_______________________
Gửi tới tác giả Alicia-chan của bộ truyện “Đừng có nghiêm túc thích tôi đấy nhé”. Như đã hứa trong phần bình luận, mình xin phép viết một bài review để nói lên nhận xét cá nhân của mình sau khi đọc hết tới vol 2 hiện tại.
Mình muốn đính chính lại đây chỉ là một chút những suy nghĩ cá nhân của mình về tác phẩm, cũng như những kỳ vọng, mong muốn gửi tới bạn tác giả để mong là tác phẩm có thể phát triển tốt hơn. Vì thế nên mình không dự định viết bài review này như một bài review chính thống, cũng như không dự định dùng nó vào trong đợt vote banner kỳ này.
Để bắt đầu, mình muốn nói rằng mình là một độc giả rất dễ tính, cũng như là rất thích thể loại rom-com. Những gì mình nói ra dưới đây có thể không hợp lý với tác giả hay các bạn đọc khác cũng là fan của bộ truyện “Đừng có nghiêm túc thích tôi đấy nhé”. Vậy nên nếu có điều gì không đúng ý, đừng ngại ngần bình luận bên dưới để cùng thảo luận một cách văn minh.
_____________________
Tóm tắt.
Thích hoặc không thích, nếu phải chọn thì mình nghĩ là mình thích - thích cái bộ truyện “Đừng có nghiêm túc thích tôi đấy nhé.” Ngay từ đầu khi đọc cái tên truyện, mình đã nghĩ rằng mình cũng sẽ không nghiêm túc mà thích bộ truyện này được. Thế nhưng sau khi đọc qua hết tới Vol 2 hiện tại thì mình đã thay đổi nhận định. Bài review này sẽ tập trung vào những nhận xét mà mình cảm thấy thất vọng về bộ truyện mà mình nghĩ là tác giả có thể làm tốt hơn, cũng như đi kèm với đó là những điều mình thích về bộ truyện “Đừng có nghiêm túc thích tôi đấy nhé”.
Văn chương.
Đối với một bộ truyện rom-com thì người đọc tìm đến có lẽ vì nội dung là chính, sau cùng thì đó là mục đích của những bộ truyện rom-com. Với mình cũng như thế, nhưng ngoài nội dung ra thì mình cũng là fan của những tác giả chịu khó đầu tư vào cách hành văn của bản thân. Như đã nói trước đó, mình là một độc giả rất dễ tính, điều đó áp dụng cho cả việc hành văn. Trang OLN của Hako là nơi dành cho các tác giả từ non tay cho tới có kinh nghiệm tham gia với mục đích là thể hiện tinh thần văn chương, nghệ thuật cũng như trau dồi kỹ năng viết lách. Và đa phần thì các tác giả đều là những người còn non tay, chưa có nhiều kinh nghiệm (bao gồm bản thân mình), vậy nên khi đọc bộ truyện của tác giả Alicia, mình không hề đặt nặng vấn đề văn chương lên đầu. Thế nhưng không phải là không có những lỗi mà mình nghĩ rằng tác giả có thể cải thiện.
Thứ nhất, có một thứ mà mình không thể không chú ý tới. Nó làm mình cực kỳ nhức mắt vì không biết phải hiểu cái này như thế nào. Mình đang nói tới dấu “-” (gạch ngang). Ở Vol 1- chương 1, có một đoạn mình trích ra ở đây: “Tôi quay sang Nozomi - người vừa cất tiếng.” Trong đoạn này, tác giả sử dụng dấu gạch ngang ngắn như thế này. Và ở chương 4, 6 và 8 trở đi là dấu gạch ngang chuyển thành dấu gạch ngang dài “—” như này. Nó không có tính consistency (nếu có khúc nào mình sử dụng tiếng Anh thì đó là vì bất đắc dĩ mình không nghĩ ra được từ nào bằng tiếng Việt để diễn tả ý. Mình không sử dụng tiếng Việt cũng hơn mười năm rồi nên không được rành, mong các bạn đọc và tác giả thông cảm). Ngoài ra, ở chương 4 và chương 6 thì có hai dấu “—” tất cả, cả hai đều được dùng để diễn giải những từ nước ngoài như kinpira gopo và korokke. Thế thì cái này cũng bình thường thôi, có điều là mình đã tìm hiểu qua thử nhiều công cụ gõ văn bản khác nhau, từ word; docs; note (trên điện thoại thông minh); docs trên điện thoại và thậm chí là bộ gõ trên Hako (cả trên máy tính, tablet lẫn điện thoại thông minh), nhưng chưa bao giờ mà mình có thể làm được cái dấu “—” (gạch ngang dài) này cả. Thậm chí cả lúc viết bài review này mình cũng không thể gõ được cái dấu “—” mà phải nhờ Chat GPT viết dùm một câu ví dụ để copy cái dấu ấy. Nói tới đây thì chắc là tác giả hiểu mình muốn nói tới vấn đề gì rồi đúng không? Nếu sai, cho phép mình xin lỗi trước, và sẽ xin lỗi thêm nếu cần thiết, nhưng mình nghĩ là truyện của tác giả có dấu “—” này chắc là phải có vết chân của Chat GPT trong đó.
Sử dụng công cụ AI hỗ trợ viết là một điều bình thường thôi. Bản thân mình cũng sử dụng Chat GPT khá nhiều trong việc dịch thuật khi viết truyện bằng tiếng Việt, cũng như cho các bài luận văn khác. Thế nhưng mình cảm giác có sự inconsistent trong giọng văn giữa các chương, thậm chí là các đoạn trong cùng một chương khi có sự xuất hiện của dấu “—”. Vậy nên mình nghĩ rằng tác giả nếu có nhờ tới sự hỗ trợ của AI khi viết truyện, hãy sử dụng một cách đúng mức, đúng quy chuẩn. Việc cái dấu “—” này vẫn còn rất nhiều trong truyện cho thấy bạn có thể đã sử dụng luôn hẳn đoạn mà AI viết ra để đem vô truyện mà chưa chỉnh sửa gì lại. Như đã nói, mình không phân biệt hay nghĩ rằng việc sử dụng AI để hỗ trợ là xấu, nhưng nếu sử dụng, hãy dùng đúng quy chuẩn. Và nếu bạn không có sử dụng, rằng mình thật ra chỉ là một đứa tâm thần đang vạch lá tìm sâu thì cho phép mình gửi lời xin lỗi trước tới những người đọc và đặc biệt là tác giả Alicia.
Thứ hai, giọng văn. Cũng như ban nãy đã đề cập tới, giọng văn không có tính consistent. Cách bạn lựa chọn, sử dụng từ, hình thành một câu, đoạn lúc thì lãng mạn, văn hoa, lúc thì thiếu cá tính và khô khan. Một ví dụ trong Vol 1 - chương 5:
“Xoẹt xoẹt, tôi bước những bước hướng về vô định. Tôi đi ngang qua một nơi có những người lớn tuổi đang tụ tập để tập thể dục, tôi nhận ra một vài người trong số họ nhưng quyết định lơ đi, như một thằng nhóc ở độ tuổi nổi loạn thực thụ. Ánh đèn led vàng nhàn nhạt chỉ có thể chiếu sáng một góc của con đường tôi đang đi. Ở nơi nào đó thật xa, tôi nghe được âm thành của một đoàn tàu đang chạy vọng lại, trong một thoáng, tôi đã vô thức đi tìm tiếng ve kêu.
Ngắm nhìn con đường ảm đạm được bày ra trước mắt, trong lòng tôi lại cảm thấy có chút nặng nề, như thể tôi phải chịu một phần trách nhiệm cho sự ảm đạm này vậy. Nơi tôi ở thực chất là một khu dân cư khá đông đúc chứ chẳng phải hẻo lánh gì, song những người ở đây có xu hướng sống khá xa cách, họ dường như chỉ quan tâm đến chuyện của mình và hiếm khi giao du với những người xung quanh. Đôi lúc tôi cảm thấy tính cách của mình cũng có phần bị ảnh hưởng bởi điều đó. Nếu như bình thường việc tạo dựng mối quan hệ với hàng xóm láng giềng là cần thiết thì ở đây có quan hệ tốt hay không cũng chẳng quan trọng, và khi mọi người đều xếp việc giao du với hàng xóm vào hạng mục “thừa thãi” thì dần dần, những người có nhu cầu muốn giao du cũng sẽ phải làm điều tương tự do chẳng còn ai sẵn sàng mở lòng. Một nơi sống như đã chết là vậy đấy.
Cảm thấy cô đơn, tôi ngước nhìn lên bầu trời, ở đó, tôi tìm được người bạn đồng hành của mình, là vầng trăng.”
Ví dụ này có ba đoạn, mình sẽ không đề cập gì tới vấn đề liên kết câu/đoạn, chỉ nói về vấn đề thiếu nhất quán trong giọng văn của tác giả. Ở đoạn một, tác giả dẫn độc giả đi bằng những câu từ rất bình dị và rồi chưa hề có build up hay gì mà ngay câu cuối của đoạn một, tác giả sử dụng câu: “Ở nơi nào đó thật xa, tôi nghe được âm thành của một đoàn tàu đang chạy vọng lại, trong một thoáng, tôi đã vô thức đi tìm tiếng ve kêu.” Thứ lỗi một lần nữa nếu mình không đủ trình độ để hiểu được cái câu mang tính chất ẩn dụ, trừu tượng trên. Nhưng cá nhân mình đã đọc qua đoạn ví dụ này, lẫn cả những đoạn sau đó và trước đó để hiểu rõ context, nhưng sau khi đọc xong hết ba bốn lần, mình vẫn không thể hiểu được ý của tác giả khi sử dụng câu này là như thế nào. Cá nhân mình thấy, khi tác giả muốn sử dụng một câu mang tính chất trừu tượng, ẩn dụ như vậy thì các câu trước trong đoạn cũng nên ít nhất có cùng một tone - lãng mạn và văn hoa thay vì dẫn dắt bằng giọng kể rồi đột ngột chêm vô một câu như thế ở cuối. Nó bất ngờ, không phù hợp và còn khó hiểu dù có context.
Đoạn thứ hai, tác giả sử dụng giọng văn kể và rồi nối tiếp sau đó là đoạn thứ ba với câu: “Cảm thấy cô đơn, tôi ngước nhìn lên bầu trời, ở đó, tôi tìm được người bạn đồng hành của mình, là vầng trăng.” - Đọc thì mình có thể hiểu được tác giả muốn bộc lộ ý gì bằng đoạn này. Thế nhưng một lần nữa, cách viết câu này chưa được tới và vì thế khi đọc làm mình rất cụt hứng. Đi kèm với đoạn sử dụng giọng văn kể (đoạn hai) bên trên đó khiến hai đoạn cuối này không ăn nhập với nhau trên phương diện tone và cảm xúc. Những chương khác tác giả cho thấy bản thân có thể sử dụng giọng kể một cách văn hoa (ít nhất là không bị chán), nhưng sao mà tới câu “vầng trăng” thì nó cụt lủn làm mình thực sự thất vọng. Đối với mình thì khung cảnh dạo đêm dưới ánh trăng nó rất đẹp, rất lãng mạn. Tiếc là ở câu trên thì ánh trăng của Kousei không gây được ấn tượng cho mình.
Việc đoạn ví dụ này được trích dẫn không phải vì mình vạch lá tìm sâu để khui cái dở trong cách viết của tác giả ra hay chỉ trích sự đơn điệu trong giọng văn, mà bởi vì nó thể hiện (theo nhận định của mình) sự không nhất quán trong giọng văn của bộ truyện này. Rất ngẫu hứng.
Thứ ba và cũng có lẽ là điều cuối cùng mình nhận xét về cách hành văn của tác giả chính là điểm yếu mà mình nghĩ tác giả Alicia vướng phải rất nhiều - kể lể. Thật may vì đây là một bộ truyện rom-com chứ không phải thể loại Isekai hay War/Politics, bởi vì cách tác giả tuồn thông tin ra cho người đọc thực sự rất ngột ngạt, đôi khi (đa phần) nó còn chẳng phải là thông tin mà chỉ đơn thuần là tự thoại về cái vấn đề nào đấy của Kousei.
Ở Vol 1 - chương 3 là điển hình. Tác giả Alicia mở đầu bằng một tràng kể lể, tự sự của nhân vật chính về “tình yêu là gì, tại sao con người lại tìm kiếm nó” để rồi kết thúc bằng một câu “mình đang nghĩ lung tung cái gì thế”. Tại sao? Khi đọc mình đã đặt câu hỏi là tại sao cái đoạn dài dòng ấy lại ở đó? Nó phục vụ cho mục đích gì? Và cuối cùng là nhận ra nó chả đóng góp được cho gì cả. Mà bởi vì không đóng góp được gì cho tuyến truyện hay phát triển nhân vật thì suy ra nó thừa. Có lẽ mình sẽ không bực bội đến vậy nếu như cái đoạn kể lể đó thực sự dùng vào mục đích để phát triển nhân vật chính. Ví dụ như bạn để nhân vật chính Kousei suy nghĩ dài dòng gì đó về lý do cho hành động của bạn Naruse và kết lại bằng một câu “mà khoan, không giống mình chút nào” - thì với cái trường hợp như thế này mình sẽ còn tolerance để chấp nhận đọc. Nhưng trong chương ba đấy, tác giả cho nhân vật chính Kousei kể lể gì đó về tình yêu, rồi kết lại bằng câu “lung tung” thế thì khác gì cái đống mà độc giả đọc nãy giờ là phí thời gian?
Cũng ở Vol 1 - chương 3, ngay dưới đoạn đó - khi mà Kousei gặp Naruse, tác giả một lần nữa tiếp tục kể lể việc nhân vật chính suy nghĩ lý do tại sao mình lại … với Naruse. Để rồi một lần nữa kết với câu: “Trở lại hiện thực thêm một lần nữa…” Cùng nhận xét như trên nên mình sẽ không lặp lại nữa. Và vấn đề này xui xẻo thay không chỉ xuất hiện trong chương ba, mà còn ở nhiều chương khác trong Vol 1 cũng như là trong Vol 2 - chương 1.
Mình nhận thấy rằng tác giả chưa biết cách kiểm soát thông tin cũng như là những gì cần và không cần thể hiện cho độc giả biết. Để khắc phục, mình nghĩ tác giả khi viết một chương hay một đoạn nào đó, hãy đặt câu hỏi: “Khi nhắc tới vấn đề này, suy nghĩ này, hành động này, thông tin này, nó có đóng góp gì để phát triển tuyến truyện, nhân vật hay không?” - Nếu có, viết cẩn thận không để dư thừa. Nếu không, tốt nhất là đừng nên thêm vô.
Bonus phần cuối trong mục này. Quan trọng hay không thì tùy vào tác giả xem xét. Mình có biết một người từng nói thế này: “Truyện không nhất thiết phải có show don’t tell, nhưng với t thì truyện không có show don’t tell là truyện dở.”
Tình Tiết.
Mục này sẽ ngắn hơn phần trước, đơn giản là vì xét về mặt tình tiết thì, dù đã đạt mốc 75,000 chữ và mở đầu Vol 2 rồi nhưng tình tiết vẫn chưa đi đến đâu đáng kể để nhận xét. Thế nên phần này một lần nữa sẽ tiếp tục là những kỳ vọng và nhận xét cá nhân của mình là chủ yếu.
Mọi người đến đây đọc review thì hẳn là đã ít nhất có biết qua được phần nào nội dung truyện. Dĩ nhiên, mình sẽ tránh và hạn chế spoiler nhất có thể, mặc dù từ cái tóm tắt truyện thì chắc các bạn đọc cũng phần nào đoán ra được nội dung sẽ được triển khai như thế nào rồi. Và cũng là ý đầu tiên mà mình muốn nhắc tới - tình tiết và thiết lập khá đại trà, dễ đoán. Đến bây giờ thì những bộ truyện rom-com, xuất bản lẫn web novel cũng không phải là gì hiếm hoi nữa. Mà bởi vì càng phổ biến thì nội dung sẽ càng dễ bị trùng nhau, dẫn đến motip và thiết lập cũng phần nào trở nên dễ đoán hơn. Nhưng đây không hẳn là mình chỉ đang chê. Một lần nữa nhắc lại, mình là một độc giả dễ tính và đồng thời cũng thích thể loại truyện rom-com. Với dạng thiết lập “người yêu giả” này thì cũng không phải là đặc biệt nữa, cũng được phổ biến từ lâu rồi. Song, cũng không hẳn là mọi thứ được xây dựng trong câu chuyện là quá dễ đoán - as far as the main ship is concerned. Nhưng các tình tiết còn lại thì buồn thay là không được như vậy vì không đủ điểm nhấn.
Motip quen thuộc thì không phải lỗi tác giả, đơn giản là vì bây giờ thị trường bị flooded quá nhiều rồi thôi. Nhân vật chính Kousei bước vào mối quan hệ “người yêu giả” với bạn nữ chính nhưng trong lòng vẫn còn cảm thấy tội lỗi với một bạn nữ khi trước mình vô tình làm tổn thương. Trong khi bị ràng buộc bởi cái mối quan hệ “người yêu giả” với bạn nữ chính ấy thì nhân vật chính Kousei cũng có thính thiếc các thứ với một bạn nữ phụ khác nữa. Thôi thì cũng là tính độc đáo riêng đi… nhưng mà nó làm bạn nam chính này như một tên dân chơi hơn là một người có chính kiến mà tác giả thể muốn thể hiện. Khi mà qua cả tương tác của nam chính Kousei với cả ba nhân vật nữ (Naruse, Nozomi và Haruhi) đều mang cảm giác thân mật quá mức, dễ xiêu lòng thì nó khó để mà mình nghĩ gì khác được về nam chính ngoài việc bạn ấy là một kẻ tồi và xứng đáng. Nếu tác giả cố tình xây dựng như vậy thì chúc mừng, câu chuyện đã làm được điều nó cần. Còn nếu không, thì có lẽ cần xem xét lại.
Khi nhìn vào tag truyện “Drama” và “Psychological” mình đã cảm thấy rất hứng thú. Vì hai tag này mà đi kèm với rom-com thì không khác gì tuyệt thế giai nhân. Mình thích những câu chuyện rom-com khai thác được tốt những yếu tố này, đặc biệt là khi setting của nhân vật đều là các học sinh cấp ba (năm cuối cấp nếu mình nhớ đúng). Khi nhắc về thanh xuân, năm cuối cấp, có thể mỗi người hình dung và vẽ nên những khung cảnh khác nhau. Còn với mình thì khoảng thời gian này thường đi kèm với cụm từ “coming-of-age” (một lần nữa xin lỗi vì mình chẳng biết cái cụm này nó dịch ra tiếng Việt là gì). Thời điểm mà các bạn học sinh đặt bước chân đầu tiên trên đại lộ của những giấc mơ, ngã rẽ của sự trưởng thành. Có biết bao nhiêu là cảm xúc, vui buồn có, lo âu có, hạnh phúc có và nhiều nữa, như một nồi lẩu thập cẩm. Thế thì khi mà biết là các nhân vật chính của bộ truyện “Đừng nghiêm túc thích tôi đấy nhé” cũng là những học sinh cuối cấp, mình đã hy vọng rằng tác giả sẽ khai thác tâm lý và drama của nhân vật theo hướng ấy. Những mối lo lắng về tương lai, ước mơ, nỗ lực, thất vọng và tình yêu tuổi học trò là thứ gắn kết tất cả lại tạo nên thanh xuân. Tiếc thay, nó chỉ dừng lại ở mức rom-com như bao bộ khác trên thị trường. Thế nhưng xin các bạn độc giả khác và cả tác giả cũng đừng hiểu sai. Đây chỉ là ý kiến cá nhân của mình cũng như kỳ vọng khi đọc bộ truyện này. Hoàn toàn không phải là chỉ trích lỗi.
Và tiện đây nhắc về chỉ trích. Mình có (nhiều) thứ để chỉ trích tình tiết với pacing của truyện. Ngoài việc tình tiết dễ đoán ra thì tác giả còn câu nệ tình tiết rất nhiều. Có nhiều tình tiết mà mình cảm thấy như không cần thiết phải có. Ví dụ, và objectively, nguyên cả Vol 1 - chương 3. Cá nhân mình thấy cái chương này dù không tồn tại thì nó vẫn chẳng mất đi cái gì trong mạch truyện cả. Toàn bộ chương 3 có thể tóm tắt lại bằng một, hai câu ngắn gọn như: “Tôi và bạn nữ … cùng nhau đến trường, cô nàng trang điểm lên nổi bật hơn hẳn mấy đứa nữ sinh còn lại… Những tiếng đồn thổi và ánh mắt hăm he cũng xuất hiện đúng như dự đoán.” Chỉ như vậy thôi. Ngoài ra, có những tình tiết ở các chương khác mình cũng cảm thấy nó dông dài và không cần thiết như vậy, cũng có thể tóm tắt lại bằng hai, ba câu kể. Ví dụ như một chương nói về buổi đi chơi công viên giải trí (mình không để số chương để hạn chế spoiler), cả một phân đoạn tác giả kể về việc nhóm nhân vật chính đi chơi cái gì, cái gì, chơi ra sao và cuối cùng thì mới tới cái chủ đề chính của chương đó là cái Ferris Wheel. Thực sự thì mấy đoạn này mình thấy tác giả cứ tóm tắt lại đi vì nó không đóng góp gì được cho tổng thể cái chương đó nói riêng và cái tuyến truyện nói chung.
Điều cuối cùng là pacing. Phần này bao hàm các ý trên đã nói trong mục này luôn. Pacing chuẩn mực rom-com… ở chỗ là nó câu nệ quá nhiều. Có lẽ là do mình có hơi khắt khe trong phần này, nhưng mình thấy là hơn mười mấy chương với 75,000 từ mà tính tiết và nhân vật chưa đi tới đâu. Thứ duy nhất cứu vãn được cái phát triển nhân vật lại chính là hai cái chương quá khứ của nhân vật chính với bạn nữ … Chỉ hai cái chương đó nó cho nhiều thông tin quan trọng nhất để hiểu về nhân vật chính (dĩ nhiên) và tổng quan những gì có thể dự đoán sẽ xảy ra, hơn là mười mấy chương còn lại không có gì ngoài các sự kiện con bò. Một lần nữa, có thể do mình có hơi khắt khe về phần này quá, nhưng dù có là rom-com đi chăng nữa thì 75,000 từ mà chưa có tí phát triển nhân vật gì mấy, hay ít nhất là cho thấy cái vấn đề chính (ngắn hạn/dài hạn) của câu chuyện đang hướng tới, tức là hơi khó nói rồi.
Tiện nhắc về vấn đề chính, mình xin phép đề cập về ba yếu tố mở đầu. Bối cảnh, nhân vật và vấn đề chính. Ít nhất trong cái Vol 1 thì tác giả phải thiết lập được những yếu tố đó. Và bối cảnh, nhân vật thì có rồi, chỉ là mình chưa thấy cái vấn đề chính (mục tiêu ngắn hạn/dài hạn) của nhân vật chính là gì. Kousei chỉ tồn tại, đến trường và bị dòng chảy số phận đẩy đâu thì đi đó. Để dễ hình dung cho tác giả hay các bạn đọc không hiểu thì mình thì mạn phép một lần nữa đặt ra ví dụ (nếu có sai thì xin lỗi vì sự thiếu hiểu biết):
Cha của nhân vật chính tên abc đuổi anh tới hòn đảo xyz để ở một năm cho tới khi tốt nghiệp cấp ba. Mục tiêu của nhân vật abc có thể hiểu là ngắn hạn và dài hạn. Dài hạn là việc anh abc này sẽ cố gắng chứng minh bản thân là xứng đáng để thừa kế công ty của cha rồi rời đảo xyz. Còn mục tiêu ngắn hạn thì có thể là anh abc này phải kiếm việc làm thêm để mà có tiền sống qua ngày, kiểu như vậy. Thế thì trong truyện của tác giả mình chưa thấy Kousei có cái mục tiêu nào cả.
Tóm lại, mình thấy việc xây dựng và triển khai tình tiết tác giả cần phải cẩn thận xem xét lại. Aside from the fact là motip có hơi đại trà, mình nghĩ tác giả Alicia vẫn có thể tạo nên sự khác biệt đôi chút trong tình tiết, hoặc làm tình tiết thực sự sâu lắng để nó đọng lại được, và như vậy theo mình là sẽ đủ gây ấn tượng cho độc giả.
Nhân Vật/Thoại.
Lý do mà mình ghép cả hai phần nhân vật và thoại vào cùng một mục này là bởi vì mình là một độc giả dễ tính. Có thể đối với người đọc khác thì bạn xây dựng nhân vật chưa được sâu sắc hay thoại không được tự nhiên, nhưng cá nhân mình thấy là đủ để mình invest thời gian vào.
Tuy nhiên, vẫn có chút điều mình cảm thấy có thể hay hơn. Yeah, yeah, a thousand voices, a thousand truths. Ai cũng có ý kiến phải thế này, phải thế kia, khó mà vừa lòng được tất cả. Nhưng, mình thì thấy có một sự thật là nhân vật Haruhi bị xây dựng khá một màu. Mình biết là bởi vì mới có một volume chính thức thôi nên việc xây dựng được Haruhi có chiều sâu ngay thì cũng khó. Thế nhưng khi đã đầu tư hẳn hai chương rưỡi về quá khứ của Kousei và Haruhi không nhưng vẫn chưa thể đạt được điều đó thì cái này thực sự là có vấn đề. Như mình nói, đây là ý kiến cá nhân (sự thật của mình và mình sẵn sàng lắng nghe và thay đổi nếu cần thiết - a thousand voices, a thousand truths mà).
Haruhi chỉ tồn tại như một cái công cụ để tạo nên quá khứ drama của Kousei và chỉ có như vậy. Khi cô có đất diễn thì những gì cô thể hiện chưa đủ để nhìn ra được mâu thuẫn trong tâm lý của Haruhi cũng như cảm xúc để làm nên chiều sâu. Ý của mình là Haruhi không tạo nên được sự tò mò cho độc giả bởi vì cô không khác gì một vị thánh mẫu hoàn hảo, một người tốt với tất cả mọi người và chỉ có như vậy. Không có conflict tâm lý, không có màu sắc và không có điểm nhấn. Những gì mình nhớ về Haruhi sau khi đọc xong chỉ có cái việc cô nàng này quá tốt bụng đến kinh dị và bao đồng không rõ lý do (chắc do tử tế quá). Ừ thì có nếu tác giả cố tình khiến cho người đọc nghĩ như vậy thì chắc là tác giả thành công rồi đấy. Nhưng cá nhân mình thích một nhân vật có conflict, có nhiều màu sắc, nhiều tầng và chiều sâu chú không phải hình mẫu hoàn hảo thế này. Cãi nhau đi, bực bội nhau đi, khó chịu khi lý tưởng va chạm đi, như vậy thì mới có cái mà phát triển nhân vật được - nhất là khi Haruhi lại giữ một vai trò khá quan trọng trong việc thiết lập nên nhân vật chính Kousei.
