Hướng xây dựng cốt truyện dành cho gà mờ.
Members

Bài viết này không phải là của một giáo sư, tiến sĩ nào đang cố gắng truyền đạt kinh nghiệm cho hậu bối. Tôi đây cũng chỉ là một gà mờ đang chỉ cho đồng loại cách đi đường vòng thôi. Mục đích là để những con gà có thể đạt được ít nhất 50% những gì các Pro có thể làm trong việc xây dựng cốt truyện.

 

Phải nhấn mạnh, theo quan điểm của tôi, đối với một gà mờ thì còn cơ số thứ phải học trước khi nghĩ đến việc sáng tạo một cốt truyện thật gay cấn, plot twist não to... Bởi vì cứ ôm ấp mấy cái viễn tưởng ấy nên các gà mới cố nhồi nhét thông tin vào chương truyện. "Truyện của tôi hoành tráng và đồ sộ lắm, thế nên các độc giả hãy khai vị bằng một sớ những thông tin 'cơ bản' dài bằng cả chương 1 này nhé." (Là tôi đang nói chính tôi đấy. Ai nhột thì nhận đồng loại nào.)

 

Và, Cốt truyện hay thì được cái gì. Có khi nào gà đọc một tiểu thuyết và cảm thấy nó lôi cuốn. Nhưng đến khi chuyển thể truyện tranh hoặc phim thì trông nó cứ nhàm nhàm thế nào, mặc dù đã bám rất sát nguyên tác. Đó là bởi vì cốt truyện cũng như một cô gái vậy. Dù xấu xí đến đâu, trang điểm vào thì cũng sẽ đẹp ngay. Nếu là tiểu thuyết thì là kĩ năng sử dụng ngôn từ lôi cuốn của tác giả. Nếu là truyện thì là nét vẽ mượt mà. Nếu là phim thì là những phân cảnh kích thích.Nói chung, trước khi đọc bài viết này, hãy kéo xuống bên dưới Quy Định Đối Với Truyện Sáng Tác - OLN và dành vài giờ để đọc xem lý do tại sao các gà bị trảm. Từ đó mà học hỏi được cách hành văn.

 

Dài dòng thế là đủ. Sau đây là.

 

Hướng dẫn Xây dựng Cốt truyện cho Người mới bắt đầu: Phương pháp "Hành trình phát triển"
 
Giới thiệu
 
Mục đích
 

Bài viết này cung cấp một phương pháp tuy có thể tốn thời gian, nhưng đỡ phải động não nhất, mà vẫn xây dựng được một cốt truyện hoàn chỉnh.

 

Giới thiệu phương pháp "Hành trình phát triển"
 

Mới bắt đầu viết, hẳn ai cũng có cho mình một điểm khởi đầu, một điểm kết thúc, và vô số những ý tưởng về các sự kiện nên đưa vào trong cốt truyện. Charlotte chuyển sinh đến thế giới A. Trải qua vô số những mô típ từ quen thuộc đến độc lạ của dòng chuyển sinh, xong End. Trong lúc viết truyện thì thêm vào những chi tiết mà bản thân còn thiếu. Những câu chuyện không đầu không đuôi khác, với mục đích chỉ để làm dày thêm cốt truyện. Ai não to thì cốt truyện xuất sắc. Ai não bé thì có khi còn chẳng biết truyện mình sẽ kết thúc như thế nào.

 

Thế với một người não bé mà vẫn muốn có được cốt truyện sâu sắc thì phải làm thế nào? Cứ đi từng bước một là được. Phân tích xem, cốt truyện là gì? Nó là một hành trình tiến triển và thay đổi qua thời gian đúng không nào. Có thể là mối quan hệ, mục tiêu, nội tâm nhân vật... Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo những tiến triển đó có khởi đầu và kết thúc là thành công.

 

Hãy bắt đầu từ bước đầu tiên.

 

Bước 1: Xác định và Tạo Hành trình phát triển Cốt lõi
 

Hành trình phát triển là chuỗi các thay đổi, biến chuyển của một khía cạnh trong cốt truyện theo thời gian thực. Ví dụ như từ bạn thành thù, từ yếu đuối đến mạnh mẽ, từ cong thành gãy ( À hem. Nghiêm túc đi Tiến ơi.)

