nghéo tay nhé, con sẽ trả lại cuốn sách này cho cô cho tới khi đọc hết nó.”

“Được chứ.”

Cô ngoắc ngón tay của mình với ngón tay. Thế là một lời hứa đã được lập ra.

Vào buổi tối, tôi đã trao đổi thêm với bố mẹ. Họ lấy làm vui mừng lắm, dù đã từng cãi nhau. Thế là tối đó, bố mẹ, cô Bardle cùng tôi quây quần lại họp bàn về việc lựa chọn môi trường giáo dục có sẵn trong nội trấn. Mặc dù tôi chẳng biết gì về nền giáo dục của thế giới này, nhưng có vẻ trẻ em trên năm tuổi là có thể tham gia vài chương trình học phù hợp với xã hội và hoàn cảnh cụ thể của từng thành bang. Vì không có cái nhìn cụ thể, nên tôi không có đóng góp cụ thể vào việc bàn bạc.

Tuy vậy nhờ sự tinh tế của cô Bardle đối với suy nghĩ của tôi. Cô đã đề nghị cho tôi đến thăm thú cách thức dạy học rồi để tôi tự quyết định. Mẹ của tôi có chút lưỡng lự, vì bà đã có sẵn một kế hoạch cho tương lại của tôi tại ngôi trường cụ thể rồi. Còn bố thì, khá thoải mái.

Trước lúc đi ngủ, tôi cảm thấy hồi hộp khi nghĩ đến việc quay lại trường lớp. Thú thực, cảm giác ấy chưa bao giờ hoàn toàn biến mất, dù tôi đã trải qua nó nhiều lần trước đây. Dẫu không hẳn yêu thích môi trường học đường, sự lo lắng xen lẫn bối rối vẫn luôn đeo bám tôi.

2. Nội Thành

Điều đầu tiên tôi cảm nhận được sau chuyến hành trình dài, chòng chành trên chiếc xe ngựa, là sự choáng ngợp. Trước mắt tôi, là bức tường thành cao vút, sừng sững như một tấm khiên đen khổng lồ chắn ngang tầm nhìn. Màu đá xám phủ bụi thời gian, hằn in dấu vết của trăm năm lịch sử. Trên đó, những lá cờ thêu biểu tượng thành Gito cùng các đại gia tộc cai quản lãnh địa tung bay phấp phới trong gió.

Khi xe ngựa lắc lư tiến vào nội thành, băng qua cây cầu bắc ngang dòng sông lặng lờ, tôi bắt đầu cảm nhận được hơi thở của sự sống. Hối hả và chân thực. Đúng như những gì tôi từng mường tượng về một đô thành sầm uất. Những mái ngói đỏ san sát, trải dài đến khuất mắt giữa làn sóng biển người đang nhấp nhô.

Hai bên đường, dòng người tấp nập nối đuôi nhau như mắc cửi. Các sạp hàng chen chúc nhau trải dài như rồng uốn lượn, rộn rã tiếng rao hàng lan khắp phố phường. Tiếng con buôn chèo kéo, tiếng người mua mặc cả vang lên rộn ràng, tạo nên một bản hòa tấu ồn ào mà sống động. Tất cả hòa quyện, khiến khung cảnh nơi đây vừa lạ lẫm, vừa thân quen đến kỳ lạ. Phải rồi, những chuyến tàu không ngừng tôi từng chu du vào những ngày tháng cuối cùng. Nơi tôi thành những con người bận bịu giữa lòng thành phố.

Tôi nhìn thành phố lạ, nhìn những con người lạ đông nghịt người. Bố mẹ tôi trông không hào hứng lắm.

Bố nói chuyện về thời tiết, còn mẹ thì nói về các loại công việc.

Mặc dù rất muốn cô Bardle cùng đi, nhưng vì bổn phận nên cô không đi cùng gia đình tôi.

Kết thúc chặng đường dài trên xe ngựa. Trải nghiệm thật chẳng mấy dễ chịu, tôi cảm thấy toàn thân như rệu rã. Mông thì ê ẩm, đầu gối nhức mỏi, còn xương khớp như đông cứng lại sau từng cú xóc nảy liên hồi. Cũng dễ hiểu vì sao mẹ lại kiên quyết đề xuất chuyện chuyển vào thành nội, dẫu tôi vẫn thấy mình hợp với bầu không khí khoáng đạt của vùng ngoại ô hơn.