Nhân vật chính và quá khứ của anh ta không phải là thứ mà mình có thể đồng cảm hay hiểu được. Có lẽ là vì có nhiều thứ lúc này chưa được giải thích rõ như động cơ của nhân vật chính, cũng như là chưa có mục tiêu cụ thể cho nhân vật chính chẳng hạn. Ở hiện tại, mình không thấy Kousei là một nhân vật được thể hiện rõ ràng. Hoặc là được thể hiện rõ nhưng cái tính cách được thể hiện đó lại vô tình rất cơ bản, rất self-insert để người đọc và tác giả hình dung bản thân vào.
Naruse là một nhân vật rất có tiềm năng theo mình nghĩ, và có lẽ là cái điểm sáng duy nhất của bộ truyện (không tính tới Hoshino). Hành động của cô tạo nên sự mâu thuẫn, dù khá ít, nhưng nó đủ để tạo điểm nhấn khiến mình cảm thấy được sự khác biệt từ bạn nữ này. Mình đã mong là bạn này có nhiều đất diễn hơn ở Vol 1, nhưng cuối cùng thì bạn này cũng thoắt ẩn thoắt hiện, lúc bật lúc mí và đi kèm với cái sự kiện cao trào ở cuối Vol 1 sang đầu Vol 2 hoàn toàn khiến bạn này cũng dần trở thành một cái công cụ để đẩy plot đi.
Thoại - thoại thì đủ tự nhiên và đủ hài để lâu lâu mình thấy khóe môi nó nhếch lên xíu. Và đôi khi cũng hơi “nổi da gà” chút. Mà dù sao mình cũng đọc rom-com Việt Nam với những vở kịch “romanticism” của Shakespeare nhiều nên mấy câu thoại này cũng không phải mức để gọi là sến hay cringe gì cả.
Interests.
Có đoạn cao trào ở cuối Vol 1, thú thật đọc tới đó mình đã hồi hộp muốn theo dõi tiếp sau khi gặp phải cái cliffhanger.
Tanaka có vẻ bí ẩn. Tác giả gieo rắc cái bí mật gì đó giữa N và T làm mình thấy tò mò thực sự, nhất là sau phân cảnh cả hai nói chuyện với nhau ở cuối Vol 1. Tuy xuất hiện trên sân khấu được chút ít nhưng mình thấy hứng thú về nhân vật này rồi. Chỉ mong là nó thực sự thú vị như cách mà tác giả đang hype nó lên.
Hoshino - nhân vật phụ thôi và chắc là sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, nhưng mình khá thích bạn này. Thực sự luôn, vì sau khi nhân vật chính nói như thế mà vẫn bình tĩnh được thì đây đích thị là Wonder Woman. Nếu ship được mình xin phép ship Hoshino và Kousei nhé.
Tổng kết.
Dài quá rồi nên kết luận cho gọn thôi. Mình thích bộ truyện “Đừng có nghiêm túc thích tôi đấy nhé” của tác giả Alicia-chan.
Mình có thất vọng không? Có. Nhưng chủ yếu là vì mình đặt ra những tiêu chí mà vốn khác với ý tưởng của tác giả nên những cái đó là không đáng kể.
Tác giả có thể làm tốt hơn không? Có. Và hơn hết là nên, theo mình nghĩ vậy.
Cuối cùng, lưu ý thêm việc tách đoạn và kể lể.
26 Bình luận
Về việc sử dụng chat gpt:
Đúng, mình thừa nhận có sử dụng chat gpt trong một vài đoạn chủ yếu tập trung miêu tả đồ ăn và chỉ đồ ăn, bởi mình không phải người nhật nên chắc chắn không thể nào miêu tả hương vị của những món ăn đó một cách hợp lí và chính xác nhất được. Nhưng mình xin phép phủ nhận việc cop toàn bộ đống thông tin đó vào mà không thèm chỉnh sửa.
Về dấu “—” thì như bạn đã nói, đó là một dấu thường được thấy trong những đoạn văn sử dụng chat gpt và không thường được sử dụng bởi những ai đánh máy một cách thông thường. Nhưng mình cũng đã thấy dấu “—” ở một vài tác phẩm light novel truyện dịch được đăng trên Hako này, và điều đó đã làm mình cũng muốn sử dụng nó trong tác phẩm của mình, bởi cá nhân mình thấy dấu “—” nhìn vừa mắt hơn dấu "-". Mình đã dành thời gian suy nghĩ rất nhiều nên chọn sử dụng dấu nào, và như bạn đã thấy thì mình dùng cả hai. Những đoạn mình dùng dấu “—” đều là mình cop tay vào hết, về sau thì vì hơi lười nên mình đã không còn sử dụng nó nữa mà thay vào đó là dấu "-", sau bài viết này thì mình sẽ sửa lại toàn bộ thành dấu "-" để tạo sự nhất quán.