 

Ví dụ minh họa đi. Nhân vật Charlotte của tôi là một Android không có cảm xúc. Và cô ấy sẽ trải qua hành trình phát triển cảm xúc của riêng mình.

 

Vô cảm > Dần hiểu được cảm xúc là gì > Thấu hiểu đối phương > Bộc phát cảm xúc cá nhân.

 

Ngoài ra cô còn phải trải qua vấn đề tình cảm nữa.

 

Không quen biết > làm quen > hiểu lầm > làm lành > yêu nhau

 

Giờ hiểu hành trình phát triển là gì rồi đúng không? Vậy thì hãy tự hỏi xem, câu chuyện của mình sẽ nói về sự thay đổi của cái gì. Chọn vài ba cái hành trình phát triển mà bản thân cho là quan trọng nhất để làm xương sống cho cốt truyện.

 

Cớ đâu mà tôi nghĩ ra phương pháp này? Cứ nhìn vào sai lầm của người khác thôi. Bạn có thể không biết tại sao người ta thành công. Nhưng lại dễ dàng nhận ra tại sao người ta thất bại mà. Đó là lý do tôi khuyên mọi người đi đến "pháp trường" của Hako để lấy kinh nghiệm đấy.

 

Tôi thì sẽ tiếp tục với hai ví dụ bên trên nhé. Giờ sang bước 2.

 

Bước 2: Phân chia Hành trình thành các Giai đoạn
 

Để xác định những cột mốc quan trọng hoặc các bước ngoặt, plot twist... Bạn cần vẽ ra các giai đoạn.

 

Đầu tiên là nhìn vào điểm đầu và điểm cuối của hành trình. Tiếp theo là xác định xem những bước trung gian là gì. Ví dụ về Hành trình tình yêu đi.

 

Giai đoạn 1: Không quen biết. Ấn tượng thường tiêu cực hoặc trung lập.

Giai đoạn 2: Gặp nhau. Tìm hiểu ban đầu về nhau. Có thể yêu luôn từ lúc này, hoặc là tiếp tục sự tiêu cực.

Giai đoạn 5: qua đêm với nhau. (Tôi thề là mình biết khiếu hài hước của mình nó nhạt nhẽo. Nhưng mà méo ngăn nó lại được.)

Giai đoạn 3: Thử thách mối quan hệ. Biến cố, hiểu lầm, khoảng cách.

Giai đoạn 4: Sau khi trải qua biến cố thì lại càng thấu hiểu nhau hơn.

Giai đoạn 5: Cho đăng xuất một trong hai. (Không phải do tôi cố chọc cười đâu. Thực tế là tôi đọc mấy post của các gà. Truyện hay dở để sau, nghĩ đến cách để trêu đùa với trái tim độc giả trước cái đã. Tôn trọng độc giả chút đi các bạn.)

 

Tiếp theo thì là mô tả chuyển biến trong mỗi giai đoạn. Trả lời cho tôi các câu hỏi sau.

 

Một: Nội tâm hoặc mối quan hệ của nhân vật chuyển biến như thế nào?

Hai: Plot twist nào được tiết lộ?

Ba: Mục tiêu của nhân vật trong giai đoạn này là gì.

 

Bước 3: Tạo các Sự kiện cụ thể cho từng Giai đoạn.
 

Trong từng giai đoạn sẽ gồm một hoặc nhiều sự kiện. Sự kiện đó là gì? Tình huống, hành động, đối thoại cụ thể ra sao, và cách nào thúc đẩy câu chuyện đi lên.

 

Tự hỏi xem. Điều kiện cần để chuyển từ trạng thái hiện tại sang trạng thái tiếp theo là gì. Sau đó thì brainstorm các ý tưởng sự kiện phù hợp với bối cảnh, tính cách nhân vật.

 

Ví dụ (Giai đoạn 2: Gặp nhau. Tìm hiểu ban đầu về nhau.)

 

Sự kiện 1: Gặp nhau trong lúc hai gia đình hứa hẹn hôn ước. Ghét nhau ra mặt. (Vì trước đó đã gặp nhau và gây sự với nhau rồi.)

Sự kiện 2: Vô tình bị lôi vào chuyện của đối phương. Buộc phải hợp tác với nhau.

Sự kiện 3: Trò chuyện và hé lộ vài điểm chung.

 

Hãy tập trung vào tương tác: Sự kiện phải thể hiện được hành động, phản ứng, suy nghĩ của các nhân vật liên quan.

 

Bước 4: Bổ sung các Hành trình phát triển Phụ trợ
 

Nếu câu chuyện chỉ xoay quanh các hành trình phát triển của nhân vật chính. Câu chuyện sẽ thiếu sự phức tạp và hấp dẫn. Mà nếu chỉ nhét vào các yếu tố nền để cho có, thì nó còn tệ hơn. Vì khiến độc giả phân tâm vào một thứ chả có đầu có đuôi. Kiểu, đùng một cái xuất hiện một nhân vật có Background Dark Deep đủ kiểu. Xong qua chương sau quên bà nó luôn là trong truyện có nhân vật này.

 

Thế cho nên, một khi đã nhét vào truyện cái gì đó với mục đích thúc đẩy cốt truyện một cách lâu dài, thì phải xây dựng luôn hành trình phát triển cho người ta. Ví dụ: Hành trình từ thù thành bạn của một nhân vật phụ nào đó. Hành trình khám phá một âm mưu to lớn. Hành trình đạt được sức mạnh mà không phải do buff bẩn.... Đã có hành trình thì cũng phải chia giai đoạn và tạo sự kiện cho người ta luôn.

 

Bước 5: Sắp xếp và Ghép nối các Sự kiện theo Trình tự Thời gian
 

Đến đây thì thử nhìn lại những gì bạn đã làm xem? Giả sử có 4 hành trình phát triển. Mỗi hành trình có 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có 2 sự kiện. Thế thì chúng ta đã có 24 sự kiện. Với một đứa não bé như tôi mà nghĩ ra được 24 sự kiện để cho vào truyện thì là cả thành tựu rồi, đáng khen ngợi rồi.

 

Thế nhưng vẫn còn một bước mà tôi cho rằng sẽ tốn nhiều chất xám nhất. Đó là ghép nối các sự kiện lại thành một dòng thời gian thống nhất và logic. Bạn có 24 mảnh ghép hình. Và ghép làm sao cho ra một bức tranh có nghĩa thì không phải chuyện dễ. Mà, cứ từng bước thôi.

 

Bước 1: Liệt kê tất cả các sự kiện đã tạo ra từ các hành trình (chính và phụ).

Bước 2: Sắp xếp chúng theo thứ tự thời gian xảy ra một cách logic.

Bước 3: Xem xét sự đan xen: Sự kiện của hành trình này có thể ảnh hưởng/diễn ra song song với sự kiện của hành trình khác như thế nào?

Bước 4: Điều chỉnh nhịp độ: Đảm bảo các sự kiện được phân bổ hợp lý, tạo cao trào và khoảng lặng cần thiết.

 

Để trực quan và dễ dàng hơn, bạn có thể dùng các công cụ tạo bản đồ tư duy. Ở đây tôi dùng phần mềm Obsidian, một phần mềm hoàn toàn miễn phí.

 

Bước đầu tiên là cứ tạo bản đồ tư duy cho từng hành trình phát triển như trong hình.

Sau đó thì sắp xếp chúng theo trình tự thời gian để được như này.

Sau đó thì như này.

Đừng sợ. Nếu có 6 tháng để thong thả viết cốt truyện như tôi thì bạn sẽ tạo ra được con quái vật này thôi. Còn chưa kể nó chứa một đống rác mà tôi chưa kịp xóa. Chứ bình thường nó không phức tạp đến thế. Không có gì phải xoắn. Tôi chỉ đơn giản là lấy nó ra làm ví dụ thôi.

 

Bước 6: Viết Bản thảo Chương
 

Trong hình, bạn có thể thấy nửa phía trên là 3 kim tự tháp, tượng trưng cho 3 nhân vật và các hành trình phát triển của họ. Ba người này đều là nhân vật chính hoặc là nhân vật chủ chốt ảnh hưởng đến cốt truyện.

 

Còn một cái kim tự tháp lạc lõng bên dưới là của phản diện đó. Ờ. Tôi đâu bảo là tất cả các sự kiện trong cốt truyện đều phải được đưa vào truyện. Nhiều khi, nó ở đó để đảm bảo tính logic cho tổng thể mà thôi.

 

Còn cái đường dài dài chia đôi hai nửa ấy là các chương truyện ấy. Một chương truyện có thể là tổng hợp của một hoặc nhiều sự kiện. Nhưng cũng có khi nó chả là của sự kiện nào. Nó chỉ là phần tiếp nối, hoặc bù đắp các lỗ hổng trong cốt truyện. Bởi vì chẳng có gì hoàn hảo cả.

 

Còn bạn, cái bạn làm là xác định mục tiêu của chương truyện. Chương này cần thể hiện sự tiến triển nào trong các hành trình? Cần giới thiệu thông tin gì? Tạo cảm xúc gì?

 

Kể lại các sự kiện đã chọn bằng ngôn ngữ văn học. Miêu tả, đối thoại, nội tâm. (Phần này ngoài chuyên môn của tôi rồi. Các bạn nên tham khảo những tác giả khác.)

 

Đảm bảo thể hiện được sự thay đổi/ phát triển của từng giai đoạn.

 

Tập trung vào thể hiện. Hạn chế kể lể.

 

Kết luận
 

Sau một hồi hướng dẫn cho đã đời, tôi vẫn muốn truyền tải thông điệp này. "Đừng có mà răm rắp làm theo bài hướng dẫn này". Nghe thì kỳ, nhưng mà tìm ra con đường viết truyện phù hợp với mình cũng là cách để các gà dần trưởng thành. Bởi vì chả có ai giống nhau cả. Con đường tôi đi được, không có nghĩa là nó cũng sẽ dẫn bạn đến thành công.

 

Bạn cảm thấy cách làm này quá dễ, hãy cắt bỏ những thứ không cần thiết. Cảm thấy quá khó, hãy dành thêm thời gian nghiên cứu hướng đi khác. Nếu bạn đã sở hữu một bộ não siêu to khổng lồ để ứng biến một cách thần sầu, vứt hướng dẫn này vào sọt rác luôn.

 

Đây là cách đi thiên về hướng "công nghiệp hóa". Mục đích tối thượng chỉ là đảm bảo câu chuyện có khởi đầu, phát triển và kết thúc rõ ràng, logic. Chứ nó cũng chưa chắc gì là cách để tạo ra một cốt truyện đỉnh nóc, kịch trần.

 

Và phải nhấn mạnh một lần nữa. Văn phong kém thì cốt truyện hay chả ý gì đâu. Nhưng văn phong hay thì đôi khi lại gánh được một cốt truyện tệ hại đấy. Bởi nếu quan tâm đến cốt truyện thì người ta sẽ đi nghe mấy cái recap phim đội lốt review đang nhan nhãn trên YouTube với Facebook rồi. Việc gì phải phí thời gian vào đây đọc truyện.

 

Khi mới bắt đầu, hãy trau chuốt ngôn từ, miêu tả, đối thoại (điều mà có lẽ tôi cũng đang lân đận mấy năm nay). Đừng quá ám ảnh việc phải tạo ra plot twist kinh thiên động địa ngay từ đầu. Cứ tập trung vào việc tạo ra những hành trình phát triển có ý nghĩa, thì tự khắc cốt truyện sẽ dần hình thành một cách tự nhiên và chặt chẽ.

 

Thế thôi. Chúc các gà hóa Phượng Hoàng thành công.

7 Bình luận

Bữa giờ chưa đọc, nay mới đọc. Nói sao nhỉ. Cái bài hướng dẫn này cũng đáng đọc. Nhưng do chỉ có hướng dẫn làm cốt truyện nên để cho newbie hóa Phượng hoàng thì hơi căng.

Mà thoạt nhìn, cốt truyện, nhân vật và world building có vẻ chả liên quan gì tới nhau. Nhưng mấy cái này lại ảnh hưởng qua lại. Một thay đổi trong thiết lập kia là có thể thay đổi sạch sành sanh cả câu chuyện. Thế nên, theo tui nhé, để hóa Phượng thì nên đầu tư đều cả. Chứ một cốt truyện hay cỡ nào mà nhân vật, bối cảnh hay world không đáp ứng đủ thì cũng chẳng thể bay cao được.
Xem thêm
AUTHOR
Ò ó o o... E hèm, thế ra tôi bây giờ tôi vẫn tưởng ngta worldbuilding bằng word
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
AI MASTER
T-toi xài gg docs🥲
Xem thêm
AUTHOR
Tôi sài excel 😅
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời
AUTHOR
Bóc tem! 😅 Ưng cái mục "qua đêm với nhau" nha! 🤡
Xem thêm