Bố trông có vẻ ổn, ánh mắt vẫn sáng, lưng còn thẳng. Nhưng mẹ thì khác. Sắc mặt bà hơi xanh xao, nhợt nhạt dưới ánh nắng đầu ngày. Thỉnh thoảng, bà lại đưa tay lên che miệng, ho khẽ một tiếng.

Chúng tôi bước đi trên con phố lát đá, nơi mặt đường được ghép từ những phiến đá xanh xám mài nhẵn theo thời gian. Bố tôi tách ra phía bên kia đường để gọi một chuyến xe ngựa khác, lần này là loại xe không có mái che. Cảm giác ngồi trên xe vẫn chẳng thoải mái hơn là bao, nhưng ít nhất có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn phố xá cũng không tệ.

Khi chúng tôi bước lên xe, người xà ích quay lại hỏi. Gia đình muốn đến đâu?

Bố là người đứng ra trò chuyện. Ông có vẻ rất giỏi khoản này, với giọng điệu cởi mở và thái độ thân thiện khiến người khác dễ có cảm tình.

Người xà ích gật đầu, suy nghĩ chốc lát rồi vung roi nhẹ, thúc ngựa lao đi. Chiếc xe hòa vào dòng người đông đúc trên con đường lớn, nơi mà giao thông có thể nói là hỗn loạn không tưởng, người xe chen chúc, mạnh ai nấy đi, chẳng theo một trật tự nào rõ ràng.

Chúng tôi đi ngang qua ngôi trường đầu tiên. Tòa nhà nổi bật với phong cách Gothic thời Phục Hưng phương Tây. Những cột đá chạm khắc tinh xảo, mái vòm cao vút, mặt ngoài là lớp cẩm thạch trắng ngà ánh lên dưới ánh nắng. Trường nằm ở một vị trí khá đắc địa, dễ thấy và rộng rãi.Có lẽ đây là giờ nghỉ, vì sân trường rộn ràng tiếng nói cười. Những học sinh mặc đồng phục gọn gàng ngồi đọc sách dưới bóng cây, vài nhóm khác thì nô đùa, chạy nhảy khắp khuôn viên. Một vài phụ huynh cũng đang dẫn con vào trường, có lẽ để làm thủ tục nhập học.

Mẹ tôi có vẻ ưng ý nơi này lắm. Ánh mắt bà lướt khắp tòa nhà rồi dừng lại nơi những học sinh đang chăm chú đọc sách, đầy trìu mến. Trong khi một giáo viên, tôi cho là thế, đang giảng thích các ưu điểm của ngôi trường này.

Còn tôi thì không thích. Không phải vì ngôi trường này có gì không tốt, mà chỉ vì cảm giác quen thuộc đến chán nản. Tôi đã từng trải qua điều này trước đây rồi – thành thật mà nói, chẳng có gì khiến tôi thấy háo hức.

Nhưng vì mẹ, tôi đành gắng tỏ ra rằng mình cũng thấy thích. Dù trong lòng hoàn toàn không như vậy.

Gia đình tôi tiếp tục ghé qua hai ngôi trường nữa. Ngôi trường thứ hai có phong cách tương tự ngôi đầu tiên, nhưng thoải mái hơn – học sinh không bị bắt buộc phải mặc đồng phục, không khí cũng có phần tự do và dễ thở.

Ngôi trường cuối cùng là một cơ sở giáo dục trực thuộc nhà thờ của tôn giáo địa phương, với những bức tranh thánh tích treo đầy tường, hành lang lặng thinh như nhà nguyện, và những lời giáo huấn được viết ngay trước cổng vào.

Tôi không thích ngôi trường đầu tiên. Quá gò bó, quá quy củ, như thể mỗi bước đi đều đã bị định sẵn. Càng không hợp với những giáo lý khắt khe của tôn giáo nơi ngôi trường cuối cùng.

Vì thế, tôi chọn ngôi trường thứ hai. Không phải vì nó hoàn hảo, mà vì đó là nơi tôi cảm thấy mình có thể thoải mái.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận