Yêu là một cảm xúc mãnh liệt, mãnh liệt hơn bất kể thứ gì khác trên đời. Hẳn là bạn đã nghe câu này rồi.
Tớ thích cậu.
Tớ yêu cậu.
Làm bạn trai/gái tớ nhé!
Những lời tỏ tình được tạo ra để giúp phần nào truyền tải đi thứ cảm xúc mãnh liệt ấy.
Để gọi tên thứ cảm xúc trong lòng mình là tình yêu thực sự cần rất nhiều sự can đảm, và để biểu đạt chúng thành lời và truyền tải chúng đến đối phương thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn thế.
Ngày đêm suy nghĩ đắn đo đợi chờ cơ hội, thao thức kiếm tìm những ngôn từ hoàn hảo nhất để đặt vào trong lời tỏ tình, cảm giác lo lắng, sợ hãi khi tưởng tượng ra viễn cảnh bị từ chối. Mỗi lời tỏ tình là một lời xưng tội của trái tim, đồng thời có thể là sự khai sinh của mối liên kết. Một câu nói đơn giản, nhưng là một bước nhảy qua nỗi sợ.
Những cảm xúc đặc biệt đó là đặc quyền của những người đang yêu và muốn được yêu.
Nhưng không phải lúc nào người ta cũng có thể xác định đúng cảm xúc của mình.
Có những lúc người ta nhầm lẫn giữa cảm nắng và tình yêu thật sự, giữa sự cô đơn cần được lấp đầy và một tình cảm sâu sắc.
Và có những lúc người ta lầm tưởng thứ dục vọng cần được thỏa mãn là tình yêu, một cách mù quáng.
Khi nói về bản chất của tình yêu và mối liên hệ của nó với ham muốn và đam mê, “Thang tình yêu (ladder of love) hay “Bậc thang eros” của Plato[note72679]là một trong những học thuyết nổi tiếng nhất.
Trong đó, thang tình yêu có 6 bậc.
Bậc đầu tiên: Yêu thể xác. Bắt đầu bằng niềm yêu thích và hấp dẫn thể xác dành cho một cá nhân cụ thể. Dựa hoàn toàn vào bản năng và cảm tính, vào ham muốn và sắc đẹp bên ngoài.
Bậc thứ hai: Yêu tất cả thể xác đẹp. Yêu sắc đẹp ở nhiều người, sự yêu thích trở nên rộng lớn hơn. Tất cả cơ thể đẹp đều có điểm chung, điểm mà khi người yêu nhận ra, sự yêu thích của người đó sẽ không còn bị bó buộc vào một cá nhân nào.
Bậc tiếp theo: yêu vẻ đẹp tâm hồn. Từ sắc đẹp thể xác, người yêu bắt đầu trân trọng cái đẹp trong tâm hồn, đức hạnh và trí tuệ. Tình yêu từ lúc này sẽ trở nên sâu sắc và ít phụ thuộc vào ngoại hình hơn.
Tiếp đến là yêu trí tuệ và tri thức. Tình yêu chuyển sang yêu cái đẹp của tư tưởng, tri thức, đạo đức, và các giá trị chung. Tình yêu vượt qua cảm xúc và đi vào sự đồng hành trí tuệ: bạn và người ấy truyền cảm hứng cho nhau, cùng nhau học hỏi, chia sẻ giá trị sống và lý tưởng.
Sau đó là yêu cái đẹp trong trật tự và lý tưởng sống. Lúc này, tình yêu giữa hai người được nâng lên thành một sự đồng điệu trong cách sống, giá trị đạo đức và mục đích sống. Cả hai cùng nhau xây dựng một đời sống hài hòa, ý nghĩa, và ảnh hưởng tích cực lên nhau.
Cuối cùng, yêu cái đẹp tuyệt đối. Bậc cao nhất: yêu cái đẹp thuần túy, cái đẹp vĩnh cửu, bất biến, không phụ thuộc vào bất kỳ hình thức vật chất nào. Là trạng thái lý tưởng của tình yêu. Người yêu giờ đây không còn tìm kiếm cái đẹp trong một đối tượng, mà chiêm nghiệm cái đẹp như một nguyên lý tồn tại – tuyệt đối, bất biến, siêu hình.
Người ta có thể thấy mình ở đâu đó trên năm bậc thang đầu tiên, nhưng hiếm có ai thực sự đạt đến được bậc thứ sáu, bậc cao nhất và được coi là một tình yêu tuyệt đối.
Vậy nếu không thể đạt được tới bậc thang cuối cùng thì có thể gọi là yêu không?
Câu trả lời ngắn gọn là: Có.
Dưới cái nhìn hiện đại, nhiều người cho rằng:
Mỗi người có "thang tình yêu" riêng của họ. Không phải ai cũng phải lên đến "Cái đẹp tuyệt đối” như Plato mới được gọi là yêu. Có những người chỉ yêu một người, sống một đời với những cảm xúc giản dị và lòng nhân ái — thì đó vẫn là một tình yêu đẹp, chân thành và đáng quý.
Vậy tất cả những thứ này có ý nghĩa gì?
Bạn biết đấy, Plato không hề phủ nhận tình yêu của con người.
Ông chỉ cho rằng:
"Tình yêu thật sự là khi nó giúp linh hồn vươn lên, không bị trói buộc bởi xác thịt."
Nếu tình yêu chỉ khiến ta lặp lại những khao khát bản năng, không khiến ta trở nên sâu sắc, thông tuệ, hay nhân văn hơn, thì nó chỉ mới là một tình yêu sơ khai.
Theo Plato thì đó là một tình yêu chưa trọn vẹn, chưa khai mở hết tiềm năng tinh thần của nó.
Tình yêu thể xác, đam mê, cảm xúc mãnh liệt với một người cụ thể vẫn là tình yêu, và thậm chí là một phần rất quan trọng.
Nhưng nếu con người chỉ dừng lại ở đó, không đi tiếp để khám phá những tầng cao hơn: yêu tâm hồn, yêu trí tuệ, yêu cái đẹp tuyệt đối… thì tình yêu ấy vẫn thuộc về thế giới hữu hình, là thứ có thể thay đổi, tan biến, hoặc lừa dối.
Nghe thì có vẻ cao siêu, nhưng nói một cách ngắn gọn thì với Plato, tình yêu là hành trình đi lên từ ham muốn thể xác trở thành một tình yêu tuyệt đối. Và việc bạn làm cách nào để có thể đi đến cuối của hành trình đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm và cách mà bạn thực sự yêu một con người, cách bạn nhận thức và cảm thụ nó.
Ham muốn là bước khởi đầu. Nhưng nếu linh hồn không vươn lên thì bạn chỉ đang yêu cảm giác của chính mình chứ không phải người kia.
Thứ cảm xúc hấp dẫn nhất thời có thể tan biến trong ngày một ngày hai đó không thể được gọi là tình yêu.
Và lầm tưởng ham muốn đó, gọi tên thứ cảm xúc chưa hình thành trong lòng là tình yêu và đem nó đi truyền tải chính là một sai lầm.


0 Bình luận