Thứ hai là về cách hành văn thiếu nhất quán và kể lể.
Mình là một người viết văn theo cảm xúc, và trong những chương đầu, cụ thể là từ 1-6 thì mình vẫn còn chưa thực sự làm chủ được điều đó, đồng thời chưa định hình được cách mà mình muốn triển khai cốt truyện. Và mình cũng thừa nhận sự thiếu kinh nghiệm trong việc dẫn dắt và kết nối những câu văn mình viết lại với nhau. Trong chương 3 cũng vậy, đoạn mình viết ra về tình yêu đó đơn thuần là viết theo cảm xúc, mình viết ra đoạn đó là để muốn tạo một bước đà, để người ta có thể nhìn sâu hơn vào cách cách mà Kousei nhìn nhận mọi thứ, nhưng mình lại làm chưa tới, hoàn toàn là sự thiếu kinh nghiệm của mình. Nhưng về sau thì mình nghĩ là mình cũng đã cải thiện được những điều này phần nào rồi, viết nhiều lên tay, chắc là vậy.
Công tâm mà nói, mình thấy mình đã đặt ra cả ba cái mà bạn nói là yếu tố mở đầu rồi. Với thể loại light novel thì mỗi tập nên tập trung vào kể một câu chuyện, hoặc khai thác một nhân vật, và trong vol 1 vừa rồi thứ mà mình khai thác chính là nhân vật chính, dù chỉ là một phần mà thôi, đồng thời giới thiệu các nhân vật xung quanh và hint cho câu chuyện sắp được kể trong tương lai nữa. Với nhân vật chính, mình đã đưa ra câu chuyện đằng sau quá khứ của anh ta, về lí do mà anh ta lại muốn trở thành một "kẻ đứng đầu trường học" trong quá khứ và cả những sai lầm trong quá khứ của anh ta nữa. Nhìn một cách phiến diện, có vẻ nhân vật chính hoàn toàn chẳng có mục đích quái gì, nhưng chẳng phải cái mục tiêu đó đã luôn được treo trên đầu của người đọc rồi hay sao? Đó là tìm kiếm một tình yêu chân thành, tìm lại những cảm xúc như của tình đầu, và trong vol 1 này còn là để sửa chữa mối quan hệ với Haruhi - người mà anh ta đã làm tổn thương trong quá khứ. Cái này thì mình sẽ không trách bạn vì không nhận ra được điều đó, nhưng mình chắc chắn vẫn sẽ còn khai thác tiếp nhân vật chính Kousei trong tương lai.
Về nhân vật/thoại.
Để giải thích cho việc bạn cảm thấy một số nhân vật thiếu chiều sâu, khó đồng cảm thì câu trả khá đơn giản... là vì mình mới viết xong vol 1 thôi. Như mình đã trả lời bình luận của bạn thì nếu như lôi hết tất cả mọi thứ về những nhân vật này ra để khai thác thì những vol sau còn gì mà viết nữa =)), vả lại 71k từ (tính riêng vol 1) cũng là khá nhiều rồi, bạn cũng nên nhớ rằng đây mới là vol 1, việc vừa giới thiệu nhân vật, vừa hint, vừa khai thác đủ mọi khía cạnh của các nhân vật là bất khả thi. Nhưng sau đây mình cũng sẽ xin trả lời những thắc mắc của bạn về nhân vật.
Với Haruhi, việc bạn thấy cô ấy chẳng khác gì một thánh nữ cũng là dễ hiểu thôi, bởi vì lời kể và mọi thứ xung quanh nhân vật này được áp đặt lên bạn bằng góc nhìn của nhân vật chính, người có tình cảm với cô nàng. Đó cũng là cách mà mình muốn mọi người nhìn nhận nhân vật này, quá khứ, xung đột tâm lí vân vân... Có lẽ sẽ khá khó để đưa hết tất cả những thứ đó vào. Trong một bộ truyện, sẽ có những nhân vật hay, sẽ có những nhân vật dở, sẽ có những nhân vật được khai thác và có những nhân vật không được khai thác. Và mình cũng chẳng dám chắc sau này Haruhi sẽ còn xuất hiện quá nhiều nữa cơ =))
Với nhân vật chính thì mình đã nói ở trên, nên xin phép không nhắc lại thêm nữa. Còn với Naruse thì mình chỉ có thể nói là bạn hãy chờ đợi những diễn biến tiếp theo trong tương lai